Có ba mẫu con dâu mà mẹ chồng "không dám" xem thường
- Bác sĩ
- 14:08 - 30/07/2020
Khi một người phụ nữ kết hôn, cuộc sống hôn nhân chưa chắc đã là điều đáng lo ngại nhất trong mắt họ. Bởi lúc ấy tình yêu còn nồng nàn, niềm tin vào đối phương còn rất vững chãi. Nếu nói đúng tâm tư của các nàng dâu thì có lẽ điều họ sợ là phải làm "người ngoài" trong mắt mẹ chồng. 2 người phụ nữ ở 2 thế hệ khác nhau không đơn giản nói hòa là có thể hợp.
Mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu là mối quan hệ giữa các cá nhân tương đối phức tạp. Thật khó để duy trì sự khách sáo như người lạ nhưng cũng khó thân thiện như người thân. Hôn nhân đầy những điều bất trắc và không nằm trong suy đoán của chúng ta.
Nếu con dâu thực sự muốn phấn đấu cho một vị trí cao hơn trong mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu, trước tiên đừng bao giờ để mẹ chồng coi thường bạn. Hãy khiến bà tôn trọng con dâu 1 cách chủ động. Sự hiếu thảo và ngoan ngoãn mà chúng ta thường nghĩ không nằm trong số đó. Bởi để duy trì 1 mối quan hệ bền vững lâu dài ở xã hội này thì cần nhiều điều thực tế hơn. Nó thể hiện ở 3 câu chuyện của 3 nàng dâu dưới đây:
Câu chuyện thứ nhất
Ai cũng ngưỡng mộ tình cảm của Lan và mẹ chồng. Họ thường hỏi cô bí quyết nhưng Lan chỉ mỉm cười. Thực ra, ai cũng thế cả thôi, làm gì có chuyện sinh ra đã hợp nhau. Lan và mẹ chồng cũng bất đồng quan điểm nhiều nhưng cô biết đâu là điểm dừng. Ngay từ khi kết hôn Lan đã quan tâm đến mẹ chồng bằng những món đồ thực tế như bộ quần áo, lọ kem dưỡng da, những chuyến du lịch hay một chút tiền thưởng của công ty...
Cô biết bà không ép cô phải mua cho bà nhưng bố mẹ nào chả thích con cái hiếu thảo. Mỗi lần như thế mẹ chồng Lan lại khoe với hàng xóm, tự hào về con dâu lắm. Cùng với đó là sự khéo léo trong ứng xử, xác định tư tưởng không giận dỗi, không hơn thua với mẹ chồng. Bởi càng phân thắng thua mình càng là người thiệt.
Sau khi nhiều phụ nữ kết hôn, trọng tâm của cuộc sống là xung quanh gia đình và chăm sóc con cái. Tuy nhiên, dù họ hoàn thành nghĩa vụ tốt đến đâu, phụ nữ sẽ vẫn mang tiếng "dựa dẫm vào chồng" trong mắt mẹ chồng và tất nhiên sẽ không được tôn trọng. Điều này là do mẹ chồng chỉ nhìn thấy con trai mình chịu nhiều áp lực tài chính hơn còn con dâu làm dăm ba công việc nhà không thể bằng người bươn trải kiếm tiền ngoài xã hội.
Ngược lại, nếu một người phụ nữ có thu nhập kinh tế đáng kể, cô ấy sẽ chủ động trong mọi việc. Nó khác biệt ở những cái nhỏ nhất và người làm ra tiền sẽ có tiếng nói trong gia đình Mẹ chồng thấy cuộc sống của con trai mình sau khi kết hôn dư dả, hạnh phúc tự nhiên sẽ nể trọng con dâu.
Câu chuyện thứ 2
Thư nghe nhiều người khuyên không nên thể hiện tình cảm với chồng trước mặt bố mẹ chồng. Nhưng cô lại không nghĩ như vậy. Thư và chồng luôn thể hiện tình cảm với nhau ở 1 mức độ vừa phải. Có khi là 2 vợ chồng cùng nấu ăn trong bếp, có khi là chồng hôn trán vợ và con trước khi đi làm. Thư luôn thể hiện 1 sự gắn kết bền chặt giữa 2 vợ chồng để mẹ chồng cô cảm nhận được, con trai mình đang có 1 cuộc hôn nhân rất viên mãn.
Thêm 1 vấn đề nữa, khi các tình huống bất ngờ xảy ra như chồng mắc lỗi hay chồng có thiếu sót gì, Thư sẽ từ tốn giải quyết để anh không áp lực, làm cho chồng tự nhận lỗi mà vẫn nể vợ.
Thực chất tình yêu của 2 người phụ nữ dành cho 1 người đàn ông tuy khác loại nhưng về chất lượng chẳng kém cạnh gì nhau. Nếu mối quan hệ giữa vợ và chồng sâu đậm, mẹ chồng biết rằng con dâu chiếm một vị trí rất cao trong lòng con trai bà. Làm tổn thương con dâu là làm tổn thương con trai. Chỉ khi con dâu tốt thì con trai mới có thể hạnh phúc.
Trên thực tế, nói một cách rõ ràng, vị trí của một người phụ nữ trong trái tim của mẹ chồng phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của người đàn ông. Khi một người phụ nữ duy trì mối quan hệ tốt với chồng và sống hạnh phúc với chồng, thái độ của mẹ chồng đối với con dâu đương nhiên là ổn.
Câu chuyện thứ 3
Liên sinh ra trong 1 gia đình khá giả. Đó cũng là lý do vì sao ngay từ khi mới cưới cô đã được bố mẹ hỗ trợ phần nào ra ở riêng. Vấn đề kiều kiện kinh tế gia đình là điều khó nói, gần như chúng ta không thể lựa chọn. Thế nhưng, nếu bố mẹ bạn không được dư dả, hãy tự lực sớm để tự tạo lấy nền móng của mình.
Trong hoàn cảnh bình thường, nếu nàng dâu được hậu thuẫn bởi một gia đình mạnh về kinh tế, tất nhiên mẹ chồng sẽ không coi thường. Bởi dù họ có thiện chí đầu tư cho con trai vốn liếng làm ăn hay cho nhà, cho đất thì tâm lý chung vẫn muốn cả 2 gia đình cùng đóng góp. Nói cách khác, nếu một người phụ nữ có một gia đình mạnh về kinh tế, điều đó tương đương với việc có người hậu thuẫn đằng sau và chắc chắn mẹ chồng sẽ coi trọng cô con dâu cùng nhà thông gia ấy hơn.