CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:10

Con vật rất nhỏ khiến 60 000 người tử vong mỗi năm

Bệnh gây tắc ruột, thủng ruột

Hình ảnh con giun đũa ký sinh ở ruột non.

Anh Nguyễn Văn Lưu, trú tại Kim Bảng, Hà Nam đến bệnh viện khám trong tình trạng đau tức ngực vùng trên, vàng da. Anh Lưu còn tưởng bị ung thư nên rất lo lắng. Tuy nhiên, khi đi khám chụp CT ổ bụng bác sĩ thấy có các dấu hiệu tắc ruột do giun đũa.

Anh Lưu không hề biết mình bị bệnh do những con giun gây ra. Anh kể, 15 năm nay, anh không uống thuốc tẩy giun bao giờ. Khoảng 1 năm nay, anh thấy người mệt mỏi, chán ăn. Gần đây anh thường đau bụng, da vàng không rõ nguyên nhân. Thấy bác sĩ kê đơn về điều trị giun đũa, anh mừng ra mặt vì thoát khỏi bệnh nặng nhờ phát hiện ra giun.

Trường hợp của chị Lê Thanh Thúy trú tại Thanh Hóa cũng tương tự. Chị Thúy bị đau bụng quằn quại, nôn mửa. Chị Thúy đi viện khám bác sĩ chẩn đoán tắc ruột. Tuy nhiên, khi chụp CT bác sĩ còn thấy bóng giun ở ống mật nên chẩn đoán giun chui ống mật và cho thuốc điều trị giun chui ống mật. Sau điều trị giun chui ống mật, chị Thúy còn điều trị thêm viêm gan do giun gây ra.

Giáo sư Nguyễn Văn Đề, nguyên trưởng Bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh giun đũa người dân xem thường tuy nhiên nhiễm giun đũa rất nguy hiểm.

Bệnh khiến 60 nghìn người tử vong mỗi năm

Bệnh giun đũa rất phổ biến trên thế gới, đặc biệt ở những nước chậm phát triển. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính trên thế giới có 1, 4 tỷ người bị nhiễm giun đũa và 60 nghìn người chết do giun đũa hàng năm.

Tại Việt Nam, bệnh giun đũa là một bệnh xã hội nghiêm trọng với tỷ lệ nhiễm cao từ 85 đến 95%, tác hại của chúng đã ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động của hàng chục triệu người cũng như sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ em.

Theo Giáo sư Đề, tỷ lễ nhiễm giun đũa đứng đầu hàng trong các bệnh đường ruột và tại miền bắc ở các vùng đồng bằng là 80 -95%, vùng trung du 80 -90%, vùng núi 50 -70%, vùng ven biển 70%. miền Trung vùng đồng bằng 70,5%, miền núi 38,4% ven biển 12,5%. Tây Nguyên chỉ có từ 10 đến 25%. Miền nam vùng đồng bằng 45 - 40%, vùng đống bằng sông Cửu Long dưới 10%.
Khi giun vào bụng, đẻ trứng và thành giun trưởng thành gây ra các bệnh rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, đau vùng bụng trên, quanh rốn. Giảm ngon miệng, chán ăn, không biết đói. Các triệu chứng viêm ruột mãn tính như táo bón, tiêu chảy xen kẽ, bất thường, kéo dài. Mức độ rối loạn tiêu hóa tùy thuộc vào số lượng giun sinh sống trong ruột.

Ngoài ra, người nhiễm giun đũa còn thường xuyên xuất hiện hiện tượng dị ứng, các nốt ban ngứa ngoài da. Giun đũa chui vào ống mật hoặc túi mật, trứng giun là nhân tạo ra sỏi mật, áp xe gan tạo mủ trong ổ gan với các triệu chứng cơ bản như đau quặn vùng bụng trên bên phải, sốt cao, vàng da, vàng mắt.

Giun đũa có thể gây lồng ruột, thủng ruột hoặc viêm ruột thừa, khi nhiễm nhiều giun đũa có thể gây tắc ruột.

Giun ký sinh trong ruột chiếm chất dinh dưỡng khiến cơ thể suy yếu dần, đề kháng kém, tình trạng suy dinh dưỡng tiến triển âm thầm làm giảm khả năng phát triển thể lực và trí lực của trẻ em. Bình quân cứ 10 con giun đũa một ngày ăn mất 3 gr protein nguyên chất, tương đương khoảng 20 gram thịt bò.

Để xác định giun đũa, các bác sĩ có thể xét nghiệm phân tìm trứng giun đũa gốm phương pháp xét nghiệm phân trực tiếp, phương pháp Willis, phương pháp Kato...

Điều trị giun đũa, giáo sư Đề cho biết, chỉ cần cho sử dụng thuốc trị giun. Tuy nhiên, để điều trị giun đũa hiệu quả, các bác sĩ khuyên nên điều trị cả gia đình, có thể điều trị ở cơ sở y tế hoặc ở nhà. Thuốc điều trị giun đũa rất rẻ và bán rộng rãi trên thị trường.
Để phòng bệnh giun đũa, giáo sư Đề khuyến cáo, cần vệ sinh ăn uống, rửa tay trước khi ăn, không phóng uế ra môi trường, không dùng phân tươi chưa ủ kỹ để bón cây.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh