Có cần ‘đẻ’ thêm GPLX số tự động?
- Tây Y
- 17:27 - 17/05/2015
Dạy lái xe ở Trường trung cấp nghề số 7, Quân khu 7 - Ảnh: D.Đ.Minh |
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, cho biết, theo chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT, Tổng cục đã giao các đơn vị nghiên cứu sửa đổi Thông tư 46/2012 của Bộ GTVT (quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ), đồng thời nghiên cứu thêm về thông lệ quốc tế, bởi hiện nay đã có một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Úc, Cannada, Malaysia... cho phép người dân lựa chọn thi lấy GPLX số tự động hay số sàn.
“Nhu cầu thực tế”
“Về mặt quy định pháp luật thì không vướng mắc gì cả, chỉ là sửa đổi lại Thông tư 46 thôi, nhưng việc có 2 loại GPLX cũng đang có một số ý kiến khác nhau. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, chúng tôi phải nghiên cứu cho thận trọng để chủ trương đưa ra đáp ứng được yêu cầu người dân cũng như công tác quản lý”, ông Quyền nói.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó hiệu trưởng Trường dạy lái xe Tiến Bộ (TP.Hồ Chí Minh), cho biết việc đào tạo và cấp GPLX ô tô số tự động xuất phát từ nhu cầu thực tế đang có rất đông người học và lái xe ô tô, các hãng sản xuất xe hiện sản xuất ô tô phần lớn trang bị số tự động. Tuy nhiên, muốn thực hiện phải bàn bạc thật kỹ, lấy ý kiến nhiều đơn vị. Nếu dự thảo được thực hiện, hệ thống đào tạo lái xe sẽ có giáo trình riêng về xe số tự động.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Tiến, Chủ nhiệm CLB lái xe Tiến Đạt (Q.12, TP.Hồ Chí Minh), cho rằng chương trình dạy và cấp GPLX ô tô số tự động nhằm tạo điều kiện cho người lớn tuổi và phụ nữ. Việc cấp GPLX số tự động ở nhiều nước trên thế giới đã có từ lâu và GPLX số tự động chỉ dành riêng cho xe số tự động, không cho phép sử dụng với xe số sàn.
Gây khó cho quản lý, sử dụng Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, đồng tình chủ trương của Bộ GTVT là “xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của người dân”, nhưng cho rằng việc cấp song song cả 2 loại GPLX sẽ tạo ra một số bất tiện trong công tác quản lý cũng như thực tiễn sử dụng của người dân. “Với GPLX bằng B1 hiện nay thì người dân có thể lái cả xe số sàn và xe số tự động, nhưng với loại GPLX số tự động thì người dân không được lái xe số sàn. Nếu lái là vi phạm pháp luật. Do vậy phải cân nhắc làm sao để quản lý cho tốt, để người dân sử dụng đúng loại GPLX mình được cấp”, ông Thanh đặt vấn đề. Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, cho rằng việc tồn tại cả 2 loại GPLX sẽ khiến CSGT khó có thể kiểm soát được người dân có sử dụng đúng bằng lái hay không, trừ khi xảy ra những sự cố mất an toàn giao thông thì mới có cơ sở để xử lý. |
Có thể “làm rối lên”
Trong khi đó, theo kỹ sư Lê Văn Tạch (Công ty Toyota Việt Nam), việc cấp thêm GPLX số tự động là “hơi thừa, tốn kém cho người dân và nhà nước”. “Về nguyên lý kỹ thuật lái xe thì điều quan trọng là phản xạ người lái và biết cách kiểm soát khi xảy ra sự cố. Số tự động chỉ là rút gọn các thao tác để tiện sử dụng hơn so với xe số sàn. Trên thực tế, hầu hết những người có GPLX số sàn đều dễ dàng điều khiển xe số tự động trong khi nếu chỉ biết lái xe số tự động thì khó có thể lái được xe số sàn. Do vậy nên giữ nguyên chương trình đào tạo cấp GPLX như hiện nay và tăng thêm thời gian học lái xe số tự động, từ 10 giờ tăng lên khoảng 30 - 40 giờ, như vậy vừa đảm bảo yêu cầu mà không gây ra xáo trộn”, ông Tạch nói.
Theo ông Trần Đông, giáo viên dạy lái xe cho một trung tâm sát hạch, quy định mới có thể “làm rối lên” vì hiện nay việc cấp GPLX đã ổn định, người dân đã quen. “Quy định mới cũng không cần thiết bởi lẽ với cách học và thi lấy GPLX bằng xe số sàn hiện nay, người có GPLX khi chuyển qua lái xe số tự động sẽ rất an toàn và dễ dàng”, ông Đông nói.
Lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải cũng cho rằng, không nên thêm quy định này. “Quy định một loại GPLX như hiện nay là đủ, đơn giản và thống nhất, không nên “đẻ” thêm việc, gây rắc rối trong quản lý, thậm chí có thể dẫn đến tiêu cực trong sát hạch và quản lý sử dụng GPLX”, vị lãnh đạo doanh nghiệp nói.