Đây là thông tin đưa ra tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện thí điểm Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), tổ chức ngày 19/1 tại Hà Nội.
Tỷ lệ rủi ro, nợ xấu thấp, nhưng số tiền được vay còn ít
Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, sau gần 2 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành mới bố trí được vốn vay, do vậy, thời gian thí điểm kéo dài đến hết ngày 31/12/2017. Ngân hàng Chính sách Xã hội đã phê duyệt tổng kinh phí cho vay năm 2016 là 30 tỷ đồng, năm 2017 là 24,132 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống TNXH phát biểu tại hội nghị (ảnh QĐ)
Theo quyết định, thời hạn vay tối đa 60 tháng. Hộ được vay tối đa 30 triệu đồng, cá nhân 20 triệu đồng. Lãi suất cho vay 6,5%/năm. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay giai đoạn 2014-2016, thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố với thời hạn cho vay vốn tối đa là 36 tháng.
Đây là một chủ trương đúng và nhận được sự quan tâm, đón nhận không chỉ của những người yếu thế, gia đình họ mà còn của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, thu hút sự vào cuộc của các cơ quan từ Trung ương đến cơ sở. Dù mới thực hiện trong thời gian 1,5 năm tại 15 tỉnh, thành phố thí điểm nhưng hàng trăm người thuộc 4 nhóm đối tượng đã từng bước ổn định cuộc sống, nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội phát biểu tại Hội nghị
Qua báo cáo của các địa phương, tỷ lệ nợ xấu, rủi ro khi cho các đối tượng yếu thế vay vốn không như dự báo ban đầu. Hầu hết người được vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát triển kinh tế gia đình, tinh thần phấn khởi, không còn mặc cảm, tự tin làm ăn, lấy lại được niềm tin của gia đình và cộng đồng và trả lãi đúng thời hạn...
Kết quả cho thấy từ tháng 7/2016 đến hết tháng 12/2017, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội 15 tỉnh, thành phố đã giải ngân cho 504 cá nhân, hộ gia đình vay với tổng số vốn là 12,883 tỷ đồng. Tất cả cá nhân, hộ gia đình đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả lãi hàng tháng đúng quy định. Có 44 cá nhân, hộ gia đình đã hoàn trả vốn vay và chưa có trường hợp nào trả vốn và lãi quá thời hạn. Số tiền dư nợ tính đến 31/12/2017 là 11,218 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch mới chỉ đạt 49,46%.
Người bán dâm hoàn lương còn khó khăn khi tiếp cận vốn vay
Theo Cục Phòng, chống TNXH, nguyên nhân của việc hoàn thành chỉ tiêu thấp là do một số tỉnh/thành phố, khi khảo sát và tổng hợp nhu cầu vay vốn chưa tính đến những trường hợp có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện vay theo quy định, để có kế hoạch đề xuất cấp vốn phù hợp với thực tế. Có một số tỉnh/thành phố, từ kết quả khảo sát, đề xuất NHCSXH bố trí vốn cho vay lớn, nhưng trên thực tế triển khai cho vay được ít, nên tỷ lệ hoàn thành chỉ tiêu thấp như Đăk Lăk 6,38%; Hải Phòng 32,22%; Thanh Hóa 37,38%; TPHCM 38,85%; Nghệ An 39,69%.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như công tác tuyên truyền nên đối tượng vay vốn chưa biết đến chính sách này, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc, miền núi. Ở một số nơi chưa thật sự tin tưởng người vay nên không tạo điều kiện. Cá biệt có nơi trả lời với người vay rằng hết vốn hoặc kế hoạch kinh doanh của họ không khả thi để không giải quyết cho vay. Cán bộ thiếu chuyên môn, không được tập huấn. Trình tự, thủ tục cho vay giống như hoặc khắt khe hơn cho đối tượng người nghèo vay.
Người bán dâm hoàn lương còn khó khăn khi tiếp cận vốn vay (ảnh minh họa)
Mặt khác, việc thông báo công khai danh sách đối tượng vay vốn tại điểm giao dịch xã, phường, thị trấn ít nhiều làm cho người được vay vốn mặc cảm, e ngại không dám tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là người nhiễm HIV/AIDS, người bán dâm hoàn lương. Qua kết quả khảo sát thì nhu cầu vay vốn của người bán dâm tương đối cao, tuy nhiên quy định việc xác nhận một người không còn bán dâm gây khó khăn, trong khi người vay không có một giấy tờ gì có thể chứng minh, mà chỉ có người bán dâm tự nhận rằng mình không còn bán dâm nữa. Do đó nếu không thật sự quan tâm, gần gũi sẽ rất ít người đứng ra xác nhận cho, đặc biệt là chủ tịch UBND cấp xã. Một số khác là người sau cai nghiện, chỉ được vay qua hộ gia đình nhưng gia đình không đứng ra bảo lãnh làm hồ sơ vay nên không tiếp cận được với nguồn vốn vay... số tiền đối tượng yếu thế được vay còn thấp, chỉ tối đa 30 triệu đồng đối với hộ gia đình và 20 triệu đồng đối với cá nhân nên nhiều người không muốn vay.
Cần tạo cơ chế thông thoáng
Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục Trưởng Cục Phòng chống TNXH, nhằm tăng số người được vay vốn của Nhà nước và sử dụng hiệu quả, cần tạo ra cơ chế thông thoáng hơn, tăng mức vốn cho vay cho phù hợp với mức cho vay hộ nghèo hiện nay. Mở rộng mục đích vay vốn: vay để khám chữa bệnh, học tập của con cái, giải quyết những nhu cầu thiết yếu… Bổ sung kinh phí tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, kỹ năng sử dụng vốn vay cho đội ngũ cán bộ, cần hướng nghiệp, đào tạo nghề cho các đối tượng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa có nghề hoặc chưa được đào tạo nghề.
Anh Bùi Việt Cường (Lào Cai), một trong số những người được vay vốn làm kinh tế thành công
Nghiên cứu, thí điểm việc đơn giản hóa thủ tục cho vay, nhất là đối với người nhiễm HIV và người bán dâm tạo điều kiện cho nhiều người yếu thế tiếp cận với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Thí điểm ủy thác cho vay vốn cho một Thành viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn phù hợp, hoặc Nhóm cộng đồng trên địa bàn để phát huy vai trò, khả năng quản lý của tổ chức xã hội, tạo điều kiện tốt cho vốn dễ dàng đến các nhóm người đặc thù, nhất là người bán dâm, người nhiễm HIV...