CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:08

Công điện đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về an toàn giao thông

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ phát động tuyên truyền pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ảnh tư liệu)

Nội dung công điện như sau:

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Bính Thân) và Lễ 30/4 - 01/5/2016, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thaoDu lịch, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi, nhiệm vụ của mình chỉ đạo và thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; cảnh báo nguy cơ mất an toàn giao thông; phổ biến các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông, đặc biệt là đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, hạn chế đi lại bằng phương tiện cá nhân, đặc biệt là đối với những chuyến đi có cự ly dài trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ có lưu lượng giao thông cao.

Ngày 9/2/2015, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Cục Cảnh sát giao thông và kiểm tra công tác vận tải tại bến xe Mỹ Đình (Hà Nội). Tại đây, Thủ tướng yêu cầu bến xe phải bố trí đủ phương tiện để nhân dân được về quê ăn Tết. “Nếu thiếu, lấy xe của Giám đốc bến, thậm chí lấy cả xe của Tổng Giám đốc Công ty vận tải Hà Nội đưa hành khách về quê”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo (ảnh tư liệu)

2. Siết chặt quản lý chất lượng và an toàn giao thông đối với các phương tiện vận tải hành khách; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, bến tàu, phà... có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm thiểu tình trạng ùn tắc, chậm, huỷ chuyến; đổi mới phương thức bán vé, niêm yết giá vé, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định.

3. Tăng cường tuần tra lưu động, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Tăng cường phối hợp lực lượng, kết hợp tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an ninh, trật tự trên các tuyến giao thông, bến xe, bến tàu, nhà ga, cảng hàng không, phương tiện giao thông công cộng.

4. Tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; kiểm tra, lắp đặt bổ sung biển báo, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; các đơn vị thi công và bảo trì kết cấu hạ tầng tăng cường hướng dẫn, bảo đảm giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố.  Yêu cầu các trạm thu phí đường bộ có phương án tăng cường nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác thu phí thuận tiện, nhanh chóng, có biện pháp xử lý linh hoạt khi mật độ phương tiện tăng cao, không để xảy ra ùn tắc kéo dài, nhất là các tuyến cửa ngõ ra, vào các đô thị lớn; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, gắn trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong hoạt động chở khách tại các bến đò ngang, các điểm du lịch trên địa bàn.

5. Cung cấp số điện thoại đường dây nóng về vận tải và bảo đảm an toàn giao thông, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của cơ quan, đơn vị và người dân về an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ./.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh