Có nên quy định "tỷ lệ oan sai" trong hoạt động tư pháp?
- Tây Y
- 20:18 - 30/03/2021
Liên quan đến tính độc lập của hoạt động tư pháp, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, hiện vẫn tồn tài khái niệm về ngành. Theo đại biểu, thực ra không nên có khái niệm ngành trong lĩnh vực tư pháp. Mỗi tòa án phải là một cơ quan hoàn toàn độc lập với nhau. Không có tòa án cấp trên, tòa án cấp dưới. Các thẩm phán, hội thẩm hoàn toàn độc lập với nhau và không được can thiệp những vấn đề có liên quan để ảnh hưởng đến công lý . Đại biểu Nhưỡng cũng chia sẻ quan điểm về câu chuyện "làm việc liên ngành" và cho rằng cần khắc phục để đảm bảo tính độc lập của hoạt động tư pháp
Về vấn đề chỉ tiêu trong hoạt động tư pháp. Phó trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, chúng ta thường đặt ra những vấn đề chỉ tiêu về kế hoạch xét xử… Theo đại biểu, kế hoạch làm việc thì nên có nhưng kế hoạch xét xử thì cần phải nghiên cứu lại. Bởi có những phiên tòa ở nước ngoài có thể kéo dài cả năm để đảm bảo công lý… "Không có công lý giá rẻ. Phải mất rất nhiều thời gian, công sức và cả xương máu mới có thể tìm ra công lý", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Cũng liên quan đến chỉ tiêu, theo đại biểu, đặt chỉ tiêu "tỷ lệ oan sai" sẽ gây ảnh hưởng tới tâm lý, nếu không khắc phục rất nguy hiểm. Nếu đặt vấn đề "tỷ lệ oan sai" thì nó liên quan đến một tỷ lệ rất quan trọng là liệu có hay không có "tỷ lệ công lý"? "Công lý là vĩ đại, thiêng liêng, hoàn hảo", đại biểu nhấn mạnh và đề nghị cần phải hết sức lưu ý về những vấn đề xác định chỉ tiêu và đề nghị Quốc hội khóa XV xem xét vấn đề này.
Tranh luận về vấn đề này với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng ( đoàn Bình Dương) cho rằng, việc đặt ra "tỷ lệ oan sai" là để chúng ta tìm ra các giải pháp, đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu để phấn đấu. Không có nghĩa đặt ra chỉ tiêu là trong nền tư pháp có oan sai. "Khi chúng ta đặt ra chỉ tiêu mà đạt được tỷ lệ oan sai giảm thì đây là điều chúng ta làm tốt", ông Hồng nói và đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải thích thêm về những vấn đề này.
Về vấn đề phối hợp liên ngành trong lĩnh vực tư pháp, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, phối hợp liên ngành là để chúng ta thống nhất về nhận thức pháp luật, đưa ra quan điểm để giải quyết làm sao cho hợp lý, đảm bảo yêu cầu chính trị, yêu cầu pháp luật, yêu cầu thực tiễn trong việc xử lý một vụ việc. Không có nghĩa chúng ta đưa ra quy định làm giảm đi tính độc lập của việc xét xử.
Đồng quan điểm, Chánh án TAND Thành phố Hà Nội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh, những cuộc họp liên ngành là những vụ án khó, phức tạp, cần tìm ra những giải pháp như tình tiết buộc tội, nếu không đủ phải điều chỉnh chứ không phải bàn nhau để thống nhất truy tố, xét xử.