CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:33

Công khai địa chỉ thực phẩm bẩn, tạo áp lực dư luận

Xử lý hình sự vi phạm an toàn thực phẩm

Theo báo cáo công tác ATTP năm 2015 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP, trong 10 tháng đầu năm 2015, cả nước phát hiện 77.946 cơ sở vi phạm, mới chỉ có 12.980 cơ sở bị xử lý, phạt tiền 6.635 cơ sở với số tiền hơn 24,1 tỉ đồng.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý trên 5.000 vụ vi phạm về ATTP, phạt hành chính trên 17 tỉ đồng; lực lượng công an các cấp  đã phát hiện 3.365 vụ vi phạm pháp luật về ATTP, phối hợp với lực lượng chức năng xử phạt 2.400 vụ, số tiền 16,86 tỉ đồng.  Tính đến 15/12/2015, cả nước có 171 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.965 người mắc và 23 trường hợp tử vong. Nguyên nhân gây tử vong do ngộ độc thực phẩm chủ yếu là do độc tố tự nhiên như cá nóc, ốc biển, sò biển, cóc, nấm độc... Từ năm 2011 – 2015, cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 2,6 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 99,6 tỷ đồng.

Trước thực trạng nguồn thực phẩm bẩn, không an toàn đang tấn công từng bữa ăn của mọi gia đình, Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định rất chi tiết về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”. Theo đó, chỉ cần có hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm thối, tẩm hóa chất độc hại thì đều có thể bị xử lý hình sự mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điều này sẽ giúp cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, có hại cho người tiêu dùng.

Mức hình phạt cao nhất của tội danh này là 20 năm tù, nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Làm chết 3 người người trở lên; hoặc Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; hoặc Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 21% trở lên; hoặc Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.

Hành vi buôn bán thực phẩm thối, mất an toàn đều bị xử lý hình sự.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Đánh giá về những điểm mới về việc xử phạt hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, TS Nguyễn Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành Chính – Hình sự (Bộ Tư pháp) cho rằng: “Như vậy chỉ cần có các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm các cơ sở đã bị xử lý hình sự mà không cần đến phải gây hậu quả như những qui định trước đây. Điều này sẽ giúp cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, có hại cho người tiêu dùng trong thời gian tới”.

Công khai cơ sở vi phạm

Nhà báo Mai Phan Lợi (Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, tại khoản 1 Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính có nội dung: “Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt”. Tuy nhiên theo khảo sát MEC trên 31 web có chức năng công khai danh tính các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm nhưng chỉ có 6 trang web thực hiện điều này.

TS. Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, Điều 8 Nghị định 81/2013/NĐ-CP (ngày 19/7/2013 của Chính phủ) hướng dẫn và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Đối với các trường hợp vi phạm phải được công bố công khai theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người đã ra quyết định xử phạt gửi văn bản về việc công bố công khai và bản sao quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến người phụ trách báo hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của UBND cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định xử phạt”.

Tuy nhiên, hiểu như thế nào là “gây hậu quả lớn” và “gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội” tại khoản 1 Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính để công khai tên các cơ sở là điều không đơn giản. Bởi đối với việc xử phạt một cơ sở sản xuất thực phẩm phải theo cả quy trình và dựa trên những kết quả xét nghiệm chứ không thể dựa trên mặt cảm quan. Với các trường hợp đã có quyết định xử phạt mà không công khai đó là lỗi của các cơ quan chưa làm hết chức năng nhiệm vụ của mình. Ngoài xử lý các vi phạm phải công khai đến người dân thì mới có thể hạ uy tín tạo dư luận xã hội và tăng tính răn đe với các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm" bà Thoa nói.

Tại buổi tọa đàm Ban tổ chức cũng đã tổ chức Lễ phát động Chiến dịch Chống thực phẩm bẩn và trao giải Vành Khuyên Xanh cho nhà báo Lê Thanh Phong (Báo Lao Động) với tác phẩm “Ông quá coi thường dân thưa ông Phát”.           

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh