Có nên xông lá trầu không khi đau mắt đỏ?
- Sức khỏe
- 21:58 - 13/04/2017
Việc xông lá tuy có làm người bệnh dễ chịu đôi chút nhưng không hề làm bệnh mau khỏi
Triệu chứng thường thấy là thấy cộm mắt, đỏ mắt, sưng mắt, nhìn mờ, chói mắt, nhiều dử mắt. Kết mạc là lớp niêm mạc che phủ phần lòng trắng (củng mạc) của mắt, nằm phía trong của mi mắt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm kết mạc.
Nguyên nhân do vi khuẩn hay virus: Có thể gặp ở một mắt hay cả hai mắt. Mắt đỏ, chảy nước mắt và những chất tiết dính. Có thể sung nề mi mắt làm khó mở mắt. Nếu do vi khuẩn thì chưa làm giảm thị lực. Nếu do virus còn có thể kèm theo viêm cả giác mạc (phần ngoài cùng che phủ con ngươi) và dẫn đến giảm thị lực. Trong trường hợp xấu nhất còn có thể tạo sẹo trên giác mạc và gây giảm thị lực vĩnh viễn.
Ở bé trai từ 7 đến 15 tuổi có thể gặp bệnh đau mắt đỏ kéo dài nhiều năm, có khi có những đợt viêm cấp tính. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân nên được gọi là viêm kết mạc mùa xuân.
Tuy nhiên, hiện nay do vấn đề ô nhiễm không khí rất phổ biến nên cũng có thể gặp quanh năm. Bệnh nhân bị đỏ cả hai mắt, ngứa, cảm giác như bị phỏng, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, có dử mắt, lúc nào cũng muốn lấy tay dụi mắt nhưng càng dụi càng ngứa.
Bệnh hay tái phát theo mùa. Khi lộn mi thấy ở mi mắt có những nốt (nhú gai) màu đỏ hoặc thấy những nốt có màu trắng như sữa ở gần tròng đen. Ðây là một bệnh do dị ứng, đặc biệt vào mùa xuân hoa nở nhiều, các loại phấn hoa bay tỏa vào không khí, nếu vào mắt người có cơ địa dị ứng sẽ gây nên những triệu chứng trên. Cần khám chuyên khoa để theo dõi và điều trị, tránh các biến chứng đe doạ giảm hay mất thị lực.
Khi có dịch đau mắt đỏ cần cách ly người bệnh và điều trị tốt cho họ. Tránh không đến nơi có nhiều bệnh nhân mắt trong mùa dịch như các bệnh viện, siêu thị, các trung tâm vui chơi giải trí... Người bệnh không dụi mắt bằng tay. Lau rửa mắt 2 lần mỗi ngày bằng khăn giấy hay khăn bông ẩm dùng một lần, dùng xong vứt bỏ khăn vào thùng rác. Rửa tay bằng xà phòng tiệt trùng nhiều lần trong ngày. Nhỏ nước muối sinh lý 0,9% để vệ sinh mắt. Giặt ga giường, vỏ gối, khăn tắm trong nước nóng rồi phơi nắng.
Việc dùng kháng sinh và các thuốc giảm viêm cần theo chỉ định của bác sĩ. Nên nhớ thuốc kháng sinh không hề có tác dụng đối với virus. Chỉ dùng kháng sinh khi có các viêm nhiễm phối hợp do vi khuẩn.
Rất nhiều người nghiện xông lá trầu không, lá dâu, lá tre... Kinh nghiệm cho thấy, các phương pháp này tuy có làm người bệnh dễ chịu đôi chút nhưng không hề làm bệnh mau khỏi, chưa kể một số bệnh nhân xông lá có thể gây bỏng mắt, trợt giác mạc, xuất huyết dưới kết mạc và sưng nề hơn sau khi xông lá. Uống lá dấp cá, uống chè hoa cúc có vẻ khả dĩ hơn phương pháp xông lá.