THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:12

Có tình trạng “liên minh báo chí” nhũng nhiễu doanh nghiệp

 

Sáng 26/12, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc nhằm tổng kết công tác năm 2017 triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018. 

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Võ Văn Thưởng -  Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - đánh giá năm qua, đội ngũ làm báo đã không ngại khó khăn, có mặt ở những nơi đầu sóng ngọn gió, đưa tin về những sự kiện quan trọng của đất nước, vượt qua sự đe dọa của thế lực xấu, đối xử không công bằng của các cơ quan chức năng.

 

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (người thứ tư, từ trái sang) trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. (Ảnh: H.V)

 

Tuy nhiên, theo ông Thưởng, báo chí năm qua cũng có hạn chế thiếu sót, một số khuyết điểm có biểu hiện nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng uy tín báo chí như: Xa rời tôn chỉ mục đích, vi phạm giấy phép hoạt động, nhất là trong lĩnh vực báo điện tử. Khuynh hướng giật gân, câu khách, dễ dãi trong trích nguồn, xào lại tin bài báo khác là phổ biến. Những hạn chế thiếu sót trong công tác chỉ đạo định hướng của cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa được khắc phục hiệu quả, tháo gỡ kịp thời.

Vai trò của nhiều cơ quan chủ quản còn mờ nhạt, không quan tâm đào tạo đội ngũ báo chí. Các văn bản quy định pháp luật về xử phạt chưa đủ sức răn đe. Những vấn đề như quản lý văn phòng đại diện, quản lý phóng viên thường trú, lằn ranh giữa tạp chí điện tử và báo điện tử, tên miền báo điện tử, tạp chí điện tử có phù hợp với tôn chỉ mục đích không... là những vấn đề còn rất bất cập và cần tính toán căn cơ để giải quyết một cách hiệu quả.

 

Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ TT&TT - phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: H.V)

 

Ông Thưởng chỉ đạo, năm 2018 báo chí cần tập trung thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị gắn với nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ. Trọng tâm là tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết 12 của Đảng, các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên tất cả các mặt. Trong đó, tăng cường xây dựng, chính đốn Đảng để đấu tranh phòng chống, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, tự chuyển biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Tăng cường, nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý nhà nước về báo chí, vai trò của cơ quan chủ quản, tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ quan báo chí vi phạm tôn chỉ mục đích.      

Đánh giá tình hình hoạt động báo chí năm 2017, ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ TT&TT - cho biết, về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiệm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, phản ánh kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân.  

 

Toàn cảnh Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2017 triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018. (Ảnh: H.V)

 

Cùng với những ưu điểm trên, báo chí vẫn còn tồn tại những khuyết điểm, hạn chế gây bức xúc trong xã hội như tình trạng “đánh hội đồng”, kết án vụ việc, hiện tượng mà không cần xem xét đến quy định của pháp luật, các kết luận của cơ quan chức năng; tình trạng “suy đoán có tội” phát triển trong báo chí hiện nay gây thiệt hại rất lớn đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp…

Thậm chí, có tình trạng phóng viên liên kết thành những “liên minh báo chí”, tổ chức theo nhóm lấy danh nghĩa cùng đi tác nghiệp nhằm sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, theo kiểu ép ký hợp đồng quảng cáo, hợp tác truyền thông và gỡ, sửa bài sau khi đăng một cách tùy tiện, vụ lợi. Cá biệt, có một số phóng viên, nhà báo đã vi phạm pháp luật trong quá trình tác nghiệp, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.  

Một số phóng viên, nhà báo, biên tập viên… lợi dụng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm đi ngược với quan điểm của báo, ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan thông tin không đúng sự thật, thiếu nhạy cảm về chính trị, đăng tải nhiều thông tin về mặt trái của xã hội; vi phạm về quảng cáo vẫn xảy ra, mặc dù đã giảm đáng kể so với các năm trước.

 

Báo cáo của Ban tổ chức cho biết, cả nước có 849 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó có 185 báo (trung ương 86, địa phương 99) và 664 tạp chí (trung ương 530, địa phương 134). Về báo điện tử: Hiện có 195 cơ quan báo chí điện tử được cấp phép và 178 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp… Về phát thanh, truyền hình: Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình với 281 kênh phát hành, truyền hình được cấp phép. Năm 2017, cả nước có 33 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với khoảng hơn 13 triệu thuê bao (tăng gần 1 triệu thuê bao so với năm 2016) và tổng doanh thu năm 2017 ước đạt gần 8.000 tỷ đồng.

“Những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử và các phương tiện truyền thông trên mạng Internet… khiến số lượng phát hành, quảng cáo của báo in giảm nhiều, ảnh hưởng đến nguồn thu của các cơ quan báo in. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, vẫn còn nhiều cơ quan báo chí duy trì được nguồn thu, tăng trưởng ổn định, đảm bảo đời sống cho đội ngũ người làm báo”, Thứ trưởng  Hoàng Vĩnh Bảo cho biết.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh