Chuyện xài tiền của Tây, ta và Việt kiều
- Y học 360
- 13:43 - 07/11/2016
Có lẽ, sự khác biệt ấy chủ yếu đến từ ý thức hệ. Tôi có nhiều bạn bè, đồng nghiệp là người Âu - Mỹ và rất ngưỡng mộ phong cách sống rõ ràng, tách bạch của họ. Họ thích tiêu tiền cho việc đi du lịch, vui chơi giải trí... nhưng không vì thế mà họ có thể vung vít tiền bạc một cách thiếu suy nghĩ hoặc cả nể trong vấn đề xã giao.
Trong nhóm bạn của chúng tôi có một cặp vợ chồng người Mỹ rất mê du lịch, thỉnh thoảng họ rủ rê cả nhóm tham gia những chuyến đi chơi cùng nhau. Tất nhiên, mỗi người tham gia phải tự chi trả chứ không có chuyện “bao” hay đùn đẩy trách nhiệm cho ai cả.
Mỗi người chúng tôi tự thấy như thế là cách chơi công bằng và văn minh cũng như giúp duy trì tình bạn lâu bền vì không ai mang suy nghĩ mình là kẻ bị lợi dụng. Có thể thỉnh thoảng một người trong nhóm có chuyện vui hay hứng chí muốn khao cả bọn thì sẽ chi trả toàn bộ còn bình thường thì mỗi thành viên vẫn tự nguyện đóng góp cho cuộc vui như một lẽ tất nhiên.
Khi tổ chức ăn uống hay vui chơi ở nhà một ai đó, chúng tôi cùng chia sẻ công việc chuẩn bị và dọn dẹp cùng nhau chứ không phải cứ đến làm khách rồi kéo nhau ra về, mặc cho chủ nhà thu dọn tàn tiệc.
Quan điểm cùng vui, cùng chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi đã ăn sâu vào tôi từ bé khi chứng kiến nhiều bất công xung quanh. Ở quê tôi, cứ mỗi khi nhà có giỗ hay đám tiệc là những người phụ nữ lại tất bật việc nấu nướng rồi sau đó là dọn dẹp lau chùi để trả lại một căn nhà sạch sẽ như cũ trong khi những người đàn ông chỉ việc ăn uống và nhậu nhẹt. Còn những người khách thì phần đông là đến góp mặt, rồi ăn uống và ra về.
Dù miền quê tôi giờ đã đổi mới rất nhiều nhưng những thói quen ấy vẫn hằn in không cách gì thay đổi được. Một người bạn nước ngoài kể với tôi rằng anh đã dự nhiều loại đám tiệc của người Việt và thấy thật bất công cho những người phụ nữ khi cứ lúi húi sửa soạn và dọn dẹp từ đầu đến cuối, trong khi cánh đàn ông thì chỉ việc ngồi “dzô... dzô...”.
Cũng anh bạn ấy nói với tôi rằng, có một vài người hay rủ rê anh đi cà phê hoặc dùng bữa, nhưng đến lúc tính tiền thì lại lơ đi, để cho anh trả tiền hoặc phớt lờ khi anh đề nghị chia sẻ việc chi trả. Họ vô tư cho rằng là người nước ngoài hoặc là Việt kiều thì có nhiều tiền nên phải nhận trách nhiệm chi trả.
Bản thân tôi cũng từng chứng kiến cảnh những người bà con xúm xít lại chờ một thân nhân là Việt kiều cho tiền khi về thăm quê, trong số họ có không ít người khá giả chứ chẳng hề khó khăn hay thiếu thốn gì.
Trong những lần đi chơi, ăn uống cùng nhau... đến lúc gọi tính tiền thì hầu hết đều im lặng, đẩy trách nhiệm về phía “Việt kiều”. Không biết từ khi nào, người ta có cái suy nghĩ “ở bên kia về là có nhiều tiền”, có thừa khả năng tài chính nên sẽ “trúng thầu” mọi gói chi trả!
Tôi biết một xóm lao động nghèo phất lên từ phong trào cho con đi lấy chồng ngoại quốc. Những gia đình có con gái lấy chồng càng khá giả thì càng hãnh diện. Họ gần như không lao động gì cả mà chỉ trông chờ vào khoản tiền từ các cô dâu xa xứ gửi về. Có lẽ sự vô tư ấy bắt nguồn từ suy nghĩ những tờ ngoại tệ có giá trị cao hơn tiền đồng trong nước mà quên mất rằng để kiếm được tiền thì ở đâu người ta cũng phải làm việc, phải đổ mồ hôi và công sức.
Nếu ai cũng hiểu được điều cơ bản là “không ai sinh ra để phục vụ cho ai” và chính sự lao động giúp con người ta “sống” chứ không chỉ là “tồn tại”... thì sự khác biệt, va chạm văn hóa có lẽ không quá lớn giữa những cộng đồng người.
Cũng như vậy, sự tự trọng trong vấn đề tiền bạc có khi mang lại cho một người nhiều hơn những gì họ bỏ ra bởi những thứ có khi ngỡ là được lại hóa ra là mất... và ngược lại.