Cô học sinh học giỏi mê làm từ thiện
- Y học 360
- 22:50 - 14/09/2015
* Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, em đã tham gia nhiều chương trình từ thiện, tình nguyện. Ai là người đã định hướng hay chỉ bảo cho em làm những việc thiện này?…
- Ngay từ bé, bố mẹ em luôn dạy các con phải biết yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh. Khi em còn là học sinh cấp 2, nhà trường tổ chức hội chợ từ thiện để quyên tiền ủng hộ các em nhỏ kém may mắn đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An (Ba Vì) và em cùng các bạn được tham gia hội chợ này. Em cùng nhóm bạn tham gia gian hàng bán đồ ăn Hàn Quốc như mì tôm, nước uống, bim bim… Số tiền thu được từ gian hàng và đóng góp thêm của thầy và trò nhà trường đều được dành tặng các em nhỏ đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm. Nhưng quan trong hơn, là kết thúc chiến dịch từ thiện, bọn em được nhà trường tổ chức đến tận Trung tâm để chia sẻ những khó khăn với các em nhỏ nơi đây. Mặc dù, các em được các cô tận tình chăm sóc nhưng thiếu đi tình yêu thương chăm sóc của bố, mẹ. Nhiều em lại mang trên mình những khuyến tật… Em cùng nhiều bạn rất chạnh lòng và từ đó em nhủ với bản thân sẽ cố gắng góp phần giúp đỡ các em nhỏ kém may mắn.
Phan Thủy Tiên tham gia tình nguyện tại Diễn đàn trẻ em 2015
* Sau đó, em đã tham gia những chương trình từ thiện hay chương trình tình nguyện nào nữa?
- Em rất muốn được tham gia một số chương trình tình nguyện giúp trẻ em vùng cao nhưng do lịch học của em khá dày đặc nên rất tiếc là em chưa thể tham gia, chỉ gửi ủng hộ từ xa. Khi nghe chia sẻ mong muốn làm từ thiện tại khu vực Hà Nội, thầy giáo của em đã bật mí cho em một địa chỉ đang cần sự giúp đỡ là các em nhỏ đang được nuôi dưỡng tại làng trẻ SOS Hà Nội. Em đã đến và đăng ký dạy các em môn tiếng anh và toán. Hàng tuần, em dạy 2 buổi từ 19h30-21h. Em muốn dạy thêm nhiều hơn nhưng đầu tháng 9 này em đi du học nên không thể sắp xếp nhiều thời gian hơn để dạy các em nhỏ. Em tự nhủ mỗi đợt được nghỉ về nghỉ Em sẽ lại đến thăm và dạy các em.
Không chỉ dạy mà chia sẻ với các em mình mới hiểu được những tâm tư suy nghĩ của các bé. Mỗi gia đình ở đây có khoảng 10 con nhưng chỉ có 1 mẹ quản lý, dù có cố gắng thì các mẹ chỉ có thể chăm sóc các em những nhu cầu cơ bản hàng ngày và các mẹ hầu như không có thời gian để chia sẻ những tâm tư, niềm vui nỗi buồn với các con. Đây chính là những thiệt thòi của các bé mà không phải ai cũng hiểu…. Trong đợt này em cũng rủ thêm các bạn trong lớp chuyên hóa của em cùng tham gia. Em rất vui và tự hào vì mùa hè này em cùng các bạn đã làm được những việc rất hữu ích.
Vừa qua, tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ IV, em tham gia tình nguyện viên, phụ giúp các nhóm tham gia thảo luận về chủ đề: quyền tham gia của trẻ em trong nhà trường cũng như phụ trách một số công tác hậu cần.
* Được tham gia thảo luận một chủ đề rất hay cùng các em nhỏ tại Diễn đàn, qua đó em thấy quyền tham gia của các em tại nhà trường được thực hiện như thế nào? Quyền tham gia của em tại gia đình và nhà trường đã được thực hiện đầy đủ chưa?
- Quyền tham của trẻ em tại nhà trường là một chủ đề em rất quan tâm. Khi tiếp xúc các em ở các tỉnh mới biết ở các địa phương còn nhiều vấn đề bất cập: các em chưa được lắng nghe, áp đặt, nhiều trường chưa chăm sóc sức khỏe cho học sinh, có chăng cũng rất qua quýt.
Ngay tại các buổi thảo luận nhóm, em trợ giúp các em diễn đạt tốt hơn để người lớn hiểu nội dung các em đề cập. Hay đưa ra các câu hỏi để các em biết những sự việc các em gặp hàng ngày là có vấn đề. Ví dụ như chuyện giáo viên ở trên lớp bác bỏ ý kiến học sinh, nhiều em cho đó là chuyện hiển nhiên nhưng thực chất như thế là sai.
Mặc dù ngôi trường em đang học khá dân chủ, nhưng vẫn còn những điều mà bọn em “bất khả xâm phạm” không dám đưa ra ý kiến. Ví dụ như quy định nhà trường yêu cầu học sinh đến trường phải đóng thùng gọn gàng. Dù biết như thế sẽ đẹp và gọn hơn nhưng tính ứng dụng không cao. Bởi đóng thùng rất bất tiện nhất là lúc vui chơi và vào mùa hè thì rất nóng. Nếu như lấy ý kiến học sinh thì chắc chắn phần lớn các bạn sẽ ủng hộ việc bỏ quy định này tuy nhiên biết nhà trường nghiêm nên chỉ dám kêu trên mạng không dám nói với cô giáo chủ nhiệm. Nếu chỉ vài lần bị thầy cô bắt gặp bỏ xơ vin sẽ bị hạ hạnh kiểm.
Tại gia đình em được tham gia ý kiến những cũng có lúc cách nhìn của bố mẹ và con không đồng nhất. Bố mẹ luôn muốn những điều tốt đẹp nhất dành cho em nhưng theo cách nhìn, quan điểm của bố mẹ. Ví như khi em luyện thi các chứng chỉ tiếng anh rất cần tìm hiểu các kiến thức xã hội để đưa vào bài luận, trả lời câu hỏi. Thời gian học kín mít em không thể đọc sách báo hay xem ti vi, tuy nhiên khi em đưa ra ý tưởng vừa nghe rađio vừa học thì mẹ không đồng ý. Dù em đã giải thích nhưng mẹ vẫn giữa quan điểm bảo em việc đó làm mất tập trung, nên em không được vừa nghe vừa hoc …