Chuyện về một gia đình nông dân tình nguyện hiến hơn 16 lít máu
- Sức khỏe
- 02:58 - 21/04/2017
Gia đình anh Thuận và chị Hằng đã hiến máu tới 47 lần. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN).
Gia đình anh trở thành tấm gương tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp được Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam biểu dương trong công tác hiến máu và vận động mọi người xung quanh tham gia hiến máu cứu người.
Là một gia đình thuần nông, ngoài việc canh tác hơn 4.000m2 lúa, thuê đất trồng ớt, anh Thuận và chị Hằng còn chăm chỉ đi làm thuê để nuôi hai người con ăn học.
Anh Thuận kể, năm 2006, khi bố vợ của anh nằm tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, do gia cảnh nghèo, cha lại thiếu máu, ngân hàng máu cũng không còn, bố vợ của anh may mắn được một bác sỹ hiến tặng máu nên đã qua cơn nguy kịch.
Anh nói: "Mang trong lòng sự biết ơn và sự cảm kích đối với một tinh thần cứu người bằng chính những giọt máu hồng, từ lúc ấy tôi thấu hiểu, một giọt máu cho đi quan trọng như thế nào đối với người nhận được."
Năm 2010, khi phong trào hiến máu chưa lan rộng đến vùng sâu, vùng xa như ấp Bình Hòa, vợ chồng anh đã đi hiến máu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lấp Vò. Chị Hằng cho hay từ nhà đến bệnh viện huyện là con đường mòn dài hơn 9 km nhưng do gia cảnh nghèo nên khi trời nắng, hai vợ chồng chị đèo nhau bằng chiếc xe đạp, khi trời mưa, họ cuốc bộ đi hiến máu. Hiện nay, giao thông thuận tiện nên hành trình hiến máu cứu người của anh chị không còn vất vả như trước.
Không chỉ hiến máu, mỗi khi có đợt, anh chị còn là lực lượng dự bị sẵn sàng cho Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống của Bệnh viện Đa khoa huyện Lấp Vò.
Chị Hằng nói: "Chỉ cần có người cần đến nguồn máu, đặc biệt là những người gia cảnh quá nghèo lại rơi vào bệnh tình nguy kịch, không có tiền tiếp máu, gia đình tôi sẵn sàng cho."
Noi theo tấm gương của cha mẹ, hai em Nguyễn Thị Diễm Kiều (27 tuổi) và Nguyễn Tuấn Kiệt (24 tuổi) cũng đều đặn hiến máu mỗi khi có dịp. Đến nay, Diễm Kiều đã hiến máu 6 lần, Kiệt 7 lần, anh Thuận 16 lần và chị Hằng đã hiến máu 18 lần. Với mỗi lần hiến 350 ml, qua hơn 7 năm, số máu gia đình hiến tặng cho các đơn vị tiếp nhận là trên 16 lít.
Chị Nguyễn Thị Kim Loan, ngụ cùng ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh Trung cho biết lúc đầu chị sợ sau khi hiến máu về sẽ không đảm bảo sức khỏe làm việc, nhưng nghe chị Hằng vận động, chị Loan đã đi hiến máu. Tính đến nay, đây là trường hợp thứ 44 tại địa bàn được anh Thuận và chị Hằng vận động hiến máu tình nguyện, giúp ấp Bình Hòa hiến tặng gần 100 đơn vị máu mỗi năm.
Chị Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bình Thạnh Trung nhận xét, gia đình anh Thuận được xem là "cánh chim đầu đàn" trong các đợt hiến máu nhân đạo tại địa phương. Sự hăng hái, nhiệt tình của gia đình anh Thuận đã tạo sức lan tỏa về tấm gương người thật, việc thật trong phong trào toàn dân hiến máu tình nguyện. Vì thế, công tác tuyên truyền hiến máu nhân đạo của xã đến người dân rất dễ dàng. Hiện ấp Bình Hòa được xem là một địa chỉ đỏ khi nhắc đến phong trào hiến máu nhân đạo, bởi đa số người dân ở đây tham gia hiến máu.
Với những đóng góp tích cực trong nhiều năm liền, anh Thuận và chị Hằng đã nhận Bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp vì có thành tích trong hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện. Năm 2016, gia đình anh Thuận là gia đình duy nhất ở Đồng Tháp được nhận bằng Khen của Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam vì “Đã có thành tích xuất sắc trong hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện."
Ngoài ra , anh chị còn là những cá nhân tích cực trong các phong trào thiện nguyện ở địa phương. Hàng chục bao gạo mỗi năm cùng nhiều công trình dân sinh liên ấp, liên xã như cầu Sáu Đài, cầu Xáng Nhỏ, công trình tuyến đường nông thôn hơn 6 km tại ấp Bình Hòa.... với sự góp công, góp sức của gia đình người nông dân Thuận, Hằng đã mang lại niềm vui, những giá trị cuộc sống cho bà con nơi vùng đất vốn còn nhiều khó khăn.