Công bố Danh bạ địa chỉ cơ quan, tổ chức hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực và xâm hại toàn quốc
- Y học 360
- 21:40 - 07/04/2021
Mới đây, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) và Cơ quan Liên Hợp Quốc và Bình đẳng giới (UN Women) đã lần đầu công bố cuốn Danh bạ địa chỉ cơ quan, tổ chức hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực và xâm hại toàn quốc. Đây một hoạt động nằm trong dự án chung ứng phó khẩn cấp với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 được Chính phủ Úc tài trợ với sự đóng góp tài chính và kỹ thuật của UN Women, UNFPA và UNICEF.
Được xây dựng và hoàn thiện trong sáu tháng, Danh bạ tổng hợp những địa chỉ của các cơ quan, tổ chức hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực và xâm hại tại 63 tỉnh và thành phố bao gồm cả cấp trung ương. Những dịch vụ hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức trong cuốn Danh bạ được tổng hợp dựa trên chương trình chung toàn cầu về Gói dịch vụ thiết yếu dành cho nạn nhân bị bạo lực giới do Liên Hợp Quốc và Bộ LĐ-TB&XH thực hiện bao gồm: Cơ quan điều phối, Tư pháp, Hành pháp, Y tế và Dịch vụ xã hội. Cuốn danh bạ này được phát triển lấy cảm hứng từ sáng kiến Danh bạ địa chỉ dịch vụ dành cho lao động nữ di cư, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 do UN Women và ILO khởi xướng dưới sự tài trợ của Liên minh Châu Âu (EU) trong khuôn khổ dự án "Di cư an toàn và bình đẳng".
Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em đang là một vấn đề xã hội có tính toàn cầu và được coi là một trong những hình thức vi phạm quyền con người phổ biến nhất. Theo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc thực hiện, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời. Tuy nhiên, hầu hết những phụ nữ (90,4%) từng bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ từ cơ quan cung cấp dịch vụ nhà nước.
Các số liệu trên cho thấy nhiều nạn nhân bị bạo lực, xâm hại đã không tìm được sự hỗ trợ kịp thời, không được đảm bảo an toàn và việc thiếu kiến thức để ứng phó với vấn đề bạo lực, xâm hại cũng góp phần làm cho tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn. Quan trọng hơn, nạn nhân và người dân ở cộng đồng chưa có thông tin một cách hệ thống về các cơ quan, tổ chức sẵn sàng hỗ trợ và cung cấp dịch vụ khi nạn nhân cần trợ giúp nhằm ổn định tâm lý, sức khỏe và xây dựng định hướng phát triển trong các hoàn cảnh đặc biệt.
Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: "Việc xây dựng và phát hành cuốn Danh bạ địa chỉ các cơ quan, tổ chức hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại rất ý nghĩa và thiết thực, đáp ứng mong đợi của người dân, người bị bạo lực khi họ có nhu cầu được bảo vệ, hỗ trợ khi bạo lực xảy ra, đồng thời hướng đến xây dựng mạng lưới phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, đơn vị hỗ trợ, cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ cấp trung ương tới địa phương trong thời gian tới".
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết: "Việc phổ biến rộng rãi thông tin về hệ thống các cơ quan, tổ chức,đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân là một yêu cầu cấp thiết giúp phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại có thể dễ dàng tiếp cận và tìm kiếm sự giúp đỡ,bảo vệ, hỗ trợ khi cần. Trong hoàn cảnh bị bạo lực và xâm hại, những địa chỉ tin cậy sẽ là phao cứu sinh đối với nạn nhân."
Với lý do đó, cuốn "Danh bạ địa chỉ cơ quan, tổ chức hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại" được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) xây dựng và hoàn thiện với mong muốn trở thành cuốn cẩm nang với những thông tin hữu ích, cần thiết cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực.