Theo Zing.vn, Hãng tin Reuters dẫn hai nguồn tin là quan chức chính phủ Mỹ cho biết Cục Hàng không liên bang (FAA) sẽ sớm phê chuẩn năng lực giám sát hàng không mức 1 (CAT1) cho Việt Nam.
Các hãng hàng không Việt Nam dù từ lâu ấp ủ mong muốn nhưng vẫn chưa thể thiết lập đường bay thẳng đến Mỹ do Việt Nam chưa nhận được CAT1.
Điều này có thể sẽ sớm thay đổi. Các quan chức giấu tên cho biết Mỹ sẽ sớm phê chuẩn CAT1 cho hàng không Việt Nam trong vài tuần tới.
Để được phê chuẩn CAT1 theo chương trình Đánh giá An toàn Hàng không Quốc tế của FAA, một nước cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Đây là cơ quan kỹ thuật của Liên Hợp Quốc thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế và đưa ra khuyến nghị để vận hành và bảo trì máy bay.
Năm 2018, FAA đã cử một đội khảo sát đến Việt Nam để đánh giá mức độ an toàn, theo tạp chí Aviation Week. Trong khi đó, trang Flight Global cho biết phái đoàn khảo sát của FAA gồm bốn người.
Máy bay Airbus A350-900 có thể bay thẳng đến Mỹ hoặc thông qua một điểm dừng kỹ thuật tại Nhật. Ảnh: Độc Lập
Trả lời Thanh Niên ngày 11.2, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không VN, cho biết FAA đã thực hiện nhiều đợt rà soát kỹ thuật với hàng chục tiêu chí và đều đánh giá kết quả tốt cho xếp loại an toàn hàng không của VN.
“Các quan chức của FAA đã trao đổi với phía VN cho biết sắp công bố CAT1 cho VN, tuy nhiên hiện do chính phủ Mỹ đóng cửa nên việc công bố đang bị chậm lại ít ngày. Chúng tôi hy vọng trong đầu năm 2019, phía Mỹ sẽ chính thức công bố CAT1 cho VN qua đường ngoại giao”, ông Thắng cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng không VN, việc đạt CAT1 có ý nghĩa rất quan trọng với hàng không VN. Thứ nhất, đây là tiền đề, điều kiện tiên quyết để các hãng hàng không VN có thể xúc tiến các bước tiếp theo nhằm mở đường bay thẳng VN - Mỹ. Thứ hai, đạt được CAT1 giúp nâng cao rất nhiều uy tín của hàng không VN trên
thị trường hàng không quốc tế. Thứ ba, dù có thể chưa thực hiện bay thẳng sang Mỹ, nhưng các hãng hàng không trong nước có thể hợp tác liên danh (code share) với các hãng hàng không lớn đang thực hiện bay thẳng đến Mỹ.
“Chúng ta đã có bước chuẩn bị về mặt kỹ thuật nhiều năm nay cho việc mở đường bay thẳng đến Mỹ, CAT1 chính là yếu tố quan trọng để hiện thực hóa điều này”, ông Thắng khẳng định.
Thực tế, kế hoạch bay thẳng tới Mỹ nhiều lần bị trì hoãn do không đạt được các tiêu chuẩn giám sát của FAA. Trước đó, FAA từng tiến hành các đợt rà soát kỹ thuật với việc tuân thủ các quy định về hệ thống giám sát an toàn hàng không của Cục Hàng không VN năm 2013 và 2017. Dự kiến việc bay thẳng sẽ thực hiện trong năm 2018 nhưng chưa thực hiện được do VN vẫn phải tiếp tục khắc phục các khuyến cáo cụ thể sau các đợt giám sát an toàn hàng không toàn cầu của ICAO và FAA. Năm 2018, FAA đã tiến hành đánh giá an toàn với Cục Hàng không trên 8 yếu tố trọng yếu để phân loại việc tuân thủ các quy định an toàn của ICAO…
Năm 2003, Hiệp định hàng không VN - Mỹ được ký kết, cho phép các hãng hàng không mở đường bay thẳng giữa hai nước. Từ năm 2004, Vietnam Airlines (VNA) đã có kế hoạch khai thác và chuẩn bị sẵn sàng cho việc mở đường bay thẳng tới bờ tây nước Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Việt Thắng, để mở được đường bay thẳng tới Mỹ còn rất nhiều việc, trong đó Cục Hàng không đạt CAT1 mới là 1 trong 3 điều kiện chính, ngoài ra các hãng hàng không được phê chuẩn và đáp ứng các thủ tục an ninh Mỹ. Thị trường Mỹ rất phức tạp về mặt tư pháp quốc tế cũng như an ninh, nên các hãng phải có những chuẩn bị rất kỹ lưỡng để đáp ứng yêu cầu, việc thời điểm nào chính thức mở đường bay tới Mỹ phụ thuộc vào tính toán và chuẩn bị của từng hãng. Song ông Thắng cũng cho rằng, với tính chất khó khăn của đường bay dài này, chỉ những hãng có tiềm lực mạnh mới có thể bay thẳng tới Mỹ.
Các hãng hàng không VN như VNA, Vietjet Air, thậm chí là tân binh Bamboo Airways hiện đều bày tỏ sự quan tâm tới việc mở đường bay thẳng trực tiếp giữa VN - Mỹ. VNA đang sở hữu đội máy bay thân rộng như Boeing 787-9 Dreamliner và Airbus A350-900XWB, có thể bay trực tiếp đến Mỹ hoặc qua một điểm dừng kỹ thuật tại Nhật Bản (máy bay sẽ dừng để tiếp nhiên liệu, cung cấp suất ăn với thời gian tối đa khoảng 1 giờ, hành khách không phải xuống máy bay và không phải thực hiện chuyển máy bay như khi bay transit qua một điểm đến khác). VNA cũng đã nộp hồ sơ xin cấp phép bay thương mại lên Bộ GTVT Mỹ. “Việc được phê chuẩn CAT1 là một bước quan trọng về mặt kỹ thuật, mở ra cơ hội bay thẳng đi Mỹ”, Tổng giám đốc VNA Dương Trí Thành cho biết.
Trước đó, Vietjet cũng đã thông tin kế hoạch mở rộng đội bay với các máy bay thân lớn B787 và A350 để bắt đầu các chặng bay tới Mỹ, với điểm đến có thể là California (Mỹ) sau khi được FAA cho phép.
Dù mới bay chính thức, song Hãng hàng không Bamboo Airways cũng đặt tham vọng rất lớn khi cho biết sẽ tập trung mở đường bay vào các thị trường quan trọng ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore…, và về dài hạn sẽ mở rộng tuyến tới Mỹ và châu Âu với sự
hỗ trợ từ đối tác Boeing khi nhận bàn giao máy bay Boeing 787-9 Dreamliner vào đầu năm 2020.