THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:04

Cơ quan hành chính không nên can thiệp?

 

Chủ tịch huyện có vai trò như thế nào?

Theo điểm b, khoản 1, Điều 203 Bộ luật Lao động năm 2012, Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tham gia giải quyết tranh chấp lao động. Với sự tham gia của người đứng đầu huyện, nhiều khi cũng tạo nên thuận lợi như về an ninh trật tự, doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất. Nhưng xét về việc tham gia bảo vệ quyền lợi người lao động thì điều này đang tạo nên nhiều bất cập.

Đại biểu Vũ Thế Cương – Giám đốc nhân sự Công ty TNHH lốp xe Bridgestone Viet Nam cho rằng: Thực tế, khi xảy ra đình công, hầu hết các doanh nghiệp đều tìm đến Ban quản lý Khu công nghiệp. Không giải quyết được, Ban quản lý Khu lại tìm đến công đoàn cấp trên chứ ít khi tìm đến Chủ tịch huyện”.

Hầu hết ý kiến các đại biểu đều bày tỏ quan điểm không nên để cơ quan hành chính can thiệp vào quan hệ lao động giữa người NLĐ và NSDLĐ, bởi nó triệt tiêu quá trình thương lượng hòa giải tranh chấp giữa hai bên.

Đình công vẫn diễn ra và không nên để cơ quan hành chính can thiệp

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, thành viên Ban soạn thảo cho rằng: “Các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền có vai trò đại diện cho nhà nước tham gia dẫn dắt, hỗ trợ đưa ra các thiết chế xã hội. Nếu như dùng cơ quan hành chính can thiệp vào quan hệ tranh chấp thì nó sẽ triệt tiêu những mặt tích cực trong vấn đề thương lượng, thỏa thuận. Ví dụ, khi các cơ quan quản lý nhà nước xuống, ai cũng biết chính quyền đang đứng về phía NLĐ và NSDLĐ thường đứng ra thỏa hiệp và triệt tiêu thương lượng, đối thoại.

Khi sửa Luật, Ban soạn thảo cũng thấy vai trò của tổ công tác liên ngành nhưng không thành luật hóa, thấy vai trò của chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm, nhưng trên thực tế vai trò của vị trí này chưa phát huy được, cho nên cần có phương án để NLĐ động lựa chọn cách nào đó để giải quyết tranh chấp.

Tôn trọng quyền tham gia tổ chức của người lao động

Bên cạnh đó, hội thảo bàn luận về việc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Tại Điều 190, Chương XIII, Dự thảo nêu rõ: “Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là tổ chức được tự nguyện thành lập bởi những người lao động làm việc trong cùng doanh nghiệp, có mục đích, tôn chỉ, điều lệ hoạt động nhằm bảo vệ và thúc đẩy cho quyền và lợi ích của đoàn viên thông qua đối thoại, thương lượng tập thể và các cơ chế đại diện khác theo quy định của pháp luật”.

 

Tôn trọng quyền tham gia tổ chức của người lao động

Tổ chức này có vai trò: “Thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; Tham gia đối thoại tại nơi làm việc; Tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động; Được tham khảo ý kiến về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động là đoàn viên của mình; Đại diện cho người lao động là đoàn viên của mình trong quá trình giải quyết khiếu nại, tranh chấp lao động; Tổ chức và lãnh đạo đình công”.

Ông Cao Xuân Dương, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Hưng Yên đồng tình thành lập hội. Song, theo ông Dương, các tổ chức này nên gọi là “Tổ chức đại diện tập thể lao động”. Điều này nhằm thống nhất với định nghĩa tổ chức tập thể lao động.

Ông Phạm Minh Huân cho biết: “Việc thay đổi, thành lập tổ chức đại diện cho người lao động này được thực hiện theo Công ước 87, 98 của Tổ chức Lao động quốc tế ILO. Điểm này đóng vai trò chi phối Chương V, Chương XIV trong vấn đề thương lượng và giải quyết tranh chấp lao động”.

Nghị quyết Trung ương cũng đã nêu rõ quan điểm tôn trọng quyền lợi người lao động. Bản chất của Chương XIII là tôn trọng quyền của người lao động, quyền tham gia gia tổ chức của người lao động thay vì chúng ta chỉ có một tổ chức công đoàn. Ai cũng hiểu tổ chức công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, và là tổ chức chính trị xã hội chứ không phải tổ chức của người lao động. Hiện tại, Dự thảo vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, đánh giá, phê chuẩn, và cần tiếp tục nghiên cứu sâu, rộng hơn về nội dung này cho phù hợp với các công ước quốc tế về lao động. 

VĂN NGHĨA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh