Công nhân bộn bề nỗi lo cho con đi học
- Y học 360
- 23:22 - 28/08/2017
Công nhân KCN Thăng Long đón con sau giờ tan ca. ảnh: Hải Nguyễn.
Đối với những vợ chồng công nhân (CN) đi làm xa, vì không có hộ khẩu tại nơi sinh sống, hơn nữa, do nhu cầu gửi con đi học lớn hơn so với khả năng đáp ứng của cơ sở vật chất, nên việc tìm trường công cho con gặp rất nhiều khó khăn.
Xin được trường cho con rồi thì những chi phí cho con ăn học cũng làm họ “phát sốt” bởi đồng lương còm cõi của họ đã phải trang trải cho rất nhiều thứ.
Đứa con đầu lòng của anh Nguyễn Văn Khanh (công nhân KCX Linh Trung II, TPHCM) đã phải bỏ dở việc học 1 năm nay với lý do không tìm được trường. Vợ chồng anh từ Bạc Liêu lên TPHCM làm CN đã hơn 10 năm nay. Vợ chồng anh có hai đứa con, đứa con đầu 11 tuổi, đứa sau sắp lên 7. Khi con đầu được 6 tuổi, anh chị gửi về quê với ông bà nội để đi học, mỗi tháng, chị gửi về quê 1,5 triệu đồng để ông bà nội lo cho cháu. Tuy nhiên, năm 2016, ông bà nội bệnh nặng, không thể chăm cháu được nữa nên vợ chồng anh Khanh đưa con gái lớn lên Sài Gòn khi đang học giữa chừng lớp 3.
Anh Khanh cho biết: “Tôi định ráng cho con học hết lớp 3 rồi mới đưa lên nhưng ông bà nội bệnh phải nhờ người khác chăm sóc thì con mình sao để dưới quê được nữa nên tôi mới rút hết học bạ, hồ sơ đưa lên TPHCM. Cứ nghĩ lên đây dễ xin trường, ai ngờ đi nộp khắp nơi mà không chỗ nào nhận. Tôi đành cho con nghỉ hết năm học. Năm học 2017-2018 sẽ xin cho con học lại lớp 3. Thế nhưng mấy tháng nay, xin mãi vẫn chưa được”.
Cầm hồ sơ học bạ của con trên tay, anh Khanh tần ngần: “Tôi đến các trường tiểu học quanh khu chế xuất Linh Trung II xin cho con học, trường nào cũng lắc đầu vì quá tải, quá đông, phải ưu tiên cho học sinh có hộ khẩu thường trú, rồi mới đến tạm trú dài hạn, sau đó mới đến tạm trú. Có người bảo tôi lên Phòng Giáo dục quận Thủ Đức nộp hồ sơ, có người lại chỉ lên xã. Vợ chồng tôi đều làm CN, chữ nghĩa không có, muốn xin nghỉ một ngày đâu có dễ mà lên các trường phải đi vào giờ hành chính. Mà đi một ngày chưa chắc đã xong.
Thế nên, bây giờ khi con người ta đi học hết rồi, hồ sơ học bạ của con gái tôi vẫn còn ở nhà trọ. Hoàn cảnh gia đình bây giờ đơn chiếc, ông bà nội ốm không chăm cháu được nữa nên gia đình tôi sẽ về quê. Tôi sẽ tự chăm con và cho con đi học. Về quê để chuyện học của con được thuận lợi hơn”. Hiện, do không xin học được cho con ở TPHCM, hơn nữa, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên anh Khanh đã quyết định đưa con và gia đình về quê. Anh không còn làm CN ở TPHCM nữa và con anh đã đi học ở quê.
Vợ chồng anh Đặng Văn Bình và chị La Thị Hiền đang thuê trọ tại thôn Mai Châu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Anh chị đã có 2 cháu, cháu lớn 3 tuổi, đang học mẫu giáo; còn cháu nhỏ mới 12 tháng tuổi. Anh Bình cho biết, trước đây, cháu lớn sống cùng với bố mẹ tại phòng trọ. Khi cháu đến tuổi đi học trường mầm non, anh chị không xin được vào học trường công cho cháu. Nguyên nhân là do anh chị không có hộ khẩu, nên trường không nhận. Vì vậy, anh chị đành phải gửi cháu về quê học, nhờ ông bà nuôi hộ.
“Với lại, nếu để cháu học ở trên này thì với thu nhập còm cõi mà bao nhiêu thứ phải chi, chúng tôi không lo nổi. Nếu học trên này, một tháng chi phí đi học cho cháu lớn phải 1,2 triệu đồng; cả hai cháu tổng cộng phải hết hơn 2 triệu đồng. Trong khi đó, nếu gửi về quê, cả năm đi học mới hết… 1 triệu đồng. Vì vậy, chúng tôi đành gạt nỗi nhớ con, gửi cháu về quê. Còn cháu út thì còn quá nhỏ, nên phải ở với bố mẹ. Nếu cháu lớn lên chút nữa, chắc cũng phải về quê học” - anh Bình ngậm ngùi.
Vay mượn nộp học phí cho con Chị H đang làm CN tại một Cty chuyên sản xuất mỹ ký ở KCN Đồng Văn (Hà Nam). Nhà chị ở cách KCN khoảng 6km. Chồng chị thất nghiệp, vì vậy thu nhập của cả gia đình chỉ trông chờ vào tiền lương của chị (chỉ khoảng 5,1-5,2 triệu đồng). Anh chị có 2 cháu, một 5 tuổi, một 3 tuổi, đều đang học ở trường mẫu giáo. “Vì chưa đến ngày khai giảng, nhà trường chưa chính thức thông báo các khoản đóng góp, nhưng vừa rồi, khi nói chuyện với các thầy cô, tôi được biết tôi sẽ phải đóng nhiều tiền hơn cho 2 con so với năm học trước” - chị H than thở.
Cụ thể, năm ngoái, tiền học phí, tiền bảo hiểm của cháu nhỏ (chưa kể tiền ăn với tiền trông cháu buổi trưa) là 1,3-1,4 triệu đồng/tháng; còn năm nay, con số này tăng lên khoảng 1,5-1,6 triệu đồng. Tương tự, chi phí cho cháu lớn năm ngoái khoảng 1,7 triệu đồng, thì năm nay tăng lên tới 2 triệu đồng. Cháu lớn năm nay học lớp 5 tuổi, nên nhiều khoản phải chi phí hơn. Tính ra tổng chi phí một tháng mỗi cháu hết khoảng 3 triệu đồng.
Khi được hỏi thu nhập của cả gia đình chỉ khoảng hơn 5 triệu đồng, vậy hai vợ chồng sống bằng gì, chị H ngượng ngùng: “Cũng may là vợ chồng tôi có nhà rồi, không phải thuê; hơn nữa cũng trồng được ít rau, nuôi được con cá, con gà… nên bớt đi được nhiều khoản chi. Chứ nếu giả sử gia đình mà xa quê, phải thuê nhà trọ thì chắc chắn không sống nổi. Nói vậy, chứ vợ chồng tôi phải thường xuyên vay tiền người thân để đóng học, hoặc trang trải sinh hoạt hằng ngày rồi sẽ trả nợ khi nhận được lương” - chị H chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Minh Huyền - chuyên viên chính Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GDĐT) - đối với các KCN, KCX, khó khăn đối với giáo dục mầm non là quy mô trường, lớp chưa đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh, nhất là CNLĐ thuộc KCN, KCX.
“Vì vậy, phụ huynh phải gửi trẻ tại các nhóm, lớp mầm non tư thục chưa được cấp phép, không bảo đảm điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, gây nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương, việc đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn; việc quản lý, cấp phép thành lập và hoạt động đối với các cơ sở này chưa chặt chẽ. Đặc biệt, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng trường lớp mầm non ở các KCN, khu đông dân cư chưa được quan tâm đúng mức” - bà Huyền cho biết.