THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:08

Cơ chế hoạt động của phanh ABS trên xe ga

 

Tại Việt Nam, phanh ABS (Anti-Lock Braking System) trên xe máy còn khá mới mẻ với rất nhiều người. ABS kiểm soát áp suất bên trong hệ thống phanh trong trường hợp bánh xe có thể bị bó cứng khi phanh.
Duy nhất chỉ có Vespa 946 do Piaggio Việt Nam bán ra có trang bị phanh ABS trên cả 2 bánh. Xe ga khi trang bị ABS sẽ không sử dụng hệ thống phanh kết hợp CB (Combi Brake System). ABS trên Vespa 946 có 2 bộ phận chính gồm cảm biến tốc độ và bộ điều khiển trung tâm.
Bộ cảm biến của phanh ABS gồm cảm biến và đĩa tốc độ trên xe Vespa 946. Ảnh: Lương Dũng.
Vì 946 trang bị ABS trên cả 2 bánh nên cảm biến tốc độ được gắn trên cả 2. Tương ứng với mỗi cảm biến tốc độ là đĩa tín hiệu. Đĩa tín hiệu này dễ dàng nhận biết bằng mắt thường, đó là một đĩa nhỏ có các khe hở nằm sát vào trục. Theo tiêu chuẩn, khoảng cách giữa cảm biến và đĩa tín hiệu cho phép từ 0,3 đến 2 mm.
Bộ điều khiển của ABS có các chức năng như đo tốc độ và tính toán mức độ giảm tốc. Điều chỉnh áp suất phanh bằng cách kích hoạt van điện tử và bơm dầu. Kiểm tra hoạt động của hệ thống (tự chuẩn đoán). Kích hoạt đèn cảnh báo trên mặt đồng hồ khi cần thiết. Truyền tín hiệu tốc độ xe tới đồng hồ. Truyền tín hiệu tốc độ bánh trước và bánh sau tới bộ điều khiển phun nhiên liệu, thông qua đường truyền để điều khiển tính năng chống trượt bánh ASR. Hệ thống ASR có thể tắt bật dễ dàng thông qua nút điều khiển trên tay lái.
Những xe trang bị hệ thống chống bó cứng phanh luôn có đèn báo ABS trên bản đồng hồ. Với Vespa 946, đèn báo sẽ tắt khi vận tốc xe trên 5 km/h, có nghĩa hệ thống ABS được kích hoạt và sẵn sàng.
Đèn báo ABS và ASR trên bảng đồng hồ của Vespa 946. Ảnh: Lương Dũng.
Gặp tình huống bất ngờ, người lái bóp mạnh phanh bên trái hoặc bên phải hoặc cả hai, khi đó piston thủy lực đẩy dầu phanh trực tiếp đến càng phanh giúp má phanh áp chặt vào đĩa phanh khiến xe giảm tốc. Với những xe không có ABS, bóp chặt phanh làm bánh bị khóa chặt gây hiện tượng trượt.
Còn với xe có ABS, đường ống dẫn dầu phanh được nối với bộ điều khiển mạch thủy lực thông qua các van điện tử, van này sẽ ngừng hoặc cấp áp suất vào càng phanh để hiệu chỉnh và tối ưu hóa lực phanh và tránh làm bánh xe bị khóa cứng theo cơ chế nhấp-nhả.
Thử nghiệm thực tế xe không có ABS trên đường ướt, trơn trượt với vận tốc trung bình 40 km/h, khi phanh với chỉ phanh trước hoặc chỉ phanh sau hoặc đồng thời cả hai thì bánh xe trước hoặc sau hoặc cả 2 bánh thì bánh xe bị khóa cứng. Với những người ít kinh nghiệm thì xe rất dễ bị trượt ngang, văng đuôi xe, mất thăng bằng và khó kiểm soát cũng như không thể điều khiển xe theo ý muốn.
Ngược lại với chiếc Vespa 946 có trang bị ABS, thử phanh với tình huống như trên, dù ở tốc độ 40, 50 hay 60 km/h khi phanh các bánh xe không bị khóa cứng, không bị trượt ngang hay văng đít xe. Quãng đường phanh ngắn hơn cho đến khi xe dừng hẳn và đặc biệt không bị mất kiểm soát.
Thử nghiệm hệ thống phanh ABS của Vespa 946. Ảnh: Quang Anh.
Kỹ thuật viên của Piaggio Việt Nam, ông Nguyễn Minh Xuân cho biết, hệ thống ABS báo lỗi thường nằm ở vị trí các cảm biến do bị cong vênh đĩa tốc độ. Các cảm biến này cũng có thể chịu được tác động của nước, bụi bẩn. Ngoài ra, nếu vận tốc xe trên 5 km/h mà đèn ABS không tắt thì có nghĩa hệ thống ABS đang có vấn đề, cần đưa xe đi kiểm tra. Mặt khác, khi hệ thống ABS lỗi hoặc chưa được kích hoạt thì hệ thống phanh giống như phanh thường.
Vì ABS hoạt động độc lập trên mỗi bánh nên khi bóp phanh cần bóp chặt cả 2 phanh để đàm bảo an toàn hơn. Tránh bóp nhả liên tục, nếu không sẽ làm giảm hoặc mất hiệu quả của phanh ABS.
Hệ thống ABS hỗ trợ người lái rất nhiều nhưng không phải là tuyệt đối vì thế không nên phó mặc an toàn cho công nghệ. Quan trọng nhất vẫn là rèn luyện lỹ năng để xử lý các tình huống bất ngờ.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh