Chuyện ở nhà bận rộn của cô vợ có chồng làm đầu bếp: Bữa sáng được phục vụ tận giường lại còn bày trò hay ho cho cả gia đình
- Bác sĩ
- 21:30 - 13/04/2020
Những chuyện tình bắt đầu từ giảng đường đại học có những sự thu hút rất riêng. Thế mới biết, khi đi học, ai mà ngờ được người bạn nào đó lại là chồng mình sau này.
Kiều Loan chia sẻ về câu chuyện gia đình với người chồng đầu bếp trong một group kín. Bài viết thu về 18 nghìn like và sự yêu thích lớn của cộng đồng mạng. Câu chuyện tình yêu với người chồng đầu bếp có gì thu hút đến thế nhỉ?
Chàng dùng "kế" cưa đổ cô gái Việt Nam
Kiều Loan năm nay 30 tuổi, cô lấy chồng được 6 năm và có một con gái 3 tuổi. Chồng Loan là Steve Kaczerski người Mỹ. Cả hai hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội trong lĩnh vực ẩm thực. Loan gặp chồng khi vẫn đang học ở trường đại học bang Pennsylvania (Mỹ).
Loan nhớ lại: "Cả hai cùng lựa chọn chuyên ngành Quản trị khách sạn nhà hàng (Hospitality Management) với trọng tâm là mảng Ẩm thực Food & Beverage. Chúng mình học cùng rất nhiều lớp, được chia nhóm làm nhiều bài tập và dự án cùng nhau.
Ngành này vốn không nhiều học sinh quốc tế nói chung và châu Á nói riêng nên mình cũng khá nổi bật, anh ấy để ý đến mình trước. Mình lại còn là kiểu học sinh châu Á điển hình, lúc nào cũng đi học và ghi chép đầy đủ nữa nên anh hay có cớ để nhắn tin hỏi bài vở hoặc xin học nhóm cùng trước khi thi.
Sau này anh bảo đấy là chiến thuật của để tiếp cận mình từ đầu, nhưng mình không tin lắm. Tại anh lười học nên bám vào mình để cải thiện điểm số thì có".
Dần dần, từ những hảo cảm ban đầu đã khiến cả hai nảy sinh tình cảm và trở thành người yêu. Yêu nhau từ những năm tháng trẻ tuổi lại bên nhau khá nhiều năm nên Loan cho biết cả hai bị ảnh hưởng bởi nhau rất nhiều, có nhiều điểm chung về tính cách và quan niệm sống.
Cô tâm sự: "Mình có cảm giác như cả hai tách khỏi nhau ra thì mình không còn là một nửa cũ nữa. Khi mình quyết định về nước, anh ấy đã đi theo luôn rồi cầu hôn ở đây và chọn sống tại Việt Nam".
Steve có quá nhiều điểm khiến Loan yêu mến. Ngay từ những năm tháng sinh viên, họ cùng chia sẻ đam mê về ẩm thực. Steve chăm chỉ, tự hào vì bạn gái trân trọng đồ ăn. Họ cùng nhau trải nghiệm ẩm thực của nhiều nơi khác nhau như Mỹ, Pháp, Ý, Nhật, Hàn… hay ít phổ biến như Hy Lạp. Mexico, Pakistan…
"Mọi người thường hỏi sao mình tìm được người như anh ấy nhưng anh cũng thường bảo tìm được người như mình chẳng dễ dàng gì", Loan hài hước.
Nhiều cặp đôi khi yêu nhau sẽ hỏi chuyện về cuộc sống thường ngày như chuyện học, chuyện chơi… Nhưng với Steve, anh chỉ quan tâm đến việc bạn gái đã ăn cơm chưa.
Loan kể: "Anh suốt ngày nhắn tin: 'Em có đói không' làm mình buồn cười lắm. Lần đầu đến nhà, anh cũng hỏi câu đó, mình lỡ gật đầu. Anh vào bếp hì hục cả tiếng rồi bưng ra đĩa mì xào kiểu châu Á làm mình cảm động lắm. Không những nấu cho mình ăn mà anh còn nấu món mà anh nghĩ mình thích. Lúc ấy mình nghĩ bụng sau này phải lấy người như anh làm chồng".
Yêu nhau một thời gian, Loan được dẫn về ra mắt nhà chồng nhân đợt nghỉ Lễ Tạ ơn. Tại đây, cô cũng làm một chuyện khiến cả nhà Steve phải bật cười.
"Lễ Tạ ơn là một ngày khá giống Tết ở Việt Nam, đại gia đình sum họp, quây quần quanh bàn tiệc rất nhiều đồ ăn. 'Ngôi sao' trên bàn tiệc là con gà Tây tầm 15kg rất to. Mình lịch sự bảo mọi người: 'Cho cháu ăn cái đùi nhé' rồi trước ánh mắt ngỡ ngàng của cả nhà, mình - một đứa con gái châu Á bé xíu ăn hết nguyên cái đùi gà vài kg. Lúc đó cả nhà cười phá lên bảo anh ấy: 'Sau này phải lấy cô này làm vợ nhé'", Loan bật cười nhớ lại.
Gia đình Loan khi biết con gái có bạn trai và muốn cưới chồng ngoại quốc thì cũng chẳng mấy hào hứng. Tuy nhiên, sau khi nhìn thấy quyết tâm của Steve, họ đã thay đổi tất cả.
Loan kể: "Khi anh ấy về Việt Nam đã nói chuyện nghiêm túc về tương lai với bố và xin phép bố mình cho lấy mình làm vợ. Bố mẹ cũng không phản đối anh nữa, chấp thuận rồi.
Bây giờ, sau 10 năm yêu nhau và 6 năm làm vợ chồng, vẫn còn khác biệt văn hóa rất nhiều nhưng gia đình hai bên vẫn luôn ủng hộ cho cuộc hôn nhân này".
15 ngày giãn cách xã hội "may mắn"
Thời gian này, vì dịch bệnh nên mọi người dân đều thực hiện giãn cách xã hội. Hầu như ai cũng ở nhà, các quán hàng đều đóng cửa. Loan và Steve kinh doanh nhà hàng ăn uống cũng không tránh khỏi những thay đổi đó. Tuy nhiên, Loan vẫn nói rằng "Steve là lựa chọn tốt nhất để ở nhà cùng".
Nói về điều này, cô giải thích: "Mình cảm thấy may mắn vì những ngày khó khăn này được ở nhà với một người chăm chỉ vào bếp, lại còn là đầu bếp nữa. Quả thật trong giờ phút này, dù có đại gia hay người giàu có cũng đâu giúp ích được nhiều.
Các quán hàng đóng cửa cả, ở nhà có chồng sẵn sàng nấu cho mẹ con mình ăn, lại ăn ngon thì thật sự quá tuyệt. Không có anh thì mình lại giống nhiều người khác, tự vào bếp nhưng bây giờ mình chỉ cần hưởng thụ, thích hơn nhiều chứ".
Bình thường, vợ chồng Loan đều bận rộn nên chuyện chơi với con cũng phải chia ca kíp. Vì đợt giãn cách xã hội, gia đình cô có một dịp hiếm hoi được quấn quýt bên nhau.
Loan chia sẻ: "Đây như một dịp 'ngàn năm có một' vậy, mọi người bên nhau cả ngày. Con gái còn nhỏ nên hai vợ chồng cùng con cứ chơi đuổi bắt, trốn tìm, hò hét, múa hát… mệt lại cùng nhau chơi đồ hàng, đất nặn.
Một hoạt động nữa đó là nấu nướng. Câu hỏi lớn nhất trong ngày là hôm nay ăn gì, mai ăn gì. Cả hai vợ chồng cùng lên ý tưởng rồi thực hiện".
Cũng là nấu ăn nhưng nghỉ vì dịch, Steve lại "bày vẽ" nhiều hơn so với thời gian bận rộn công việc trước đó.
"Thay vì ăn uống nấu nướng trong bếp, anh ấy có thể di chuyển ra ban công, hôm thì nướng thịt, nướng hải sản, làm bít tết. Vì là người Mỹ nên anh có đam mê bất tận với nướng BBQ ngoài trời. Anh còn dựng lều để mình và con chơi trong đấy chờ đồ ăn sẵn sàng nữa, rất chu đáo", Loan kể.
Những hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội của nhà Loan.
Bình thường, chẳng phải lúc nào Steve cũng làm cơm nhà vì công việc bận rộn và giờ giấc làm việc cũng lộn xộn. Loan vẫn thường xuyên vào bếp nấu bữa cơm gia đình. Tuy vậy, cô rất trân trọng sự chăm chỉ cũng như cách chồng giúp đỡ trong việc nhà.
"Không cần là đầu bếp mà chỉ cần chồng chăm chỉ vào bếp đã là hạnh phúc rồi. Ở nhà với con nhỏ, bày đủ trò tiêu khiển cho con rồi lẽo đẽo theo con cả ngày để dọn đã rất hao sức. Khi bạn có người san sẻ việc nấu nướng, có nghĩa đã san sẻ gánh nặng muôn phần.
Mình thích quan điểm bình đẳng trong gia đình này, việc nhà không là của riêng ai, vợ chồng phải chia sẻ công việc với nhau, cả hai phải cùng dọn dẹp, cùng giặt giũ, cùng trông con, cùng nấu nướng. Có như vậy cuộc sống gia đình mới bền vững được", Loan bày tỏ quan điểm.
Ở bên một người chồng tuyệt vời thì giãn cách xã hội cũng chẳng hề buồn chán đúng không nào!