Cô gái què bị cưỡng bức, trở thành mẹ đơn thân bất đắc dĩ
- Y học 360
- 12:47 - 15/08/2016
Thiện Tâm là cái tên không còn xa lạ với nhiều bà mẹ. Tháng 2/2016, những tâm tư của chị từng thu hút sự cảm thông của nhiều người trên một diễn đàn dành cho phụ nữ. Tháng 8/2016, Thiện Tâm chính thức trải hết lòng mình trong tự truyện Mẹ què. Đọc cuốn sách, MC Vân Hugo từng thốt lên: "Đã bao lần tôi chẳng cầm được giọt nước mắt khi nghĩ về cuộc đời chị. Đã bao lần tôi thử tưởng tượng về cái nỗi đau của đôi chân tật nguyền mỗi khi thời tiết 'đỏng đảnh thất thường', nỗi chua chát sau những lần bị lừa gạt, nỗi cô đơn khi sống không gia đình, nỗi mòn mỏi của cuộc sống tha hương… Nhưng tôi vẫn chẳng thể tưởng tượng nổi nỗi đớn đau khi chị bị người ta chà đạp, hãm hại để rồi trở thành một người mẹ đơn thân, tự vật lộn với cuộc đời để nuôi con lớn từng ngày…".
Thiện Tâm biết đến hai từ Hà Nội qua câu chuyện vu vơ của người khác. Hành trang tha hương năm 17 tuổi của chị chỉ là hơn 100.000 đồng cùng vài ba bộ quần áo.
Thiện Tâm sinh năm 1978 tại Bắc Giang. Lúc chào đời, chị cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng một cơn sốt nặng khiến cô bị liệt hai chân, cố gắng lắm mới có thể tự lết đi, tự làm việc nhà để không biến thành kẻ "ăn hại", "vô dụng". Bố Tâm nát rượu, hầu như ngày nào cô cũng bị đánh đập, sỉ vả bởi chính sự khiếm khuyết của mình. Hai đứa em cũng hắt hủi Tâm vì sợ bạn bè chê cười. Mẹ là người duy nhất thương Tâm nhưng bà lại cam chịu, vì vậy, Tâm cô độc ngay trong ngôi nhà của mình. 17 tuổi, cô lên kế hoạch bỏ trốn khỏi nhà, ra Hà Nội kiếm sống.
Những năm ở Hà Nội, chị sống cầu bất cầu bơ nơi bến xe, sáng rửa bát thuê, đêm ngủ ở điểm xe bus. Sau đó, Tâm may mắn xin được vào làm tại xưởng thủ công, nhưng đây cũng chính là nơi chị biết thế nào là "mùi đời" khi bị đồng nghiệp hãm hại. Bị đuổi việc, chị lại lê lết ở chợ bán hàng xén rong. Dù cực khổ là thế nhưng Thiện Tâm vẫn nuôi ý chí học tập. Chị xin học ké một lớp Tin học cho người khiếm thính. Học hết khóa ở quận này chị lại tham gia lớp mới của quận khác. Sau nhiều nỗ lực, Thiện Tâm được nhận vào làm chân đánh máy ở một cửa hàng photocopy. Những đồng lương tuy bèo bọt nhưng ổn định giúp cuộc sống của chị dễ thở hơn.
Thiện Tâm kể lại, người ta thường vô tình hỏi chị bố đứa trẻ là ai, hàng tháng chu cấp bao nhiêu tiền. Những câu nói ấy khiến chị uất ức bật khóc.
Thế nhưng số phận vẫn tiếp tục trêu ngươi Thiện Tâm. Trong một ngày mưa tầm tã, Tâm bị một gã xe ôm lạ mặt lừa gạt và cưỡng hiếp. Khi biết mình có thai, chị làm đủ cách để giũ bỏ đứa trẻ. Chị ăn những thứ dễ sảy thai, đêm nào trước khi đi ngủ cũng đấm vào bụng và nằm sấp. Nhưng rồi cái thai vẫn lớn lên. Đứa trẻ ra đời để xoa dịu những nỗi đau của chị.
29 tuổi, Thiện Tâm làm mẹ của một bé gái. Chị may mắn được những người tốt giúp đỡ. Nhưng chị vẫn luôn tâm niệm mình phải tự lập đứng lên bởi không ai có thể nuôi con thay chị. Có người từng khuyên Tâm cho đứa bé đi để bớt khổ nhưng chị không làm được. Ngày qua ngày, hai mẹ con sống trong một căn phòng trọ chật chội, ẩm thấp, chỉ rộng chừng vài mét vuông. Phụ nữ khỏe mạnh bình thường chăm con một mình đã đủ vất vả, vậy mà người mẹ què ấy làm đủ mọi việc, từ cho con bú, giặt quần áo, tắm cho con... Hằng đêm, chị kiếm sống bằng số tiền ít ỏi từ việc gõ capcha. Chị không chắc tương lai hai mẹ con sẽ đi về đâu, chị chỉ biết được làm mẹ là một hạnh phúc và chị phải nắm giữ nó.
Đến nay, Thiện Tâm vẫn không công khai danh tính thật dù biết điều đó có thể giúp cuộc sống của chị vơi bớt nhọc nhằn. Khi viết những dòng tự sự về cuộc đời mình, chị chỉ tâm niệm câu chuyện đó sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những mảnh đời éo le khác.