Có xử lý hình sự hành vi gây lũng đoạn thị trường bất động sản?
- Tây Y
- 19:22 - 16/03/2022
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Mội trường Trần Hồng Hà, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) nêu phản ánh của cử tri về hiện tượng đấu giá đất có “bắt tay ngầm”, nhà đầu tư trả giá trên trời rồi bỏ cọc như ở Khu đô thị Thủ Thiêm – TP.HCM làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất khu vực lân cận lên cao dẫn đến giá đất ảo, khiến công tác giải phóng mặt bằng khó khăn. “Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?” – đại biểu chất vấn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận việc đấu giá đất không chỉ thổi giá mà còn có tình trạng dìm giá, "quân xanh - quân đỏ", ảnh hưởng nghiêm trọng, làm biến động thị trường bất động sản, thất thoát tài sản, ảnh hưởng toàn bộ đến nền kinh tế, hệ lụy đặc biệt tới cả ngành ngân hàng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng. Có nhiều nguyên nhân, góc độ pháp luật, điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau về đấu giá, đất đai, tài chính, thuế. Do nhiều luật nên quy định đang bị thiếu hụt; một loại tài sản như đất đai không thể so với các loại tài sản khác khi đấu giá. Đất đai phải có phương pháp, trình tự đấu giá khác...
Ông Trần Hồng Hà cho rằng phải có chế tài mạnh mẽ hơn nữa. Bên tham gia đấu giá bỏ cọc thì phải có chế tài xử lý mạnh để họ không tham gia được; có chế tài "đánh" vào kinh tế để đảm bảo sức răn đe.
Về chuyện "quân xanh - quân đỏ", ông Hà khẳng định phải tăng cường thanh tra, kiểm tra từ phía các cơ quan công quyền; bởi thực tế đã có thực trạng suy thoái của cán bộ, cùng với nhà đấu giá lợi dụng việc này.
Trước đề nghị của đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) về quan điểm có nên hình sự hoá hành vi gây lũng đoạn thị trường bất động sản hay không, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, hiện luật pháp chưa chặt chẽ nên bị lợi dụng thì cần bổ sung chế tài. Theo ông, không cần hình sự hoá mà chỉ cần chế tài, chính sách kinh tế cũng đủ sức điều chỉnh.
Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đề nghị Bộ trưởng làm rõ hơn như trường hợp cụ thể giá đất ở Thủ Thiêm qua kiểm tra, giám sát, điều tra cho thấy điều gì? Hiện nay thị trường sốt đất là có thật, vậy có phải sốt ảo không? Chính sách định giá phù hợp chưa, vì sao giá tăng cao gấp nhiều lần như vậy?” – đại biểu Tạ Văn Hạ đặt vấn đề.
Về vấn đề có hình sự hoá hành vi gây lũng đoạn thị trường hay không, vị đại biểu này nói: “Nếu có dấu hiệu lũng đoạn, âm mưu lừa dối, lừa đảo, âm mưu phá hoại nền kinh tế của đất nước thì sao không xử lý hình sự! Xử lý nghiêm thì mới chấm dứt được tình trạng hiện nay”.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Xuân bày tỏ băn khoăn về phần trả lời của Bộ trưởng. "Tôi đồng tình với đại biểu Hạ. Bộ trưởng cho rằng có thao túng thị trường, thổi giá không tốt cho nền kinh tế nhưng lại cho rằng chính sách của chúng ta có sơ hở, không đồng bộ. Nhưng giải pháp thì Bộ trưởng lại cho rằng vấn đề cung cầu của thị trường quyết định. Tôi không thỏa mãn về trả lời này".
Về vấn đề bỏ cọc của Công ty Tân Hoàng Minh ở Khu đô thị Thủ Thiêm, vị nữ đại biểu khẳng định số tiền bỏ cọc không đáng giá so với việc tăng đẩy giá đất ở khu vực xung quanh. "Vậy số tiền mà Nhà nước đang bị thiệt hại như thế nào? Tôi đồng với đại biểu Hạ là phải xử lý nghiêm, thậm chí phải xử lý hình sự "- bà Xuân nói.
Giải trình thêm tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cơ quan có trách nhiệm đang được giao làm rõ trường hợp đấu giá đất ở Thủ Thiêm và “sẽ có thời điểm đủ điều kiện kết luận” thời gian tới. Quan điểm là cần xử lý nghiêm, song Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh lại rằng trường hợp đấu giá đất ở Thủ Thiêm thì cơ quan có trách nhiệm đang làm rõ và cần chờ kết luận rõ ràng.
Nêu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Quá trình đấu giá rồi bỏ cọc vừa rồi nếu điều tra mà thấy sai phạm dân sự thì xử dân sự, sai phạm về hành chính thì xử lý hành chính, còn có sai phạm về hình sự thì xử lý hình sự. Quá trình xem xét có sai phạm ở quan hệ nào thì xử lý theo pháp luật quan hệ đó.”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.