THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:02

Công bố chi tiết vụ phá rừng pơ mu đặc biệt nghiêm trọng tại Quảng Nam

Đây là lần đầu tiên các thông tin về nghi phạm được công bố vì trước đó, cả 4 nghi phạm bị bắt giam, 3 trường hợp khai thác thuê (quê ở Quảng Bình, đã đầu thú) đều không được cơ quan điều tra xác nhận chính thức và cung cấp danh tính cụ thể. 
 
" Mục tiêu của chúng tôi là phải làm rõ, kết luận cho được có hay không chuyện bao che, bảo kê, là thuộc trách nhiệm về hình sự hay quản lý… để tra lời cho dư luận. Thủ tướng cũng yêu cầu chúng tôi như vậy"
Đại tá Nguyễn Viết Lợi
Vụ án được hé lộ kể từ ngày 9/7, khi người dân địa phương tình cờ phát hiện nhiều gốc pơ mu bị chặt phá tại địa bàn xã La Dêê (H.Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) rồi báo cho lực lượng kiểm lâm và Đồn công an xã Chà Vàl. Khu vực này giáp ranh với H.Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào).
Gỗ bị khai thác trái phép tại khoảnh 10, sau đó tập kết về khoảnh 5 tiểu khu 351 gần cột mốc biên giới 717.
Đến ngày 12/7, lực lượng chức năng vận chuyển số gỗ lậu về Đồn công an xã Chà Vàl để phục vụ điều tra.
Ngày 14/7, Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung cùng đại diện các cơ quan nội chính của huyện Nam Giang vào hiện trường khảo sát, kiểm đếm số lượng và củng cố hồ sơ, sau đó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung ký Quyết định số 03 khởi tố hành vi vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng theo Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Vụ án được bàn giao cho Công an H.Nam Giang thụ lý điều tra. Sau đó, Công an tỉnh Quảng Nam cũng cử lực lượng tăng cường hỗ trợ.
Kết quả kiểm đếm cho thấy có 60 gốc pơ mu (thuộc nhóm quý hiếm 2A) đã bị đẵn hạ, xẻ thành phách.
Danh tính các bị can, nghi phạm trong vụ án
* Nhóm bị bắt khẩn cấp:
- Nguyễn Văn Thắng (40 tuổi, trú xã Bắc Sơn, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), bị bắt ngày 26/7; nhóm trưởng khai thác.
- Nguyễn Văn Sanh (34 tuổi, trú xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), bị bắt ngày 28/7; nhóm trưởng vận chuyển.
- Lê Trọng Dương (48 tuổi, trú xã Bắc Sơn, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), bị bắt ngày 2/8 tại Định Quán, Đồng Nai; nhóm phó khai thác.
- Nguyễn Văn Quang (34 tuổi, trú thôn Dương Trung, xã Trà Dương, H.Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), bị bắt ngày 4/8 tại bến phà An Phú Đông (Q.12, TP.HCM); đối tượng tổ chức khai thác và vận chuyển gỗ, cung cấp lương thực thực phẩm.
- Tiêu Hồng Tư (49 tuổi, trú P.Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội), bị bắt ngày 19/8 tại sân bay Đà Nẵng; đối tượng cung cấp tài chính cho Quang để trả tiền khai thác, vận chuyển.
* Nhóm khai thác
Cả 4 đối tượng đều trú tại xã Thanh Hóa, H.Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình; đã ra đầu thú, gồm:
- Phạm Văn Bồng (26 tuổi), đầu thú tại Công an H.Tuyên Hóa ngày 4/8
- Mai Văn Châu (26 tuổi), đầu thú tại Công an H.Tuyên Hóa ngày 18/8
- Mai Văn Cường (30 tuổi), đầu thú tại Công an H.Tuyên Hóa ngày 20/8
- Lê Hồng Diêu (24 tuổi), đầu thú tại Công an H.Tuyên Hóa ngày 9/8
* Nhóm vận chuyển, cõng gỗ
Cả 11 nghi phạm đều trú xã Sơn Trạch, H.Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) và hiện đang bỏ trốn.
Bao gồm: Nguyễn Văn Ngự (36 tuổi), Nguyễn Văn Tùng (27 tuổi), Nguyễn Văn Phường (32 tuổi), Nguyễn Văn Tiến (34 tuổi), Cao Văn Hới (24 tuổi), Hoàng Văn Luận (38 tuổi), Nguyễn Văn Thu (26 tuổi), Hoàng Văn Sử (35 tuổi), Nguyễn Văn Danh (27 tuổi), Nguyễn Văn Long (23 tuổi), Nguyễn Văn Dũng (30 tuổi).
14:46  
Theo tài liệu mà PV Thanh Niên có được, sau khi vụ án được khởi tố, ngày 16/7 CQĐT Công an H.Nam Giang phát hiện thêm 115 phách gỗ pơ mu nằm ngay phía sau dãy nhà làm việc của Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang, và gần 30 phách cách không xa Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang (thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang).
Chưa kể 110 phách gỗ khác tại khu vực xưởng gỗ của các ông Nguyễn Ngọc Vũ, Phạm Xuân Trường và 2 bãi tập kết gần đó.
Vụ phá rừng pơ mu ở biên giới Việt - Lào được xem là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng.
14:52  
Một nguồn tin của Thanh Niên cho biết, Đến trưa 4/8, tổ bảo vệ rừng thôn Công Tà Rơn (xã La Dêê, H.Nam Giang) phát hiện 164 phách gỗ pơ mu với tổng khối lượng 7,076 m3 tại bãi gỗ “vô chủ” nằm cách tường rào Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang chỉ khoảng 35 mét. Sau đó lực lượng chức năng của Đồn công an Chà Vàl và Trạm kiểm lâm Chà Vàl kiểm tra, Công an H.Nam Giang lập biên bản, tổ chức vận chuyển gỗ từ hiện trường về trung tâm huyện (cách đó 75 km) để phục vụ công tác điều tra.
Cơ quan điều tra tiếp cận hiện trường phá rừng tại tiểu khu 351.
14:58  
PV Thanh Niên đã ghi lại được những thước phim mà một lãnh đạo đã phải cảm thán "Quá khủng khiếp!" sau khi thị sát hiện trường.  
15:00  
Đúng 15 giờ, đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam khởi đầu cuộc họp báo với lời đề nghị: Các nhà báo không nên lồng ý kiến cá nhân vào các nội dung vụ việc, đánh giá đúng bản chất vấn đề.
Đại tá Nguyễn Viết Lợi (Giám đốc Công an tỉnh) chủ trì họp báo. 
15:33  
Khởi tố 9 bị can, đang truy bắt 11 nghi phạm
Đại tá Huỳnh Sông Thu, Phó giám đốc Công an tỉnh thông báo về vụ án vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng xảy ra tại H.Nam Giang.
Theo đại tá Huỳnh Sông Thu, hiện CQĐT đã bắt khởi tố 9 bị can, bắt giữ 1 bị can và tiếp tục truy bắt 11 nghi phạm.
15:37  
Đại tá Huỳnh Sông Thu – Phó giám đốc Công an tỉnh, trưởng ban chuyên án cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về vụ việc, công an tổ chức điều tra, lấy lại niềm tin của nhân dân.
Về vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng”, qua tin báo tố giác của quần chúng nhân dân có vụ phá rừng tại tiểu khu 351 thuộc rừng phòng hộ Nam Sông Bung. Công an H.Nam Giang phối hợp Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Nam Sông Bung tiến hành kiểm tra có 297 phách gỗ, khối lượng 31,083mđã bị chặt hạ.
Do tính chất vụ việc trong khu vực biên giới Việt – Lào, nên ngày 14/7, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Nam Sông Bung ra quyết định khởi tố, chuyển hồ sơ cho Công an H.Nam Giang tiếp tục điều tra. Tổng cộng, CQĐT xác định có 611 phách gỗ, khối lượng 47,37mbị chặt phá.
15:39  
Cũng theo đại tá Thu, xét thấy tính chất đặc biệt nghiêm trọng giữa địa bàn 2 tỉnh Quảng Nam và Sê Kông (Lào), đối tượng hoạt động chặt chẽ, kết nối liên quan đến đối tượng trong và ngoài tỉnh nên đến ngày 25/7, Công an tỉnh Quảng Nam rút vụ án về điều tra; giao đại tá Huỳnh Sông Thu, Phó giám đốc – Thủ trưởng Cơ quan CSĐT làm Trưởng ban chuyên án; đại tá Lê Văn Hồng, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) làm phó ban thường trực.
Kết quả khám nghiệm hiện trường, CQĐT xác định có tổng cộng 60 cây gỗ pơ mu (khối lượng 115,412m3) thuộc nhóm 2A đã bị xâm hại.
Trong đó, có 41 gốc thuộc khoảnh 5, khoảnh 8 tiểu khu 351 (khối lượng 75,602m3) ở địa bàn Quảng Nam, còn lại thuộc địa phận Lào.
15:42  
Đại tá Thu nói tiếp: Sau khi có đầy đủ chứng cứ về nhân thân, lai lịch, CQĐT đã tiến hành khởi tố bị can và bắt giữ một số nghi phạm liên quan.
Trong đó, ngày 26/7, tiến hành bắt Nguyễn Văn Thắng tại Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình). Ngày 28/7, bắt giữ Nguyễn Văn Sanh (một người vận chuyển gỗ). Ngày 2/8, CQĐT tiếp tục bắt Lê Trọng Dương, nhóm phó trong vụ phá rừng. Đến ngày 4/8, Nguyễn Văn Quang, người tổ chức thuê các đối tượng khác phá rừng, bị bắt tại bến phà Đông Phú (TP.HCM).
Đáng chú ý, sau khi xảy ra vụ án, Quang sợ bị phát hiện liền trốn sang Lào; khi quay về TP.HCM mới bị bắt giữ.
Sau đó, CQĐT tiếp tục bắt giữ nghi phạm tên Cư, nghi phạm cung cấp tiền để Quang tổ chức khai thác gỗ trái phép.
Ngoài ra, 3 nghi phạm ra đầu thú tại tỉnh Quảng Bình cũng đã bị khởi tố bị can, ra quyết định không được đi khỏi nơi cư trú.
Đến nay, CQĐT khởi tố 9 bị can, bắt 1 bị can; đồng thời xác định và đang truy bắt 11 nghi phạm đang bỏ trốn.
Theo đại tá Huỳnh Sông Thu, CQĐT kêu gọi các đối tượng liên quan ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng.
15:55  
Chưa có chứng cứ cho thấy có sự bao che, bảo kê của cơ quan chức năng
Trả lời các câu hỏi của báo chí, đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Đến thời điểm này, chưa có bất cứ tài liệu, chứng cứ cho thấy có sự bao che, bảo kê của cơ quan chức năng và quản lý địa bàn tại khu vực biên giới.
“Tuy nhiên, mục tiêu của chúng tôi là phải làm rõ, kết luận cho được có hay không chuyện bao che, bảo kê, là thuộc trách nhiệm về hình sự hay quản lý… để tra lời cho dư luận. Thủ tướng cũng yêu cầu chúng tôi như vậy”, đại tá Nguyễn Viết Lợi nói.
16:11  
Đánh giá về thời gian tổ chức điều tra vừa quan, đại tá Nguyễn Viết Lợi nhận định: “Đối tượng chạy tán loạn, ra bắc vào nam và sang cả Lào. Trong chừng đó thời gian mà tổ chức bắt được 5 đối tượng là cả một vấn đề!”.

16:14  

Về mối nghi vấn về trách nhiệm của các lực lượng liên quan, trong đó có hải quan, dù đại tá Lợi khẳng định hiện giờ “chưa có tài liệu chứng cứ” nhưng ông quả quyết: “Nếu có tài liệu cho thấy hải quan dính dáng vào đây, chúng tôi bắt ngay không có sợ!”. 
 
" Nếu có tài liệu cho thấy hải quan dính dáng vào đây, chúng tôi bắt ngay không có sợ! " 
Đại tá Nguyễn Viết Lợi
Trong khi đó, đại tá Huỳnh Sông Thu – Thủ trưởng CQĐT Công an tỉnh khẳng định hiện Công an tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra Bộ đội biên phòng Quảng Nam, khi nào có kết quả liên quan sẽ công bố cho báo chí. “Không có kết quả thì không thể thông tin”, đại tá Thu nói.
16:16  
 Cuộc họp báo kết thúc với lời kêu gọi của Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam về việc 11 đối tượng đang bỏ trốn sớm ra đầu thú. Đây là những nghi phạm làm thuê.
“Cơ quan điều tra sẽ không bắt giữ những đối tượng này. Ba nghi phạm ở Quảng Bình đã đầu thú trước đó chúng tôi cũng không bắt giữ”, đại tá Lợi nói.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh