Cổng thông tin 1022 là đầu mối cung cấp thông tin cho người dân tại TP.HCM
- Y học 360
- 18:39 - 28/08/2021
Theo Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Phạm Đức Hải, ý thức chấp hành các biện pháp giãn cách xã hội của người dân được nâng lên; lưu lượng tham gia giao thông giảm mạnh so với trước; công tác xét nghiệm được đẩy nhanh; an sinh xã hội được nhanh chóng triển khai, bước đầu đảm bảo đời sống của nhân dân.
Đối với vấn đề an sinh trên địa bàn TP, TP.HCM đã tiếp nhận 125 đối tượng cơ nhỡ, lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội trong ngày (lũy kế từ ngày 11/7/2021 đến 27/8/2021: 577 người);
Tiếp nhận 32 đối tượng cai nghiện ma túy, trong đó vào Cơ sở xã hội Thanh Thiếu niên 2 19 người, vào Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy Bình Triệu 13 người (lũy kế từ ngày 11/7/2021 đến 27/8/2021: 172 người).
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, sở đang triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho 14.000 học viên được chăm sóc ở 12 cơ sở cai nghiện ma túy.
Tất cả học viên có mặt tại các cơ sở đều được tiêm chủng, trừ người dưới 18 tuổi, hoặc sức khỏe không đảm bảo. Đội hình tiêm vaccine là y bác sĩ của các cơ sở và có sự hỗ trợ chuyên môn của Sở Y tế TPHCM.
Cùng với đó, các cơ sở bảo trợ xã hội cũng triển khai tiêm vaccine cho 6.000 người bảo trợ xã hội (người già, người khuyết tật, người lang thang, mồ côi…). Đối với người làm việc tại cơ sở, đến nay, toàn bộ gần 1.000 cán bộ, nhân viên ở các cơ sở cai nghiện ma túy và gần 1.800 nhân viên khối bảo trợ xã hội cũng đã được tiêm vaccine.
Thông tin về các gói hỗ trợ, theo đại diện Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, trước tình dịch bệnh phức tạp, kéo dài dẫn đến nhiều người dân phát sinh khó khăn, bên cạnh việc triển khai Nghị quyết 09, Nghị quyết 68, Nghị quyết 23, TP đã ban hành văn bản 2627 để thực hiện chính sách bổ sung và văn bản 2799 cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ đối với hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động bởi dịch COVID-19.
Về công tác tiếp nhận thông tin tại tổng đài 1022, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Quốc Cường cho biết, Cổng thông tin 1022 hiện tại có sự tham gia của 86 đơn vị 625 đầu mối để cung cấp thông tin cho người dân. Quy trình xử lý được giám sát để bảo đảm thông tin được chuyển đến các cấp chính quyền kịp thời.
Để phục vụ công tác phòng, chống dịch, cổng thông tin 1022 tổ chức các kênh bao gồm:
- Phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm các quy định phòng, chống dịch COVID-19 (gọi 1022 – nhấn phím 0);
- Gửi ý kiến góp ý, hiến kế của người dân gửi đến Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19 (gọi 1022 – nhấn phím 1);
- Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 (gọi 1022 – nhấn phím 2);
- Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (gọi 1022 – nhấn phím 3);
- Kết nối với Mạng lưới tình nguyện viên tiếp nhận thông tin hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (gọi 1022 – nhấn phím 4).
Hiện nay, Cổng thông tin 1022 đã có 05 kênh tiếp nhận chính, bao gồm thoại, thư điện tử, website, ứng dụng di động và mạng xã hội (Facebook, Zalo).
Theo thống kê, Cổng thông tin 1022 đã tiếp nhận và chuyển hơn 47.000 tin phản ánh, tin báo của người dân liên quan đến các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 đến UBND TP Thủ Đức, quận - huyện và cơ quan chức năng các cấp. Hơn 80% số tin đều được các cơ quan, đơn vị xử lý, giải đáp và cung cấp thông tin cho người dân kịp thời.
Tính từ 18g ngày 26/8 đến 18g ngày 27/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.383 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 199.483 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.