Có 3 loại tâm thái, càng "rỗng" càng tốt
- Bác sĩ
- 15:10 - 18/05/2020
Có một câu chuyện nhỏ mang tính triết lý như sau:
Một cái ly, nếu trong ly có rót sữa, mọi người sẽ gọi nó là "một ly sữa", nếu trong ly rót nước trái cây, mọi người sẽ gọi nó là "một ly nước trái cây".
Ly nước đựng cái gì, sẽ có cái tên là vật đó. Chỉ khi ly nước rỗng, mọi người mới gọi tên nó về đúng nguyên trạng "một cái ly".
Đồng dạng, nếu nội tâm một người chứa đầy tài phú, định kiến, phiền não, con người sẽ không còn đơn thuần, thoải mái nữa. Chỉ khi sống với một trái tim trống rỗng, chúng ta mới có thể là chính mình.
Tôi đã từng đọc được một câu nói thế này trên mạng:
"Lúc con người mạnh mẽ nhất, không phải khi kiên cường, mà là khi buông bỏ."
Khi bạn chọn giơ đôi tay không có gì lên, còn ai có thể đoạt mất đồ trong tay bạn?
Chúng ta cần nên học cách loại bỏ kịp thời những phức tạp trong lòng, khiến tâm trở về số không, sau đó mỉm cười bước về phía trước.
Thể diện "rỗng", tâm hồn đầy
Thể diện, là thứ mà dù là người đời xưa hay hiện nay đều vô cùng để ý. Nhưng nếu chỉ vì bảo toàn thể diện mà lựa chọn đường cùng cho bản thân, vậy tuyệt đối không phải người có nội tâm mạnh mẽ thật sự.
Một tổng giám đốc công ty nọ đã lần lượt cử 3 giám đốc bộ phận đến thăm một người bạn tên M. của anh ta.
Sau khi nhận được lệnh, ba người họ liên tiếp làm theo lời hướng dẫn, đến đưa danh thiếp để thể hiện sự tôn trọng và thăm hỏi M.
Nhưng M. nghe xong lại xụ mặt đuổi bọn họ đi ngay. Hơn nữa, còn ném tất cả quà ra khỏi cửa.
Hai người trong số họ liền nghĩ: "Đây mà là bạn bè, rõ ràng hai người là kẻ thù thì có."
Bọn họ thất vọng và quay về kể rõ câu chuyện, nhưng ông chủ lại gật đầu mà không nói gì.
Mà người cuối cùng cũng gặp tình huống tương tự, nhưng không hề rời đi ngay, mà đứng ở ngoài cửa tiếp tục bày tỏ thành ý của mình, đồng thời khuyên người bạn kia:
"Bất luận giữa hai người từng xảy ra chuyện gì, tổng giám đốc phái tôi đến lần này, mục đích không phải vì muốn hàn gắn lại tình bạn của hai người hay sao?"
M. nghe xong càng tức giận, mắng một hồi, nhưng anh ta mắng đến đâu, vị cuối cùng kia lại xin lỗi và khuyên đến đó.
Nửa tiếng sau, M. cuối cùng cũng mở cửa. Anh ta không chỉ nhận quà, còn mời vị giám đốc bộ phận kia vào ăn tối. Hai người trò chuyện với nhau rất vui vẻ.
Chẳng bao lâu, vị giám đốc bộ phận đó được thăng chức lên làm phó tổng giám đốc.
Lúc này mọi người mới hiểu, hóa ra tổng giám đốc và người bạn M. kia đã thông đồng cùng diễn kịch với nhau từ trước.
Mà người có năng lực thực sự, thứ nghĩ đến là làm tốt công việc, lúc quan trọng có thể từ bỏ thể diện.
Thể diện không phải do người khác cho, mà thông qua thực lực bản thân giành được.
Quá khứ "rỗng", tương lai nhàn
Buông bỏ quá khứ không phải chuyện dễ dàng, đặc biệt là những chuyện gây tổn thương sâu sắc đến tâm và thân.
Bộ phim "Room" của Mỹ kể về một cô gái trẻ bị một người đàn ông hơn 40 tuổi bắt cóc từ năm 17 tuổi. Cô gái bị giam cầm trong một căn phòng ở sân sau và bị làm nhục tận 7 năm.
Trong sự tủi nhục, cô gái đã sinh hạ một bé trai.
Sau khi bé trai trải qua sinh nhật lần thứ 5, cô gái đã dàn dựng tình huống chết giả của cậu bé, dạy cậu trốn thoát để cầu cứu người qua đường. Cuối cùng hai mẹ con đã được giải cứu.
Cô gái mừng rỡ vì nghĩ sau khi trốn thoát, từ đây có thể sống cuộc đời hạnh phúc, không còn thống khổ nữa.
Nhưng sau khi về nhà, cô gái mới phát hiện cha mẹ đã ly dị được nhiều năm, hơn nữa mỗi người đều có gia đình riêng. Bởi vì mọi người đều nghĩ cô gái đã chết, nên ai nấy đều có cuộc sống an ổn của riêng mình.
Cô ấy cảm thấy bản thân trở về, lại thành một người thừa.
Cô trách cha mẹ vô tình, trách mẹ dạy cô ấy phải đối đãi lương thiện với người khác, nên kết quả mới bị người xấu hãm hại.
Ngày nào cô ấy cũng gặp ác mộng, dùng nước mắt rửa mặt, từng nhiều lần muốn tự tử để thoát khỏi bóng tối.
Cô ấy thoát khỏi căn phòng giam, nhưng không thoát khỏi ám ảnh bị tổn thương trong lòng.
Muốn buông bỏ, thật sự rất khó!
Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều phải gặp những tình huống tồi tệ tương tự: bị sa thải, hiểu lầm; bị phản bội, lừa gạt...
Tuy nhiên, nếu bạn cứ mãi không chịu hòa giải với quá khứ, bạn sẽ tiếp tục vướng vào bất hạnh, bởi vì bạn không thể thoát khỏi bóng tối nội tâm.
Cho dù quá khứ có khó khăn đến đâu, chúng ta cũng nên chấp nhận và đối mặt, bình tĩnh đặt nó xuống. Lựa chọn này không phải thỏa hiệp, mà là sự can đảm.
Tâm "rỗng", không khiến người ta sống giả, trái lại giúp họ dễ hòa nhập vào cuộc sống mới. Tâm có bình yên, tương lai mới có thể nắm bắt cuộc sống an nhàn.
Định kiến "rỗng", tâm trưởng thành
Trong bộ phim "Nhất đại tông sư" có một câu nói rất hay:
"Người sống đời này, nên bước ra ngoài nhìn thế giới, nhìn mọi người, và nhìn chính mình."
Bởi vì chỉ có ai chứng kiến sự rộng lớn của thế giới, mới không dễ bị mắc kẹt trong lối tư duy hạn hẹp và những định kiến cổ hủ.
Buông bỏ định kiến là một loại trưởng thành. Mà trong quá trình trưởng thành này, hãy dũng cảm tiếp nhận thử thách dù nó là đúng hay sai, luôn giữ vững tự tin cho chính mình.
Dù có sai cũng chẳng sao, ai trong đời mà không vừa phạm sai lầm, vừa rút ra kinh nghiệm trưởng thành từng ngày?
Trưởng thành rất đau đớn, giống như con nhộng biến thành bướm, đều phải trải qua nỗi đau cùng cực, mới có thể trở nên lộng lẫy trong đời.
Nhưng nếu không trải qua quá trình lột xác đau đớn đó, bạn làm sao có thể tự do tung bay khắp nơi, tự do ngắm nhìn vẻ đẹp bình phàm của cuộc sống?
Hãy phá bỏ định kiến, đem những tư duy đã cũ trong quá khứ trả về số không, sau đó bước ra ngoài, tìm kiếm chân trời thú vị hơn dành riêng cho chính bạn.
"Từ bỏ, là một lựa chọn của tâm thái; từ bỏ, là một loại kiến thức tâm hồn; từ bỏ, là một loại trí tuệ cuộc sống."
Buông bỏ áp lực, đạt được thoải mái; buông bỏ phiền não; đạt được vui vẻ; buông bỏ tự ti, đạt được tự tin; buông bỏ lười biếng, đạt được thành tựu.
Buông bỏ tiêu cực, đạt được năng lượng; buông bỏ báo oán, đạt được thư giãn; buông bỏ do dự, đạt được tự do.
Hãy buông bỏ thể diện, vì đôi lúc nó chỉ là sự tôn nghiêm giả dối. Thể diện thật sự, nên được biểu hiện từ nội hàm...