THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:31

Công chức sai nhưng không biết ai: Vì thiếu người dũng cảm?

Ai đủ dũng cảm?

Ngày 3/11, trao đổi với Đất Việt bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Đinh Xuân Thảo chia sẻ nhiều ý kiến liên quan tới báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, về đánh giá quản lý, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở hầu hết các bộ ngành và địa phương.

Ảnh minh họa

Cho biết rất thông cảm với khó khăn của Bộ Nội vụ, bởi theo ông, đây không phải là khó khăn của riêng Bộ Nội vụ mà còn là hiện tượng chung của các bộ, ngành và địa phương nói chung.

Từ thực tế trên, đại biểu này cho rằng không ngạc nhiên khi báo cáo của Bộ trưởng Nội vụ tuyệt nhiên không đề cập bất cứ danh tính bộ, ngành, địa phương nào đã để xảy ra những hạn chế, sai sót đó, mức độ thế nào và đã được xử lý ra sao.

Ông giải thích, trong một môi trường tất cả đều tốt, lãnh đạo tốt, nhân viên tốt, thành tích tốt thì làm sao có người sai. Không có người sai thì xử lý làm sao được.

Nguyên nhân theo vị đại biểu này là do chúng ta đang bị thiếu một cơ chế đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cụ thể, thực tế. Ngay cả khi có đánh giá lại thì cũng thiếu cơ chế quy định việc xử lý ra sao.

ĐBQH chỉ thẳng, chưa nói tới tình trạng không thể xử lý, vấn đề còn là không dám xử lý. Ông Thảo cho biết, có nhiều người đã nói tới nền công vụ thương nhau như hiện nay, trong một tập thể nếu lãnh đạo mạnh tay có khi sẽ phải nhận thiệt thòi, bị tẩy chay.

Vì nhiều khả năng tỉ lệ những người không làm được việc cao hơn người làm được việc lại trở thành rào cản cho vị trí của lãnh đạo. Cũng có khi bỏ phiếu trống, tẩy chay hoặc đánh trượt ghế lãnh đạo. Đây là thực tế khiến nhiều lãnh đạo phải e ngại, run tay.

Ông Thảo phân tích thêm, ở đây cũng phải nói tới cơ chế đánh giá cán bộ công chức hiện nay chưa rõ ràng, thưởng phạt không phân minh. Có người làm nhiều lại hưởng ít, người làm ít vẫn hưởng nhiều. Thực tế bất cập này tồn tại cũng làm sai lệch trong công tác đánh giá cán bộ, công chức.

Vấn đề lương thưởng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường, chất lượng và hiệu quả công việc của cán bộ, công chức. Người ta nói nhiều tới chuyện muốn cán bộ cống hiến, làm tốt thì mức lương cũng phải đảm bảo cho họ đủ khả năng nuôi sống được gia đình, vợ con, chi trả những nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống của họ. Tuy nhiên, thực tế thì sao, cán bộ vẫn phải bỏ ra ngoài làm thêm, bớt giờ hành chính, làm việc qua loa, bớt xén chất xám, không muốn cống hiến. Biết rõ đây là sai phạm nhưng họ vẫn phải làm. Vì vậy, đánh giá cán bộ thế nào, dựa trên hiệu quả công việc hay dựa trên tiêu chí làm bao nhiêu tiếng, nghỉ bao nhiêu ngày, đi đúng giờ về đúng giờ… rất nhiều vấn đề phải xem xét.

Đặc biệt, tâm lý chạy theo thành tích của lãnh đạo các đơn vị, bộ ngành, địa phương cũng chính là nhân tố làm méo mó công tác đánh giá chất lượng cán bộ, công chức.

“Thừa nhận có cán bộ sai, có người yếu kém nghĩa là phải phủ nhận toàn bộ thành tích, kết quả đơn vị đã đạt được. Như vậy lại mất huân chương, bằng khen, mất thành tích thi đua, khen thưởng… vị lãnh đạo nào có đủ dũng cảm làm được như vậy? Rất hiếm”, ông Thảo nói.

Vì vậy, ông Thảo kết luận, Bộ Nội vụ cũng khó lòng chờ đợi một báo cáo có kết quả khác. Có nói 99% hay 100% cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ cũng là điều dễ hiểu.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh