THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:45

"Con tôi đã được học Lịch sử ở Úc như thế này"

 

Tôi được học Lịch sử ở Việt Nam thế nào?

Tôi thuộc thế hệ 8X thời kì đầu. Thời học phổ thông, vào cấp hai mới lần đầu được tiếp xúc với môn Lịch sử. Trong tiết học đầu tiên, cô giáo nhắc đi nhắc lại một định nghĩa mà đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc như in trong đầu:“Lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ không kể thời gian ngắn dài”.

Như vậy, lịch sử là một dòng chảy liên tục của các sự kiện. Giống như thời gian, nó không dừng lại mà song hành cùng với cuộc đời và số phận của mỗi con người, mỗi dân tộc.

Môn Lịch sử thời phổ thông đọng lại trong tôi ba điều.

Thứ nhất, lịch sử là những cái gì đã diễn ra từ xa xưa lắm, tách biệt với cuộc sống hiện tại.

Thứ hai, lịch sử là những thứ lớn lao, vĩ đại vì nó gắn với đất nước, với các cuộc chiến tranh, với những tấm gương anh hùng vĩ đại.

Thứ ba, lịch sử là kho sự kiện khổng lồ với ngồn ngộn các số liệu, ngày tháng, kết quả, bài học kinh nghiệm v.v…

 Học lịch sử kiểu Úc

Tôi có dịp tìm hiểu môn lịch sử ở trường tiểu học của Úc khi con trai đang học lớp 1 tại bang Queensland.

Trong số các môn học mà con học ở trường, Lịch sử là môn độc lập và bắt buộc từ lớp vỡ lòng (Prep) cho đến lớp 10.

Một người bạn, nhân chuyện ở ta đang tranh cãi về môn Lịch sử, hỏi tôi, “Úc mới chỉ lập quốc cách đây vài trăm năm, lại chẳng có mấy cuộc chiến tranh, ít anh hùng dân tộc,không biết trẻ con sẽ học cái gì trong đó?"

Thực ra, học lịch sử trong các trường tiểu học ở Úc chẳng có gì to tát. Các cháu học sinh lớp 1 và 2 không hề học một dòng nào về lịch sử đất nước cả.

 

Bài viết của các cháu về lịch sử của ông bà sau khi phỏng vấn và in ảnh.


Thay vào đó, chúng học lịch sử về bản thân và gia đình mình. Với học sinh tiểu học, lịch sử đơn giản chỉ là những chuỗi ngày tháng mà các cháu đã và đang trải nghiệm. Lịch sử cũng gắn liền với những vùng đất các cháu đã đi qua, những con người đương đại mà các cháu tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày.

Do vậy, giáo viên Úc không giảng dạy kiến thức gì nhiều mà chủ yếu là truyền đạt kĩ năng. Sách giáo khoa cũng hoàn toàn không có. Lịch sử nằm trong chính tay học sinh. Nhiệm vụ của giáo viên chỉ là kích hoạt và hướng dẫn để các cháu tự kể ra câu chuyện lịch sử của cuộc đời mình.

Hàng tuần, các cháu phải tự tìm kiếm tài liệu về những sự kiện trong quá khứ của mình, phỏng vấn ông bà, bố mẹ về cuộc đời và những dấu mốc mà họ đã trải qua.

Sau khi có đủ tư liệu, các cháu sẽ được yêu cầu vẽ các bức tranh minh hoạ hoặc chụp ảnh và thuyết trình trước lớp về những điều mình tìm tòi, khám phá được. Nhiệm vụ của các bạn cùng lớp là lắng nghe và đặt câu hỏi để cùng thảo luận.

Câu chuyện học sử của các cháu tiểu học ở Úc để lại trong tôi nhiều suy ngẫm.

Nếu lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ không kể thời gian ngắn dài thì có vẻ như các nhà soạn chương trình lịch sử cho bậc học phổ thông ở nước ta quên mất một mảng lịch sử quan trọng: lịch sử của bản thân mỗi một cá nhân.

Người Việt ta ai cũng tự hào có 4.000 năm lịch sử. Nhưng liệu trong cái con số 4000 năm dằng dặc kia, cái gì được sử sách chép lại, cái gì không? Cái gì cần dạy cho học sinh?

Thiết nghĩ, lịch sử cần phải bắt đầu từ câu chuyện của chính những đứa trẻ đó. Nói khác đi, chúng phải được nhìn nhận làm một chủ thể đích thực của lịch sử. Lịch sử không chỉ có những câu chuyện về tổ quốc, hay các anh hùng dân tộc. Lịch sử tồn tại trong mỗi cuộc đời chúng ta và đó là cái đáng để cho chúng ta khám phá đầu tiên.

Một điều nữa là các cháu học sinh ở Úc dường như được đặt vào vị thế của những nhà sử học “nhí”.

Các cháu tự tìm hiểu và viết nên trang sử của cuộc đời mình và những người thân. Dù còn nhỏ tuổi, các cháu đã biết vận dụng nhuần nhuyễn các phương pháp khai thác sự kiện quá khứ từ phỏng vấn, hồi tưởng, ghi chép đến tổ chức và trình bày các ý tưởng của mình.

Mặc dù các bài thuyết trình thường ngắn gọn nhưng câu chuyện lịch sử cá nhân được chia sẻ và tranh luận đa chiều, khiến nó thêm phần sinh động, gần gũi và hấp dẫn.

Dường như đây là điều còn thiếu trong chương trình lịch sử ở Việt Nam, nơi gần như lịch sử chỉ đơn thuần là việc truyền đạt kiến thức một chiều từ phía giáo viên tới học sinh thông qua một công cụ chuẩn mực duy nhất là quyển sách giáo khoa.

Học sinh bị biến những cá thể thụ động, chỉ biết lắng nghe những điều khuôn vàng thước ngọc từ thầy cô và sách vở. Sự thụ động và đơn tuyến này phải chăng là một trong nhân tố khiến cho việc dạy và học môn sử ở nước ta trở nên nhạt nhẽo và chóng quên đối với học sinh mặc dù Việt Nam có một bề dày lịch sử đáng tự hào.

Do đó, điều cốt lõi với môn lịch sử không phải ở chỗ nhập hay tách nó với môn này hay môn khác mà chính là việc dạy cái gì trong môn lịch sử và dạy như thế nào để biến nó thành một môn học hấp dẫn.

Nếu vậy thì việc học sử tại Úc đáng được xem là một tham khảo thú vị cho các nhà giáo dục Việt Nam.

Theo NGUYỄN THẾ DƯƠNG / vietnamnet.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh