Chuyện về cặp vợ chồng "vác tù và hàng tổng", gửi con mắc bệnh hiểm nghèo đi... nhặt rác
- Bác sĩ
- 04:05 - 17/06/2020
Cứ cuối tuần, người dân trên địa bàn thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) lại bắt gặp hình ảnh quen thuộc của cặp vợ chồng chị Nguyễn Thị Mai (33 tuổi, trú xóm 10, xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai) khom lưng nhặt rác dọc con đường làng, ngõ hẽm, bụi cây, kênh mương đến những bãi biển đông người.
Chị Mai kể, vợ chồng chị sinh được 3 người con thì cháu thứ 2 là Hồ Phi Quang (6 tuổi) không may gánh chịu bất hạnh khi mắc phải căn bệnh "ly thượng bì bóng nước bẩm sinh". Chị Mai cũng vì chăm sóc đàn con nhỏ, bệnh tật nên không làm gì kiếm thu nhập. Kinh tế của cả gia đình trông chờ hoàn toàn vào nghề lái máy xúc của người chồng là anh Hồ Phi Quyết (37 tuổi).
Dù cuộc sống khó khăn nhưng hàng ngày phải tận mắt chứng kiến rác thải ngập ngụa khắp các đường làng, ngõ hẽm, môi trường bị ô nhiễm, chị Mai và chồng lại bàn nhau tranh thủ thời gian đi nhặt rác.
Cũng từ đó, cuối tuần thay vì nghỉ ngơi, chăm sóc con cái, vui vầy bên gia đình, vợ chồng chị Mai lại gửi con nhờ ông bà ngoại chăm sóc để vác bao tải, đeo găng tay đi nhặt rác.
"Thời gian đầu vợ chồng tôi nhặt rác quanh các ngõ hẽm gần nhà rồi xa dần, xa dần sang các xóm khác. Rác nhiều nên bao tải chẳng mấy chốc đã đầy ắp.
Việc làm không giống ai của vợ chồng tôi thời gian đầu bị không ít dị nghị, dèm pha. Nhiều người nói chúng tôi bao đồng. Không lo kiếm tiền chữa bệnh cho con lại đi nhặt rác, chẳng ai cho đồng nào. Rác cũng chẳng đổi ra tiền. Thế nhưng, vợ chồng tôi động viên nhau bỏ ngoài tai tất cả để vượt qua. Cứ đoạn đường nào đi qua trở nên sạch đẹp là chúng tôi vui và có thêm động lực cho lần nhặt rác sắp tới", chị Mai chia sẻ.
Một buổi nhặt rác dưới chân cầu của chị Mai cùng các em tình nguyện.
Và cứ thế, vợ chồng chị Mai gắn bó với việc nhặt rác đã hơn 2 năm. Dần dần, nhiều người hiểu ra ý nghĩa việc làm của họ nên ủng hộ, tham gia cùng. Chỉ sau một thời gian, số người tham gia nhặt rác cũng nhân lên từ 2 người lên đến hàng chục người. Ngoài vợ chồng anh Quyết còn có thêm bà con lối xóm, các em học sinh cấp 2, cấp 3 cùng thầy cô giáo, các nhóm thiện nguyện, đoàn thanh niên của các xã... cũng hưởng ứng tham gia.
"Như một thói quen, cứ đi làm về, tôi lại để mắt xem địa điểm nào có nhiều rác thải để cuối tuần 2 vợ chồng xách bao tải đến đó nhặt. Rất vui là càng ngày lại có nhiều thành viên hưởng ứng cùng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xả rác của mọi người hơn", anh Quyết vui vẻ chia sẻ.
Công việc nhặt rác lúc đầu chỉ xoay quanh địa phương rồi lan dần ra các xã, phường, dọc đường quốc lộ, kênh mương, bãi biễn... không chỉ trên địa bàn thị xã Hoàng Mai mà cả các xã lân cận của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Rác thải sau khi gom được bỏ vào bao tải, cột lại gọn gàng rồi tập kết đến một điểm thu gom rác của công ty môi trường hôm sau đến nhận. Những nơi nhóm nhặt rác đi qua, đoạn đường đó trở nên sạch đẹp.
Nhận thấy có nhiều nơi sau khi dọn xong chỉ một vài ngày lại ngập rác thải, vợ chồng chị Mai đăng tin lên mạng xã hội kêu gọi kinh phí làm biển báo với thông điệp "Hãy yêu môi trường sống của bạn, đừng xả rác" đặt những nơi cần thiết để nhắc nhở mọi người bỏ rác đúng nơi quy định để bảo vệ môi trường. Lời kêu gọi của họ được cộng đồng mạng hưởng ứng mạnh mẽ.
Ngoài ra vợ chồng chị Mai còn đặt một số áo in dòng chữ với thông điệp: "Người Việt Nam không xả rác" nhằm lan tỏa ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường sống hơn.
Việc "bao đồng" không chỉ giúp vợ chồng chị Mai thấy sống ý nghĩa từng ngày mà còn đã góp phần thay đổi diện mạo của một vùng quê, tạo nên một môi trường sạch đẹp. Đó cũng là thông điệp nhắn gửi cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường sống trong lành.