Chuyện tình yêu trong các thành phố bị phong tỏa vì Covid-19: Những con người phải "yêu xa" dù chỉ cách nhau vài con đường
- Y học 360
- 15:05 - 01/04/2020
Ansell và Bryan sống tại Wellingon - thành phố cảng của New Zealand. Trong vòng ít nhất là 4 tuần tới, họ sẽ chẳng thể gặp nhau, bởi Wellington bắt đầu thi hành lệnh phong tỏa theo yêu cầu của chính phủ, nhằm ngăn cản sự lây lan của dịch Covid-19.
"Ban đầu, chúng tôi không thực sự hiểu về quy định mới, vẫn nghĩ kiểu mọi thứ sẽ ổn thôi, chúng tôi vẫn gặp được nhau 1 - 2 lần mỗi tuần," - cô gái 25 tuổi chia sẻ. Cô và bạn trai đã ở bên nhau suốt 5 năm qua, và đây là lần đầu tiên họ rơi vào cảnh phải chia cách. "Thế rồi chúng tôi nhận ra mọi chuyện không tốt như đã tưởng."
Bryan đã rủ cô thi hành lệnh phong tỏa trong căn hộ của anh, nhưng một người bạn cùng nhà trước đó đã rủ bạn gái đến ở rồi. Bên cạnh đó, Ansell chỉ muốn ở nhà của mình, mà nó thì hơi nhỏ để Bryan có thể dọn đến sống cùng. Rốt cục, họ phải tạm cách xa, trong ít nhất 1 tháng tới.
Để khuây khỏa, cặp đôi quyết định sẽ "hẹn hò" bằng mạng ảo. Trước đây thì mỗi sáng, chàng nhắn cho nàng những lời ngọt ngào, đến tối nàng gửi chàng lời chúc ngủ ngon. Còn giờ, đó là những tin nhắn rả rích cả ngày, và thay vì gặp gỡ, họ cùng nhau xem phim qua mạng.
Thực sự là khao khát để gặp gỡ, nhưng rồi lại thất vọng, kiểu chúng tôi rõ ràng có thể chạy đến và ôm chầm lấy, nhưng thực ra là không thể
Henny Ansell
Tình cảnh của Ansell và Bryan không hề cá biệt. Với việc nhiều quốc gia thi hành lệnh phong tỏa các thành phố để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, nhiều cặp đôi trên thế giới cũng đang rơi vào cảnh tương tự. Một số giống như Ansell, chọn cách tạm xa nhau. Nhưng cũng có nhiều cặp đôi biến dịch bệnh thành cơ hội đưa họ gần gũi nhau hơn.
Henny Ansell và bạn trai cô - Michael Bryan sẽ phải "yêu xa" trong 1 tháng tới, dù cả hai cùng sống ở một thành phố
"Các cặp đôi sẽ đối phó thế nào với lệnh phong tỏa?" - thắc mắc tưởng vô thưởng vô phạt, nhưng hóa ra lại là câu hỏi đang được giới chuyên gia đánh giá một cách nghiêm túc, thậm chí được đưa ra trong một cuộc họp báo tại Anh bởi phó giám đốc y tế Jenny Harries.
"Tôi sẽ tiến hành một chương mới trong sự nghiệm về các mối quan hệ, nên tôi sẽ làm việc thật cẩn thận để tìm ra câu trả lời," - Harries cho biết.
Rất gần, rất xa
Rời khỏi Wellington, phía bên kia bán cầu tại một thành phố của Anh Quốc, chàng trai 21 tuổi James Marsh đã dự tính cùng bạn gái Kiera Leaper tổ chức kỷ niệm 1 năm yêu nhau hôm 23/3. Nhưng dự định đã không thành, bởi nước Anh trước đó đã thi hành lệnh phong tỏa toàn quốc.
Marsh cùng Leaper, cả hai là sinh viên của ĐH Leeds, và cũng phần nào đoán trước được sự việc. Khi cảm thấy đất nước sắp ban hành lệnh phong tỏa, cặp đôi quyết định gặp nhau lần cuối, trước khi Marsh trở về quê nhà ở phía bên kia đất nước. Lệnh phong tỏa dự tính sẽ kéo dài ít nhất 3 tuần.
"Chúng tôi thường gặp nhau mỗi ngày, ở bên nhau mỗi tối," - Marsh cho biết. "Sự thay đổi này thực sự là quá lớn."
Đây là quãng thời gian lớn nhất chúng tôi không thể ở bên nhau, kể từ khi bắt đầu mối quan hệ này.
James Marsh
Ở thời điểm hiện tại, cặp đôi mỗi ngày đều gọi FaceTime, đồng thời lập ra nhóm chat với một nhóm bạn. Họ cố giữ cho bản thân bận rộn, bằng việc hoàn thiện nốt các dự án cá nhân hoặc làm bài tập ở trường.
James Marsh và bạn gái
Nhưng vẫn còn đó những trở ngại đáng buồn. Marsh và nhiều người bạn khác đang là sinh viên năm cuối, và họ đang rất buồn vì không thể tổ chức lễ chia tay cùng nhau. "Ký ức năm cuối trước khi ra trường của chúng tôi có lẽ chỉ là virus corona thôi," - anh chia sẻ.
Và dĩ nhiên, dù công nghệ đã giúp Marsh cùng bạn gái duy trì liên lạc, nó vẫn chẳng thể so sánh được với việc trực tiếp gặp nhau. Dẫu vậy, Marsh đang cố gắng suy nghĩ một cách tích cực, rằng quãng thời gian này sẽ giúp mối quan hệ của cả hai lớn mạnh hơn.
"Tôi nghĩ việc phải giải quyết những sự việc như vậy là rất cần thiết. Chúng ta không thể kỳ vọng lúc nào cũng có thể ở cạnh nhau, nhất là trong một mối quan hệ lâu dài."
"Sau này, sẽ có lúc bạn phải đi công tác xa, hoặc gặp những việc yêu cầu như vậy."
Những mối tình vụng trộm
Hemangay - một sinh viên ĐH Delhi (Ấn Độ) đã chẳng được nghe giọng bạn trai mình suốt 1 tuần.
Cậu sinh viên 19 tuổi là người thuộc giới LGBT, từ chối sử dụng tên thật, vì chưa "come out" cho bố mẹ. Hiện tại, Hemangay đang sống cùng gia đình tại New Delhi. Vài tháng qua, cậu bắt đầu hẹn hò với một anh chàng hơn tuổi - dĩ nhiên là trong bí mật.
Ngày 24/3, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo đất nước 1,3 tỉ dân sẽ bị phong tỏa trong 21 ngày kế tiếp. Mệnh lệnh được thi hành một cách cực kỳ nghiêm khác - không ai được phép ra ngoài nếu không có lý do thực sự thiết yếu! Phương tiện công cộng đóng cửa hoàn toàn. Và dĩ nhiên, Hemangay cũng chẳng thể đến gặp bạn trai, dù nhà cậu ta cũng nằm trong thành phố Delhi mà thôi.
Và bởi không thể ra ngoài, Hemangay cũng không thể gọi điện cho bạn trai. Cậu không thể gọi trong nhà, bởi không muốn cha mẹ phát hiện ra mối quan hệ của mình.
"Tôi vẫn còn đi học, chưa độc lập tài chính để có thể ra ngoài sống tự lập," - cậu cho biết. "Nếu tự lập được, có lẽ tôi thử thú nhận xem sao."
"Vì chưa come out với gia đình, tôi không thể thoải mái gọi điện, trò chuyện với anh ấy. Thực sự rất khó để chúng tôi liên lạc với nhau."
Vì vậy trong vài tuần kế, cách duy nhất để liên lạc cùng nhau là qua ứng dụng nhắn tin. Nó rất khác so với cuộc sống thường nhật của họ, khi cả hai có thể thoải mái hẹn hò trên giảng đường. Còn giờ, Hemangay cho biết lần gần nhất được gặp bạn trai là cách đây 2 tuần, trước lệnh phong tỏa, và họ cũng chẳng ngờ lệnh này lại được thi hành.
"Điều tệ nhất là, tôi đã không biết đó là lần cuối cùng gặp nhau."
Hemangay đang chờ đợi lệnh phong tỏa chấm dứt trong mỏi mòn, mà chẳng cách gì đẩy nhanh được. "Tôi chưa bao giờ cảm thấy vô vọng như vậy," - cậu chia sẻ.
Những kế hoạch dang dở
Tháng 4 tới đáng ra là thời điểm đẹp nhất với Isobel Ewing. Người phụ nữ 30 tuổi ấy là một phóng viên, đã chuyển tới Budapest (Hungary) từ giữa tháng 1. Cô mong ngóng đến tháng 4, bởi đó là thời gian cô được gặp lại bạn trai - Sam Smoothy - sau 2 năm xa cách.
Là một vận động viên trượt tuyết chuyên nghiệp, Smoothy đã phải đến Bắc Mỹ nhiều tháng qua, và dự định sẽ đến Hungary với cô trong tháng 4. Nhưng kế hoạch ấy đã tan thành mây khói, vì sự xuất hiện của virus corona.
Ngày 11/3, tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành lệnh cấm các chuyến bay từ châu Âu, cặp đôi lo sợ Smoothy sẽ bị kẹt lại Mỹ. Và nỗi sợ đã thành thật, bởi chỉ vài ngày sau, Hungary tuyên bố đóng cửa biên giới, ngưng nhập cảnh với người nước ngoài.
Nghĩa là Smoothy không thể đến Hungary được nữa. Thay vào đó, anh bị buộc phai quay về New Zealand, và kế hoạch của cả hai bị hủy bỏ. Hiện tại, Smoothy đã trở về nước và phải chấp hành lệnh tự cách ly tại gia. Ewing vẫn tiếp tục công việc tại Budapest, dưới những ngọn đồi và bên hông dòng sông Danube. Họ cũng chẳng thể biết, lần kế tiếp được gặp nhau là khi nào.
Isobel Ewing cùng bạn trai khi ở bên nhau
"Yêu xa, bạn sẽ quen với việc không được ở bên nhau. Nhưng điều quan trọng là cần có một khoảng thời gian ở bên nhau mà cả hai đều hướng tới, và giờ thì nó bị tước đi rồi. Tôi vẫn đang cố gắng vượt qua cú sốc này." - Ewing chia sẻ.
Và những dự định chóng vánh
3 năm qua, Anika - 32 tuổi đã mong muốn có một đám cưới. Nhưng nhiều sự cố xảy ra, khiến mong mỏi của cô mãi không thực hiện được.
Nhưng rốt cục, cặp đôi từ New Delhi (Ấn Độ) cũng đã biến hôn lễ thành sự thật. Cặp đôi sẽ đăng ký kết hôn vào ngày 20/3, lên kế hoạch tổ chức tiệc vào 10/4 với khoảng 400 khách mới, rồi cử hành hôn lễ vào 12/4.
Đấy là kế hoạch thôi. Covid-19 đến, và mọi thứ lại thay đổi.
Khi chính phủ Ấn Độ ban hành các biện pháp siết chặt - bao gồm việc ngưng cấp visa du lịch, cặp đôi bắt đầu cảm thấy lo lắng. Anika (tên đã được thay đổi), quyết định nghĩ đến kế hoạch dự phòng.
Chúng tôi không muốn trì hoãn nữa. Nếu lại có vấn đề gì thì sao? Và nếu chẳng có gì thay đổi? Chúng tôi muốn chung sống lắm rồi, không muốn chờ đợi thêm nữa.
Anika
Tình hình ngày càng biến động, cũng là lúc kế hoạch cho đám cưới thay đổi. Rốt cục, họ quyết định cử hành hôn lễ vào ngày 20/3 - một buổi lễ nhỏ thôi, sau khi có lệnh chấp thuận của tòa án.
"Đó là một tuần lễ khá buồn," - cô cho biết, đồng thời chia sẻ họ phải bỏ bớt khách để giữ số người dự dưới 30, nhằm đảm bảo quy tắc "hạn chế tiếp xúc xã hội". "Chúng tôi phải gửi lời xin lỗi đến họ sau đó."
May mắn thay, đó là một lễ cưới ngọt ngào, ấm cúng trong mắt của Anika. Để chung tay cùng đất nước chống lại khủng hoảng, cặp đôi cập nhật hình ảnh lễ cưới lên mạng xã hội với dòng hashtag #loveinthetimeofcorona (tạm dịch: Tình yêu thời dịch bệnh), đồng thời liên tục tiến hành khử trùng trong không gian lễ cưới.
"Đôi khi, đó là định mệnh. Ở thời điểm này thì đúng là căng thẳng và thất vọng. Nhưng khi hồi tưởng lại, tôi thấy nó thật hoàn hảo" - Anika chia sẻ.
Dẫu cho đó không phải là đám cưới cô hằng mơ ước, Anika và chồng không muốn trì hoãn thêm nữa. Văn hóa Ấn Độ vốn không chấp nhận các cặp đôi chung sống trước hôn nhân. Còn giờ, họ thoải mái đến với nhau, vượt qua giai đoạn phong tỏa.
"Chúng tôi đã ở bên nhau trong thời gian dài, và đã lên kế hoạch làm đám cưới lâu rồi. Chúng tôi không muốn trì hoãn thêm. Nếu lại có gì xảy ra thì sao? Chúng tôi không muốn chờ nữa."
Tham khảo: CNN