Con sắp nghỉ hè, bố mẹ hãy đọc bài viết này trước khi định lấp đầy kì nghỉ của con bằng các khoá học hè hay lớp học thêm
- Bác sĩ
- 04:16 - 01/07/2020
Nhà tâm lý học phát triển David Elkind trong một báo cáo của mình đã chỉ ra rằng, suốt hai thập kỷ qua, trẻ em đang mất hơn 12 giờ rảnh rỗi mỗi tuần. Bài báo với tiêu đề: "Khủng hoảng trường mẫu giáo: Tại sao trẻ em cần chơi trong trường học", xuất bản bởi Liên minh vì tuổi thơ đã báo cáo một thực tế đáng báo động, đó là các trường mẫu giáo ở New York và Los Angeles đang dành gần 3 giờ mỗi ngày để đọc và dạy toán cho trẻ, nhưng lại chỉ để ít hơn 30 phút mỗi ngày cho trẻ vui chơi tự do. Có vẻ như điều này rất quen thuộc ở Việt Nam.
Trẻ em ngày nay đang dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động có tổ chức, điều này lâu dài có tác động tiêu cực cả về tinh thần và thể chất của trẻ.
Một thực tế mà bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng cần biết, đó là các hoạt động có tổ chức và nguyên tắc thường khiến trẻ bị suy giảm sự sáng tạo so với những hoạt động tự do và không theo quy luật. Điều này không có nghĩa các hoạt động có tổ chức hủy hoại sự sáng tạo ở trẻ, mà chúng chỉ khiến trẻ thiếu thời gian mà thôi. Cha mẹ cần biết, chỉ 2 giờ một tuần được chơi tự do cũng có thể khiến bộ óc của trẻ thêm sáng tạo.
Việc tạo cho trẻ những lịch trình hoạt động dày đặc thể hiện sự kiểm soát quá mức của người lớn.
Jean Twenge - giáo sư tâm lý học tại Đại học bang San Diego đã đánh giá kết quả từ bảng câu hỏi mang tên "Thang đo kiểm soát hướng nội - hướng ngoại Nowicki-Stricklund ở trẻ từ những năm 1960 đến 2002 và phát hiện ra một động thái đáng báo động: Trẻ em hướng ngoại bị kiểm soát gắt gao hơn hẳn so với trẻ hướng nội, sự gắt gao này còn nghiêm trọng hơn với những trẻ nhỏ tuổi.
Tại sao vấn đề này lại trở nên đáng lo ngại? Lý do là bởi trẻ hướng ngoại thường tập trung vào các mục tiêu bên ngoài như vật chất hay địa vị hơn là các mục tiêu nội tại mang đến hạnh phúc đích thực và lâu dài. Chính vì điều này, những trẻ hướng ngoại sẽ rất dễ cảm thấy bất lực, giảm khả năng tự kiềm chế, dễ tự ái, lo lắng và trầm cảm nếu bị người khác kiểm soát quá mức.
Tiến sĩ Peter Gray - giáo sư tại Đại học Boston tin rằng sự suy giảm các trò chơi có tính tự do và không bị áp đặt quy luật chính là nguyên nhân gây ra thay đổi tính cách ở trẻ. Chơi là phần thú vị duy nhất đối với một đứa trẻ, bởi khi đó chúng có thể tự do thể hiện sự kiểm soát của mình, nhưng cái quyền đó ngày nay lại đang bị người lớn cướp mất.
Chúng ta cứ mặc định cho rằng những điều chúng ta làm là tốt cho con cái. Chúng ta nghĩ bóng đá sẽ tốt cho con, nên bắt con học từ khi 2 tuổi, chúng ta nghĩ cho con theo học một lớp vẽ chuyên nghiệp sẽ hay hơn là để con ngồi cầm phấn vẽ linh tinh trên nền xi măng. Chúng ta nghĩ cho con tham gia vào một đội bóng chày sẽ tốt hơn là để con chơi ném bóng trong công viên vào cuối tuần với bạn bè.
Chúng ta nghĩ thế này, thế kia và lo lắng mình chưa cho con đủ cơ hội phát triển, nhưng điều quan trọng nhất là lắng nghe và thấu hiểu con thì chúng ta lại không làm được.
Một ông bố đã hỏi thế này: "Làm sao chúng ta biết được mức độ nào là đủ để thúc đẩy con cái chơi thể thao và các hoạt động khác khi thấy chúng có dấu hiệu muốn từ bỏ?".
Và, mình sẽ không bao giờ quên câu trả lời của Tiến sĩ Shefali: "Mozart luôn là Mozart. Bất kể cha mẹ ông ấy làm gì, ông cũng sẽ tìm đến cây đàn piano đen trắng và chơi nó." - Shefail đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng: CHÚNG TA KHÔNG CẦN PHẢI THÚC ĐẨY CON CÁI.
Tiến sĩ Shefali
Mozart luôn là Mozart. Bất kể cha mẹ ông ấy làm gì, ông cũng sẽ tìm đến cây đàn piano đen trắng và chơi nó.
Điều cha mẹ cần làm là cho con cái không gian, sự tự do đúng nghĩa của tuổi thơ và quan tâm đúng mức. Hãy giải phóng áp lực, cảm giác tội lỗi và nghĩa vụ mà chúng ta tự đặt lên chính mình mà cho con cái nhiều hơn thứ chúng cần. Bạn có thể khuyến khích, chứ không phải ép buộc con tham gia vào một vài hoạt động có tổ chức để con trải nghiệm.
Tuổi thơ không phải là một buổi diễn tập trước tuổi trưởng thành, nó là khoảng thời gian tuyệt vời cần được tôn trọng. Cho dù con bạn có thể còn hơi nhỏ, nhưng chúng xứng đáng cảm thấy mình có khả năng tự kiểm soát, và được vui chơi tự do chính là câu trả lời cho cảm giác ấy.
Trẻ em hoàn toàn có thể tự dẫn dắt và chỉ đạo cuộc sống của mình nếu cha mẹ đặt đủ niềm tin vào chúng. Cho dù sự bận rộn luôn được tôn vinh trong xã hội hiện đại, nhưng nó không phải là biểu tượng của danh dự, vì thế chúng ta cần ngăn chặn nó xâm phạm tuổi thơ của con trẻ.
Làm được điều này, mình tin rằng trẻ em sẽ có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật vượt xa cả sự tưởng tượng của người lớn chúng ta.
Mình đã vô cùng ngạc nhiên khi lần đầu tiên cách đây nhiều năm lúc mới tới Nauy, được nghe rằng trẻ con Nauy cho tới hết tiểu học, điều quan trọng nhất với chúng là CHƠI, những lớp năng khiếu hay ngoại khóa chỉ nhận trẻ từ 5 tuổi và mỗi cha mẹ không được phép bắt em con học quá 30 phút mỗi buổi tối ở nhà - cho đến khi con trai mình thực sự bước vào độ tuổi mầm non và có những ngày chỉ có "chơi tự do" ở trường. Hầu hết các trường mầm non đều có lịch trình tương đối giống nhau, đó là chơi có tổ chức (học theo chủ đề) khoảng 2 tiếng mỗi ngày và còn lại là chơi tự do khoảng 4 tiếng mỗi ngày (với lớp từ 3-5 tuổi).
Cho con đi học quá nhiều thứ hay thúc ép đôi khi không hẳn đã là tốt cho con, mà chỉ để thỏa mãn sự mong mỏi và ham muốn của bố mẹ mà thôi.
Vài nét về tác giả:
Chị Linh Phan là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Theo Linh Phan, làm cha mẹ tốt nhất đối với con và đối với chính mình là khi tin vào bản năng của mình.
Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.
Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.
Bạn có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.