Cô giáo Hà Nội dành tiền đưa con đi chơi xa 5-6 chuyến mỗi năm để làm điều đặc biệt
- Bác sĩ
- 04:18 - 29/07/2020
Trong cuộc sống của chúng ta, rất nhiều gia đình chưa có điều kiện mua nhà, đang ngày ngày chật vật tính toán, chi tiêu, tích góp, vay mượn để quyết mua được căn nhà thành phố. Thế nhưng giữa rất nhiều người như vậy, chị Hiền Lương (hiện đang làm giáo viên ở Hà Nội) và ông xã đang ở nhà thuê nhưng mỗi năm họ vẫn dành cho con gái tên Soup khoảng 5-6 chuyến đi du lịch xa.
Hiện tại Soup mới được 25 tháng tuổi nhưng cô bé đã được cùng bố mẹ khám phá nhiều vùng đất thú vị như Đà Nẵng, Hội An, Lý Sơn, Sài Gòn, Nha Trang, Phú Quốc, Pleiku, Bạc Liêu, Sóc Trăng... Và vừa thổi nến mừng sinh nhật 2 tuổi ở đỉnh Fansipan.
Hẹn gặp mẹ Soup để ngồi nói chuyện về những chuyến đi của gia đình chị, tôi nhận thấy ở bà mẹ trẻ có một nguồn năng lượng rất tích cực, rất mạnh mẽ, nhanh nhẹn, hào hứng. Thực tế, không hẳn những chuyến đi của gia đình chị Lương chỉ là thích đi, thích di chuyển. Mà mục đích to lớn hơn là chị muốn tranh thủ khoảng thời gian phát triển "vàng" của con để cho bé được thỏa sức khám phá, tiếp nhận mọi thứ thật hồn nhiên, bản năng nhất.
Khi Soup được bao nhiêu tháng tuổi thì anh chị cho bé đi chuyến du lịch xa đầu tiên? Trong chuyến đi ấy, chị cảm thấy lo lắng nhất về điều gì?
Khi mới sinh, Soup đã thường xuyên được đi chơi ở Hà Nội và về quê nội ở Nam Định. Đến khi con được 5 tháng thì mình cho con đi Đà Nẵng, đây là chuyến đi xa đầu đời của con, đúng vào đợt bão lớn. Nhưng vì trót đặt vé rồi nên cả nhà cũng vẫn lên đường theo lịch trình.
Mình thì chẳng lo lắng gì còn ông bà nội, ngoại cũng hơi lo lắng vì cháu còn bé nên cũng không muốn cho cháu đi chơi nhiều. Tuy nhiên, vợ chồng mình trước đó cũng đi du lịch thường xuyên nên ông bà quen rồi.
Vợ chồng mình đều tự kinh doanh, không bị phụ thuộc, gò bó nên cũng thoải mái thời gian hơn những gia đình khác. Mỗi năm mình cho con gái đi khoảng 5 chuyến đi xa. Bé đã được đi: Đà Nẵng, Hội An, Lý Sơn, Sài Gòn, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Nha Trang, Phú Quốc, Pleiku và gần nhất là đi Sa Pa.
Mong muốn lớn nhất của anh chị với mỗi chuyến đi xa của con là gì?
Gia đình mình luôn đặt tiêu chí cho con được vui chơi, khám phá lên hàng đầu chứ không phải yếu tố nghỉ dưỡng của bố mẹ. Như vậy cuộc đi chơi sẽ có ý nghĩa nhiều hơn. Mình đã đi hết rồi, khám phá hết rồi, quay lại là để cho con có được những cảm xúc giống mình khi lần đầu đến đó thôi.
Chính vì thế nên mình thường chọn những điểm ít người đến, còn hoang sơ để nhận được năng lượng tự nhiên nhiều nhất. Bởi khi dịch vụ nhiều quá rồi thì thiên nhiên sẽ bị che lấp.
Nhiều người thường nghĩ rằng: "Con còn bé chưa biết gì đâu, đợi lớn hơn thì cho chúng đi cũng chưa muộn", quan điểm của chị về suy nghĩ này như thế nào?
Mỗi độ tuổi sẽ có một cảm nhận khác nhau chứ không phải lớn rồi con mới hiểu biết nhiều hơn. Với những em bé mới sinh hoặc bé dưới 3 tuổi thì sự thuần khiết, hồn nhiên, vui sướng của con rất là bản năng. Chính điều đó sẽ giúp con đón nhận mọi thứ tốt hơn là những bạn đang lớn rồi, vì các bạn lớn sẽ thường có nhiều rào cản hơn.
Rào cản đôi khi đến từ chính bố mẹ khi cứ dọa nạt con cái này sợ lắm, cái kia sợ lắm... Mỗi lứa tuổi con đều có một sự cảm nhận riêng thì mình thì hãy cho con tự do nhất có thể.
Chị có thể tiết lộ chi phí cho mỗi chuyến đi của gia đình mình không?
Mỗi chuyến đi của nhà mình trung bình hết khoảng 5 triệu đồng. Chỉ có chuyến đi Phú Quốc là đắt hơn. Nhà mình thường sắp xếp công việc, chọn thời điểm lúc thời tiết đẹp để đi. Sau khi có kế hoạch thì bắt đầu săn vé máy bay giá rẻ để đặt trước.
Mình chọn ở homestay, vừa rẻ lại có nhiều điểm thú vị hơn so với việc ở resort hay khách sạn. Ở homestay sẽ gần gũi với dân bản địa hơn, người ta sẽ chỉ cho mình những cái mà ở khách sạn ít khi họ chỉ được.
Mình thích đi chợ ở những địa điểm du lịch vì khi đến chợ sẽ biết được văn hóa ở nơi đó như thế nào, các món ăn ra sao? Đây cũng là một cách để tiết kiệm chi phí ăn uống. Thay vì di chuyển bằng taxi thì mình sẽ lựa chọn phương án thuê xe máy, vừa rẻ lại vừa chủ động thời gian và điểm đến.
Bố mẹ Soup luôn ưu tiên việc con được khám phá lên hàng đầu.
Mỗi năm gia đình Soup có khoảng 5-6 chuyến đi xa.
Mỗi chuyến đi hết khoảng 5-6 triệu đồng.
Bé Soup có hợp tác với bố mẹ trong các chuyến đi không?
Trộm vía, Soup đi chơi ngoan hơn ở nhà. Bé đi được tất cả phương tiện như máy bay, cano và đi rất ngoan, sức khỏe tốt. Ví dụ như nhiều người sợ đi thuyền ra biển mất hơn 1 tiếng, khi đi rất sóc, người lớn còn nôn, mệt mỏi, chóng mặt nhưng Soup thì không sao cả. Hay mỗi khi di chuyển bằng xe máy, một ngày đi cũng khá xa, khoảng 60-70km nhưng Soup cũng vẫn khỏe mạnh, vui vẻ, không có vấn đề gì.
Cho con nhỏ đi du lịch là một nỗi khiếp sợ của nhiều người mẹ vì sợ con ốm đau, lỉnh kỉnh đồ đạc, ăn uống… Chị có những lời khuyên như thế nào cho các mẹ để những chuyến đi chơi xa trở nên nhẹ nhàng hơn?
Cái này thì cũng tùy từng gia đình, tùy từng bé. Mình nghĩ là các mẹ cần phải để ý xem con ở nhà có khỏe hay không? Trong một năm mà con không bệnh tật, ốm đau gì, sức khỏe tốt thì việc đi lại cũng sẽ suôn sẻ. Bố mẹ có thể luyện tập cho con đi chơi ở trong thành phố, về quê... để con có sức đề kháng, chứ nếu cứ để con ở nhà suốt rồi tự nhiên đi chơi thì bé cũng không thể nào thích nghi được.
Khi đi xa mình thường chuẩn bị một số loại thuốc cơ bản. Việc ăn uống với bé dưới 6 tháng gần như bú mẹ hoàn toàn. Soup dưới 1 tuổi cũng vẫn bú mẹ là chính, ăn dặm cũng chỉ ăn ít thôi. Đến địa điểm du lịch các mẹ cũng có thể mua đồ nấu cho con ăn, một vài ngày thì không thừa hay thiếu chất dinh dưỡng được. Bởi con đã nhận nhiều năng lượng tự nhiên, điều đó là tốt rồi thì việc ăn uống cũng không quá quan trọng.
Có điều là khi đi nhiều thì mẹ nên ăn, uống nhiều hơn vì việc di chuyển, vui chơi sẽ bị tiêu hao năng lượng nhiều, phải ăn uống bù vào thì mới có sữa cho con bú.
Bỉm cũng vậy, mình áng chừng một ngày con dùng khoảng 3-4 chiếc rồi mang theo. Quần áo chuẩn bị cho bé nên chọn những bộ đồ năng động, khỏe mạnh, nhẹ nhàng, không phải rườm rà, cầu kỳ.
Soup rất thích thú với những chuyến đi này.
Chị Lương hạnh phúc khi nhìn thấy con đươc bộc lộ sự vui sướng một cách tự nhiên nhất, bản năng nhất.
Qua các chuyến đi, Soup cũng dần bạo dạn hơn.
Lúc Soup chưa biết đi thì mình mang theo xe đẩy, đây là hành lý ký gửi không mất phí cho những em bé dưới 2 tuổi. Ngoài ra mình mang thêm địu, lúc nào con gần buồn ngủ thì cho vào xe đẩy còn bình thường thì bố sẽ địu bé.
Vợ chồng mình không thấy mệt mỏi, điều này có lẽ là do yếu tố tinh thần. Khi tinh thần của mình vui vẻ thì sẽ hút những cái vui vẻ, thuận lợi, nên chuyến đi rất vui vẻ, gặp nhiều người tốt.
Đặt sự khám phá của con lên hàng đầu trong mỗi chuyến đi, vậy sau những chuyến đi của gia đình, chị cảm nhận được ở con gái những điều gì?
Khi Soup gặp một cái gì đó mới mẻ thì bé không có thái độ cảnh giác, sợ hãi mà ngược lại còn rất vui vẻ. Đối với người lạ thì ban đầu Soup cũng dè chừng, nhưng chỉ cần quan sát thấy bố mẹ thân thiện với người đó thì bé cũng sẽ không dè chừng nữa.
Mọi người nhìn Soup vẫn hay nhận xét là con khá tự nhiên và bạo dạn. Mình cũng nhiều lần nhìn con bình tĩnh khi gặp nguy hiểm, đứng ở bể bơi bị trượt chân, hụp mặt xuống nước nhưng tự đứng lên vuốt mặt chứ không khóc và cũng không đòi tìm mẹ.
Mình biết đặc tính của con, khi còn nhỏ, bé sẽ có nhiều cái rất bản năng mà người lớn đôi khi phải học hỏi. Ví dụ như con có niềm vui sướng tự nhiên, nhìn cái gì cũng mới mẻ, tìm tòi chứ không có sự nhận xét và đánh giá như người lớn. Nhờ đó mình cảm nhận được là con mình vui như thế nào, đồng thời cũng cảm thấy hạnh phúc khi con nhận biết tốt về mọi điều xung quanh.
Số tiền dành để đi du lịch mỗi năm chiếm bao nhiêu % tổng thu nhập của anh chị?
Thực ra mình cũng không tính toán nhiều, chỉ là mỗi chuyến đi thì mình sẽ sử dụng một khoản tiền vừa phải, đủ để cả nhà chơi vui vẻ nhưng vẫn đảm bảo mọi thứ đều tốt là được.
Vé máy bay mình săn vé rẻ, ăn uống đi chợ vừa ngon lại vừa phù hợp, chuyến đi có thể rẻ nhưng không phải là không có giá trị.
Chị Lương thường chọn ở homestay vừa tiết kiệm chi phí, vừa được gần người dân bản địa.
Chị thường tự đi chợ, nấu nướng ở những nơi gia đình đặt chân để tìm hiểu văn hóa.
Sắp tới, cả nhà sẽ có một chuyến đi Buôn Mê Thuột.
Ngoài việc mua nhà thì trong cuộc sống chúng ta còn có rất nhiều khoản phải chi tiêu nữa như: chi phí cho bé đi học, lo cho tương lai và sinh bé thứ hai... Vậy chị có kế hoạch cân đối chi tiêu như thế nào để vừa được đi chơi lại vừa đảm bảo cuộc sống tương lai?
So với tổng thu nhập của gia đình mình thì việc đi chơi cũng không tốn quá nhiều tiền nên mình vẫn sẽ duy trì việc đi du lịch.
Còn chi tiêu hàng ngày của gia đình mình cũng tối giản, quần áo của hai mẹ con đều là hàng secondhand, vừa rẻ, chất vải rất đẹp mà kiểu dáng lại độc.
Về chuyện ăn uống thì cả nhà mình thường chọn cách ăn lành mạnh cho sức khỏe, không bày vẽ. Cái này mình bị ảnh hưởng từ ông xã do anh công tác trong ngành y, ăn uống kiểu lành mạnh thì cũng không tốn nhiều.
Việc mua sắm đồ đạc trong nhà mình cũng tối giản, chỉ mua những đồ cần thiết. Không gian sống cần phải rộng rãi thì tâm trí mới rộng rãi theo. Nhà có nhiều đồ thì chật chội, con cũng không có chỗ chơi.
Có bao giờ chị phải nghe những câu: "Sao con bé như thế mà cứ cho đi suốt"; "Không biết tiết kiệm để mua nhà" chưa? Nếu có thì chị phản ứng như thế nào?
Có chứ, nhiều là đằng khác! Mọi người cứ nói thế suốt nhưng mình kệ thôi. Quan trọng là chúng ta vui với cuộc sống chứ cứ nghe người khác nói thì sẽ không sống được cuộc đời mà mình muốn. Và thực tế là mình cũng không làm gì ảnh hưởng đến ai.
Trong thời gian tới anh chị có dự định đưa Soup đi đâu không?
Mình đã đặt vé đi Buôn Mê Thuột, cả nhà sẽ tiếp tục vi vu vào tháng 11.
Chị có điều gì muốn nhắn nhủ với những người đang ngày ngày đau đầu cân đối giữa việc kiếm tiền mua nhà và đưa con đi chơi?
Mỗi gia đình đều có hoàn cảnh, năng lực tài chính, quỹ thời gian khác nhau. Tuy nhiên mọi người hãy cố gắng dành thời gian cho gia đình. Không cần phải đi nhiều hoặc không có điều kiện để đi xa thì mọi người có thể đi ngay ở trong Hà Nội chẳng hạn, cuối tuần cả nhà có thể cùng nhau đi 1 buổi, dành cho con và gia đình gắn kết nhau. Điều đó mình nghĩ khá cần thiết.
Còn nếu đi xa, bố mẹ nên tìm những địa điểm để con có thể khám phá nhiều nhất, thay vì đặt yếu tố nghỉ dưỡng của bố mẹ lên hàng đầu.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!