THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:11

Có nên có Viện Khổng tử ở Việt Nam?

 

Khổng Tử (chữ Hán: 孔子; còn gọi là Khổng Phu Tử 孔夫子; 27 tháng 8 âm, 551 –11 tháng 4 479 TCN) là một nhà tư tưởng, nhà triết học xã hội nổi tiếng người Trung Hoa, các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng rộng lớn đối với đời sống và tư tưởng của các nền văn hóa Đông Á.

Người Trung Hoa đời sau đã tôn xưng ông là Vạn thế Sư biểu (Bậc thầy của muôn đời). Chính phủ Trung Quốc hiện nay, trong nỗ lực truyền bá văn hóa Trung Hoa ra thế giới, đã cho thành lập hàng trăm Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới.

Triết học của ông nhấn mạnh trên sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân và cai trị bằng đạo đức: "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", sự chính xác của các mối quan hệ xã hội, đạo đức và quy phạm làm người, "Đạo Trung Dung" và các đức tính "Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín". Các giá trị đó đã có được tầm ảnh hưởng lớn trên mọi học thuyết khác ở Trung Quốc như Pháp gia hay Đạo gia trong suốt triều đại nhà Hán. Các tư tưởng của Khổng Tử đã được phát triển thành một hệ thống triết học được gọi là Khổng giáo.Khổng giáo được một người Italia là Matteo Ricci đưa vào Châu Âu, ông cũng là người đầu tiên La tinh hoá tên Khổng Tử thành "Confucius". Khổng giáo còn được xem là một tôn giáo lớn của loài người, nhất là dân tộc Trung Hoa.

Không thể phủ nhận vai trò của tư tưởng Khổng đã có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ và rộng rãi trên các lãnh thổ các nước (thuộc) phương Đông. Đặc biệt các nước cận Trung như Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Việt Nam trong hàng nghìn năm qua. “Văn hóa” tưởng như đó là cái gì đó to tát trừu tượng khó nắm bắt nhưng thực tế nó chỉ là hình thức “kiếm ăn” của loài người. Kiến thức sống được loài người sử dụng như công cụ kiếm ăn. Độ dày kiến thức sống càng lớn thì kiếm ăn càng dễ, sử dụng kiến thức càng tinh vi thì càng làm cho bản thể người sử dụng càng trở nên ảo diệu, vĩ đại.

Trung Quốc tự hào có Khổng Tử và họ biết (muốn) sử dụng đạo Khổng như một thứ vũ khí mà ngày nay chúng ta thường được nghe ví như “quyền lực mềm” để bành trướng thế giới. Cho đến thời điểm này, coi như công cuộc bành trướng của người Trung Quốc đã thành công không nhỏ với con số 500 Viện Khổng đã xuất hiện trên toàn thế giới.Tác giả (Bách Dương) của cuốn “Người Trung Quốc xấu lậu” được xuất bản tại TQ từ năm 1987 cũng đã nói về “âm mưu” thành lập viện Khổng tại Việt Nam trong tương lai gần.

Hứa Lâm, Tổng giám đốc Học viện Khổng Tử, Giám đốc TT phát triển giảng dạy Hán ngữ đối ngoại của Bộ Giáo dục Trung Quốc, mới đây đã nói thẳng không kiêng dè khi trả lời phỏng vấn BBC rằng, bộ phận của bà là phải chuyển các giá trị quan của Đảng cộng sản Trung Quốc tới các cơ quan học thuật ở nước ngoài, bất kể là Đại học Columbia hay Đại học Stanford.

Viện Khổng tử có ở các trường đại học của Mỹ

Và điều này đã trở thành sự thật vào cuối tháng 12/2014 khi  Trường đại học quốc gia đã chính thức gắn biển “Viện Khổng tử” trước sự chứng kiến của nhiều đại biểu cấp cao của hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Lâu nay, chúng ta vẫn cho rằng từ lúc sinh ra rồi lớn lên chỉ cần phấn đấu đạt mục tiêu mức sống trong đời người là toại nguyện. Lối sống được người ta quan tâm ở vị trí thứ hai. Nhưng thực tế chứng minh, muốn có mức sống (thuộc về vật chất) thì phải quan tâm lối sống (thuộc về tinh thần) trước. Chúng ta sẽ rất mơ hồ về tương lai vật chất của mình nếu không xác định được lối sống là điểm mấu chốt quyết định toàn bộ cuộc đời chúng ta sẽ hướng về đâu?

Trải qua nhiều biến động của xã hội thì nhiều điều tưởng như chân lý được ghi nhận ở thời điểm một hoặc vài năm trước thì nay đã không còn phù hợp với thực tế. Cho nên một số giáo lý của đạo Khổng cũng không còn được giới nghiên cứu đánh giá là chuẩn mực nữa. Bên cạnh nhiều tư tưởng tích cực cái còn hạn chế nhất trong hệ tư tưởng của Khổng tử đấy là quyền con người đối với phụ nữ và tư tưởng vua tôi. Ví dụ, đạo Khổng thường răn dạy làm người phải biết trung với Vua. Thế là người xưa trung thành với Vua một cách mù quáng, thậm chí có thể hi sinh tính mạng của mình và gia đình để tận trung với một ông vua độc ác, vô đạo, vô tích sự. Liệu rằng ngày nay chúng ta còn có thể tận trung với một người như vậy nữa hay không? (Chúng ta có thể liên hệ mở rộng hơn đó là nước nhỏ thờ nước lớn mặc dù biết mười mươi nước lớn là kẻ cướp, khốn nạn đối với nước nhỏ, v.v và v.v). Ai bắt chúng ta phải tuân theo một giáo lý cũ rích không còn phù hợp như vậy nữa?

Để nói về đạo Khổng, người ta đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học và rõ ràng đây là vấn đề lớn, mang tính hàn lâm chứ không phải chuyện nhỏ để nay chém gió ở bàn trà, mai luyện giọng ở tiệc rượu. Tư tưởng Khổng Tử đã trở thành đạo như các đạo (tôn giáo) khác, cùng hướng tới chân thiện mỹ nhưng như vậy chưa hẳn đạo Khổng đã là tuyệt mỹ, là hoàn hảo. Đó cũng là  lý do mà một số viện Khổng tử ở Chicago đã đóng vào mùa xuân, ở Pelsilvania đã đóng vào mùa thu, ở Toronto đã đóng vào tháng 10 năm 2014. Nhật Bản đã từ chối thành lập Viện Khổng, Hàn Quốc thờ ơ với đạo Khổng, còn Triều Tiên một mực từ chối với đạo Khổng.

Những người làm chính trị, những nhà nghiên cứu Việt Nam đồng ý thành lập Viện Khổng, hướng công dân Việt tìm hiểu về đạo Khổng. Điều này có thể coi là một sự cởi mở tiếp nhận văn hóa nước ngoài. Mặt khác cũng có thể coi đây là một công cuộc nghiên cứu có quy mô tương tự như người cộng sản nghiên cứu về tư bản và ngược lại.

Nghiên cứu hay áp dụng Khổng là việc chúng ta cần phải suy nghĩ và liệu trong viện Khổng còn có gì ngoài Khổng? 

Thủy Hướng Dương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh