Chuyện về “Hoa khôi truyền cảm hứng”
- Y học 360
- 13:15 - 28/01/2020
Chỉ cho phép buồn chứ không được gục ngã
"Chào mọi người, mình là Đặng Trần Thủy Tiên, sinh năm 2000, quê ở Hải Phòng và đang học Đại học Ngoại thương Hà Nội. Mình đã chiến đấu với căn bệnh ung thư vú được 4 tháng rồi", cô gái mở đầu trong phần thi chào hỏi tại cuộc thi "Duyên dáng Ngoại thương" được tổ chức tháng 10/2019. Thủy Tiên không né tránh khi nói về căn bệnh của mình. Cô chia sẻ: "Bản thân mình không cảm thấy ngại ngùng khi tham gia cuộc thi sắc đẹp. Trái lại, mình tự tin rằng vẻ đẹp, sự lạc quan của mình sẽ tạo nên sự khác biệt và truyền cảm hứng đến mọi người".
Từ bé, Thủy Tiên luôn nghĩ mình may mắn và hạnh phúc khi được sinh ra trong gia đình có đủ bố, mẹ, em trai. 12 năm đều là học sinh giỏi, thi đỗ vào Đại học Ngoại thương, cuộc sống cứ thế êm đềm cho đến một hôm vào đầu tháng 6/2019, Thủy Tiên phát hiện có cục hạch nhỏ bằng đầu ngón tay, cứng, di chuyển ở phần ngực. Em đi khám, bác sĩ kết luận là u xơ và chỉ định tiểu phẫu cắt u. Sau khi thực hiện cắt u, bác sĩ khuyên gửi hạch đi sinh thiết và khi nhận kết quả, em không thể tin vào sự thật: Em bị ung thư vú giai đoạn 2a - không sớm, không muộn nhưng không thể khẳng định có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Em nghĩ, ung thư đồng nghĩa với nhận án tử! Trời đất như sụp đổ, em đau đớn, phẫn uất. Tuy nhiên, với sự động viên của gia đình, thầy cô và bạn bè Thủy Tiên lấy lại tinh thần. Thủy Tiên chỉ cho phép mình buồn chứ không cho phép mình gục ngã và bắt đầu hành trình chữa trị. Đầu tiên là phẫu thuật cắt nửa bên ngực trái, khi mổ, bác sĩ phát hiện hạch đã di căn đến nách. Khác với những bệnh nhân ung thư khác, trước khi phải truyền hóa chất, Tiên chủ động cạo trọc đầu và bảo lưu kết quả học tập để tập trung chữa bệnh. Thủy Tiên cho biết: "Em rất tiếc mái tóc dài bởi em đã nuôi được 4 năm nhưng nay thì buộc phải cắt bỏ. Một lần đi du lịch, lần đầu tiên em để đầu trọc trước rất nhiều người và ai cũng nhìn. Lúc đó em không còn muốn che đậy sự thật".
Về sau, Thủy Tiên quen với diện mạo mới. Dần dần, cô gái thấy mình xinh và khác biệt hơn nên thường xuyên lưu lại hình ảnh với đầu trọc.
Ung thư không phải án tử
Sau khi truyền hóa chất, cơ thể Thủy Tiên gầy đi trông thấy, song cô không nản lòng. Các bác sĩ cho biết, phác đồ điều trị cho Thủy Tiên là truyền hóa trị trong vòng 1 năm và theo dõi tiến trình của bệnh 4 năm nữa. Cuộc sống của cô nữ sinh năm thứ nhất bị thay đổi hoàn toàn, trước có thể ngủ nướng cả ngày, thoải mái ăn uống với bạn bè vào những ngày cuối tuần. Nay thì thay vì nhớ lịch học, lịch thi như ngày trước, thời gian biểu của cô giờ xoay quanh việc tập thể dục, uống thuốc, đi hóa trị.
Hàng ngày, cứ 5 giờ sáng em dậy tập thể dục cùng bố mẹ. Từ bỏ những món ăn khoái khẩu là đồ chiên, rán mà chủ yếu ăn đồ luộc. Thủy Tiên cũng bắt đầu học đàn. Âm nhạc giúp em không còn nghĩ nhiều đến căn bệnh nữa, bớt u uất đi và thêm lạc quan. Mặc dù bệnh tật bủa vây nhưng cô nàng vẫn luôn yêu đời, lạc quan, truyền cảm hứng tích cực đến bạn bè, người thân.
"Bằng tâm thế tích cực của mình, cháu đã truyền cảm hứng và tinh thần lạc quan cho rất nhiều người, không chỉ những ai đang chiến đấu với căn bệnh ung thư trong xã hội ta", là lời khen, lời động viên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành cho Đặng Trần Thủy Tiên (19 tuổi, quê Hải "Bằng tâm thế tích cực của mình, cháu đã truyền cảm hứng và tinh thần lạc quan cho rất nhiều người, không chỉ những ai đang chiến đấu với căn bệnh ung thư trong xã hội ta", là lời khen, lời động viên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành cho Đặng Trần Thủy Tiên (19 tuổi, quê Hải Phòng).
Khi được hỏi động lực nào Tiên quyết định đăng ký tham gia cuộc thi "Duyên dáng Ngoại thương", cô gái cười tươi đáp: "Em tham gia vì muốn mình có thêm nhiều trải nghiệm, để sau này không còn phải nuối tiếc điều gì. Ngoài ra, em cũng muốn truyền cảm hứng đến mọi người, muốn mang đến thông điệp rằng ung thư không phải là dấu chấm hết".
Vòng chung kết "Duyên dáng Ngoại thương" diễn ra, trong phần thi trang phục dạ hội, Đặng Trần Thuỷ Tiên đã bước ra sân khấu với cái đầu trọc trong tiếng reo hò, cổ vũ của nhiều khán giả ngồi phía dưới. Hỏi lý do vì sao Tiên không đội tóc giả để phần thi được hấp dẫn, duyên dáng hơn thì Tiên đáp: "Em muốn là chính mình. Và em cũng không muốn giấu chuyện mình bị ung thư. Ung thư không có gì là xấu, nó chỉ là một thử thách trong cuộc đời mà em sẽ phải trải qua thôi". Dù không đạt giải cao nhất trong đêm chung kết nhưng Đặng Trần Thuỷ Tiên được trao danh hiệu "Hoa khôi truyền cảm hứng".
Lần đầu tiên trong lịch sử cuộc thi "Duyên dáng Ngoại thương", Ban tổ chức đã mở thêm giải phụ này để trao cho người xứng đáng.Thủy Tiên tâm sự: "Danh hiệu "Hoa khôi truyền cảm hứng" cũng chính là mong muốn mà Tiên muốn chuyển tới những người đồng bệnh. Em cảm thấy ung thư không còn đáng sợ nữa, mà thứ đáng sợ nhất chính là việc bản thân mình coi nó là dấu chấm hết. Ung thư dạy em trân trọng cuộc đời, vì em hiểu, cuộc đời này là hữu hạn. Thà sống trọn vẹn một ngày, một phút, một giây, còn hơn dai dẳng nhưng tâm hồn bị dằn vặt, đau khổ. Em của bây giờ chỉ có một ước nguyện duy nhất, là sức khỏe".
Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Ngoại thương Doãn Trà My chia sẻ, ngay từ những vòng đầu, Ban tổ chức đã chú ý đến Tiên, không phải vì căn bệnh mà Tiên đang mang, mà bằng vẻ xinh xắn, nụ cười, sự khác biệt của Tiên qua từng vòng thi. Dù đang điều trị bệnh nhưng Tiên rất hay cười, nụ cười rất xinh, tự tin và sáng. Chủ đề cuộc thi năm nay là "Tôi khác biệt", đúng là Tiên khác biệt một cách đáng trân trọng.Câu chuyện Thủy Tiên kiên cường chống lại căn bệnh ung thư vú đã chạm tới trái tim của nhiều người. Sự mạnh mẽ, lạc quan của cô là nguồn động lực cho cả những người bị bệnh lẫn những người khỏe mạnh. Thủy Tiên luôn tin rằng, tóc và lông mày rụng hết rồi sẽ mọc lại, vết sẹo trên người cô rồi cũng sẽ được chữa lành. Sợ hãi cũng không có ích gì. Điều duy nhất có ý nghĩa là kiên trì. Tiên chính là tấm gương truyền cảm hứng về ý chí vươn lên cho các bạn trẻ cũng như nhiều người bệnh luôn tự tin để vượt qua chính mình.