Có ca bệnh dương tính COVID -19, Thanh Hoá họp khẩn ngay trong đêm
- Tây Y
- 13:48 - 07/08/2020
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì hội nghị và các ngành thành viên trong BCĐ, kết nối trực tuyến tới 27 điểm cầu ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Thanh Hoá.
Theo báo cáo của Sở Y tế Thanh Hóa, bệnh nhân COVID-19 có địa chỉ ở phường Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn, 54 tuổi, là người bán hàng rong tại huyện Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Ngày 27/7, bệnh nhân về Thanh Hóa trên cùng chuyến xe với ca bệnh số 620 ở Hà Nam, nhà xe Kim Chi, Đà Nẵng, biển số: 43B-03126. Khoảng 6h sáng ngày 28/7, bệnh nhân xuống xe tại thị trấn Lưu Vệ, huyện Quảng Xương và tự đi xe máy về xã Quảng Vinh. Khi về đến nhà, bệnh nhân có lên Trạm Y tế Quảng Vinh để khai báo y tế và cách ly tại nhà.
Bệnh nhân không có biểu hiện sốt, ho, khó thở, nhưng qua truy vết những người đi cùng chuyến xe với bệnh nhân số 620, ngày 4/8, bệnh nhân nhập viện vàđược lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 6/8, mẫu chuyển ra Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương để xét nghiệm, cho kết quả Dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đã được chuyển ra Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh điều trị, được Bộ Y tế định danh là bệnh nhân 748.
Qua khai thác thông tin, từ ngày 28/7 đến ngày 4/8/2020, bệnh nhân ở nhà có đi đến các nhà hàng xóm, đi lại, tiếp xúc với nhiều người, bước đầu đã xác định có 15 trường hợp F1, 31 trường hợp F2. Sau khi bệnh nhân 748 có kết quả xét nghiệm lần 1 dương tính với SARS-COV-2, ngay sáng 6/8, Thành phố Sầm Sơn đã khoanh vùng, cách ly khu phố Nam Bắc, phường Quảng Vinh nơi bệnh nhân 748 cư trú.
Tại hội nghị, các thành viên BCĐ đã phân tích: Nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh rất lớn, khi bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 748 không triệu chứng và có lịch sử tiếp xúc phức tạp. Các ý kiến cũng cho rằng: cần thiết phải thông tin cho các cơ sở y tế về các ca nghi nghiễm để các bệnh viện tham gia sàng lọc, và có biện pháp chủ động phòng ngừa. Một số ý kiến cũng chỉ ra những lỗ hổng cần rút kinh nghiệm trong kiểm soát dịch, trong đó quan trọng nhất vẫn là phải tăng cường trách nhiệm của tổ giám sát các cấp và của cộng đồng trong giám sát các đối tượng trở về từ vùng dịch.
Về mức độ áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, nhiều thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch đề nghị cần nâng cấp độ phòng chống dịch ở mức quyết liệt hơn. Trong đó, đối với những người đi từ vùng dịch về cần phải coi như từ nước ngoài về và phải cách ly y tế tập trung; mở rộng xét nghiệm PCR đối với các đối tượng F1, F2, nếu phát hiện trường hợp nhiễm bệnh phải chuyển ngay đến điều trị tại bệnh viện Phổi Thanh Hóa, nơi được bố trí là bệnh viện điều trị bệnh COVID số 1 của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng cho rằng: "Việc xuất hiện ca bệnh COVID–19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá là khó tránh khỏi khi ổ dịch Đà Nẵng diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, qua việc bệnh nhân 748 dù đã khai báo y tế nhưng vẫn không được kiểm soát chặt chẽ, để bệnh nhân đi lại tiếp xúc với nhiều người, là một cảnh báo về lỗ hổng trong kiểm soát, giám sát, cách ly, cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc và khắc phục ngay".
Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND phường Quảng Vinh, yêu cầu kiểm điểm, nhận hình thức kỷ luật, vì trong các chỉ đạo của tỉnh Thanh Hoá đã nói rất rõ về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các đơn vị đối với công tác phòng chống dịch COVID–19 thuộc địa bàn, phạm vi mình phụ trách. Cùng với đó, Trung tâm y tế Sầm Sơn đình chỉ và kiểm điểm trách nhiệm trạm trưởng trạm y tế phường Quảng Vinh, khi đã biết rõ tình hình dịch, công dân đã đến khai báo báo y tế mà vẫn thiếu giám sát việc cách ly tại gia đình.
Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng đồng ý với đề xuất phong tỏa một khu dân cư xã Quảng Vinh, nơi ở của bệnh nhân 748, theo đúng quy trình, hướng dẫn của ngành y tế. Về biện pháp ứng phó khi trong tỉnh Thanh Hoá đã có ca dương tính với SARS-CoV-2.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng cho rằng: "Cần phải dựa trên cấp độ dịch đến đâu, lựa chọn biện pháp xử lý đến đó. Sở y tế Thanh Hóa phối hợp với UBND TP Sầm Sơn, ngay trong ngày mai, 7/8, phải điều tra, xác minh khoảng cách, lịch trình di chuyển, tiếp xúc của bệnh nhân 748, trên cơ sở đó, khoanh vùng và thực hiện giãn cách trong khu vực theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị 11, ngày 31/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá".
"Giao UBND TP Sầm Sơn xác minh, báo cáo Sở y tế lịch trình di chuyển để tiếp tục truy vết, xác định các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân 748, thực hiện cách ly tại bệnh viện với các trường hợp F1 và cách ly tại nhà đối với các trường hợp F2. Yêu cầu Sở y tế có phương án phân luồng khám chữa bệnh các bệnh nhân ở khu vực phường Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn để vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân" - Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng chỉ đạo.
"Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp huyện, cấp xã cần quán triệt đầy đủ các công văn số 1767, ngày 30/7/2020 của ban Thường vụ tỉnh ủy Thanh Hóa, các công điện, công văn của chủ tịch UBND tỉnh, đặc biệt là công văn số 22, ngày 3/8/2020 của chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID 19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường tối đa công suất, xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh 748 và các trường hợp nguy cơ cao. Yêu cầu Sở y tế sẵn sàng mở rộng năng lực xét nghiệm đáp ứng cấp độ dịch" - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá giao nhiệm vụ.
"Yêu cầu tăng cường xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và vi phạm các quy định phòng chống dịch. Yêu cầu ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện, xã chỉ đạo các tổ giám sát xốc lại hoạt động, bám sát phương châm đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, giám sát tất cả các nguồn nguy cơ, việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, việc thực hiện cách ly. Yêu cầu phải thông báo trên phương tiện thông tin và dán thông báo gia đìnhđang có người cách ly y tế. Ban chỉ đạo phòng chống dịch các huyện có quyền dừng các dịch vụ, hoạt động của các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm, không đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch" – Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng thống nhất tạm dừng hoạt động các dịch vụ masasge, karaoke, vũ trường trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 7/8/2020. Các cơ sở dịch vụ khác phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Riêng các sơ sở lưu trú phải thực hiện nghiêm quy định kiểm tra thân nhiệt, và khai báo y tế của khách. Hạn chế tổ chức các sự kiện đông người, khi cần tổ chức, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch và bố trí giãn cách. Trong gia đình, khuyến cáo giảm quy mô các đám hiếu, hỉ và không mời khách tỉnh ngoài. Các sự kiện tập trung từ 100 người trở lên phải báo cáo ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh.
Yêu cầu các ngành liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 phải tăng cường đảm bảo an toàn cho kỳ thi, yêu cầu tất cả thí sinh, lực lượng làm nhiệm vụ thi thực hiện triệt để việc đeo khẩu trang. Đối với các thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 thực hiện theo quy định của Bộ GD &ĐT; lưu ý thành phố Sầm Sơn duy trì khoảng cách 2m giữa các thí sinh trong phòng thi.
Đồng thời, Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng yêu cầu tăng cường công tác truyền thông từ tỉnh đến huyện, đến xã, nhất là qua các đài truyền thanh, hệ thống truyền thanh cơ sở thông tin kịp thời tình dịch, các biện pháp, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh, thông tin các trường hợp đang cách ly tại địa phương. Công tác tác tuyên truyền phải được nâng cao cả về cấp độ, tần suất để đáp ứng yêu cầu thông tin của nhân dân và đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trong bối cảnh Thanh Hóa đã có ca bệnh.