Chuyện những người cứu hộ, cứu nạn trên đại dương
- Y học 360
- 21:38 - 10/10/2015
Những cảm giác không bao giờ muốn quen
Dáng người nhỏ, chắc khỏe, chất giọng Quảng Bình nằng nặng và đã có hơn 10 năm làm việc trên tàu SAR 413, thuyền viên Võ Quyết Thắng bảo, làm nghề này nếu không có tình thương của người với người thì không bao giờ theo được. Thử thách lớn nhất là lần đầu tiên trực tiếp chạm tay vào tử thi, nhất là những tử thi không còn nguyên vẹn, đã bị phân hủy dị dạng. Thường thì đến ngày thứ 3, thi thể của những nạn nhân chết đuối mới bắt đầu nổi, cũng là lúc bắt đầu phân hủy, dù có đeo 5,6 chiếc khẩu trang chồng lên nhau cũng khó mà át được mùi tử thi. Anh Thắng tâm sự: “Nói thật, cho đến giờ tôi không bao giờ quên được cảm giác lần đầu sờ vào nạn nhân. Sóng đánh cả người sống và người chết cứ dạt vào rồi lại tuột ra, chạm được tử thi rồi nếu không khéo, không nhẹ tay thì từng bộ phận của tử thi có thể bị rã ra. Nên cứ phải lựa theo từng cơn sóng để mong sao giữ và đưa lên tàu được nguyên vẹn. Sau lần đầu ấy, cứ đến bữa, ngồi vào mâm với vợ con là cảm giác rất khó tả lại ùa về, đành phải mang rượu ra uống, trong vòng gần tháng trời mới hết được cảm giác đó. Vợ con lo lắm, chỉ sợ tôi bị nghiện rượu”. Nói thế thôi nhưng mỗi khi nhận lệnh, anh Thắng cùng đồng đội lại sẵn sàng đối mặt với những cơn sóng hung tợn ngoài biển khơi, phải căng mắt đêm ngày tìm bằng được, bằng hết nạn nhân trong điều kiện có thể, dù còn sống hay đã chết, mới yên tâm vào bờ. “Chúng tôi không có khái niệm có ngày nghỉ lễ, kể cả ngày Tết. Xe máy về nhà lúc nào cũng để sẵn tư thế quay đầu ra ngoài cửa, hễ nhận lệnh dù bất cứ lúc nào, trong lúc tôi thay đồ, thì vợ đã mở cửa sẵn và cứ thế lao về cầu cảng của đơn vị. Làm vợ của những người như tôi thiệt thòi nhiều lắm nhưng chúng tôi cũng là những người hạnh phúc vì có người bạn đời hiểu và yêu thương mình”.
Thuyền trưởng Đinh Xuân Trường và Thuyền phó 3 Nguyễn Hùng Xuân đang dõi mắt về phía biển.
Một lần trong chuyến cứu nạn ở vùng biển Cà Mau, khi cứu được các ngư dân thoát khỏi tử thần, họ quỳ xuống lạy sống:“Chúc các anh sống lâu trăm tuổi”. Bất giác, nước mắt, mồ hôi quyện trong nước biển mặn chát, cảm giác đó khiến anh Thắng và đồng đội không bao giờ quên.
“Hạnh phúc lắm, nếu cứu được bất cứ ai còn sống đưa họ về. Còn người kém may mắn, chúng tôi cũng không nỡ để xây xát, vì nghĩ đến gia đình họ đang ngóng từng giây và mong đón được thi thể của người thân, bởi không có nỗi đau nào lớn hơn việc mất đi người thân mà đó lại là thi thể không còn nguyên vẹn”. Và chính anh là người nghĩ ra sáng kiến làm ra sào cáp. Với chiếc sào này, thuyền viên của tàu SAR 413 dễ dàng tiếp cận, giữ và mang được tử thi lên tàu nhanh hơn, đặc biệt là giữ được tử thi còn nguyên vẹn.
Kể lại kỷ niệm khó quên nhất của mình, Thuyền phó 3 Nguyễn Hùng Xuân nhớ lại, năm 2006, khi cùng anh em đi cứu tàu cá Phú Yên. Nạn nhân bị cuốn chặt vào lưới, mọi hành động ở trên tàu đã khó gấp 5 lần trên mặt đất, dưới nước trong những cơn sóng lớn, khó khăn còn gấp 10 lần nữa. Phải hơn 1 tiếng đồng hồ, anh và đồng đội mới tiếp cận được thi thể của thuyền viên bị nạn và đưa lên tàu khâm liệm. Đó cũng là lần đầu tiên anh chạm tay vào tử thi sau 5 ngày gặp nạn. Theo anh, đó là cảm giác khó tả và cũng không bao giờ quen hoặc muốn quen. Đến nỗi, để tìm giấc ngủ mỗi đêm anh phải uống vài ly rượu cho lâng lâng, say say mà tạm quên mới chợp mắt được. Để vượt qua, anh Xuân cho rằng, phải tâm niệm một điều, coi họ như người thân của mình, như vậy động lực lớn nhất sẽ thúc đẩy mình hoàn thành nhiệm vụ.
Tàu là nhà, biển cả là quê hương
Với 18 anh em thuyền viên của tàu SAR 413 thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực 3 (đóng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, quản lý vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang), ngôi nhà của họ chính là con tàu, nơi mỗi ngày họ cùng gắn bó, ăn, nghỉ, làm việc, cùng nhau băng qua những cơn sóng để mang về bờ tất cả niềm hy vọng, có thể là nụ cười cũng có khi là những giọt nước mắt của nỗi đau chia ly sinh tử. Mỗi người đến từ một vùng đất khác nhau, người ở ngoài Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, người ở tận cùng mũi Cà Mau... và khi đã cùng nhau về dưới một mái nhà, quê hương của họ chính là biển cả. Cùng chung một mái nhà, cùng chung một quê hương, anh em thuyền viên gắn kết với nhau hơn cả máu mủ, ruột rà. Một ngày không gặp, một giờ đi xa cũng có khi khiến trái tim quặn lại vì thương nhớ.
Đưa thi thể nạn nhân lên thuyền.
Nước da nâu rắn chắc, nụ cười hiền như con gái, rất kiệm lời khi nói về mình, thuyền trưởng Đinh Xuân Trường chỉ dành thời gian kể về anh em. Anh bảo, nếu không có sự đoàn kết một lòng, không có sự hy sinh quên mình của thủy thủ đoàn thì anh khó hoàn thành được nhiệm vụ là người chỉ huy hiện trường, bảo vệ an toàn con tàu và tính mạng của từng người. Bởi ngoài biển mênh mông, khi tàu SAR lên đường là lúc thời tiết cực kỳ xấu, mạng sống mong manh như sợi tóc, mọi hiểm nguy tính bằng sự chính xác tuyệt đối, chỉ cần một sơ suất nhỏ, một khẩu lệnh hay một động tác bị hiểu sai có thể dẫn đến hậu quả khủng khiếp.Trên tàu, giữa biển, tình anh em, đồng đội quý hơn bất cứ giá trị vật chất nào. Và trên tàu, các sỹ quan chỉ huy cũng như thủy thủ ngoài nhiệm vụ chính là cứu nạn thì ai cũng giỏi các nghiệp vụ khác như: Thợ lặn, cứu thương, cứu hỏa và cả “anh nuôi” nữa.
Xong nhiệm vụ như mọi lần mỗi khi trở về, thay vội bộ quần áo màu vàng cam, thủy thủ trẻ cầm trên tay con búp bê xinh xắn. Anh bóp nhẹ và con búp bê kêu e e vui tai. Phó Giám đốc Trung tâm Lương Trường Phi cười, nói với chúng tôi: “Quà trung thu cho con đấy”. Tôi nhẩm tính, hôm nay ngày 29/9, ngày tàu SAR 413 cập cảng, đã là ngày 18/8 âm lịch.Trễ mất 3 ngày, bởi đúng vào ngày rằm, anh em của tàu SAR đang lênh đênh trên biển. May mà con búp bê vẫn còn mới tinh, chưa bị hơi nước biển nhuốm màu.Và tất nhiên, đây không phải là trường hợp cá biệt, chuyện lỗi hẹn với người thân của các anh em xảy ra như cơm bữa. Là người gắn bó với Trung tâm ngay từ những ngày đầu thành lập (năm 1996), anh Phi bảo, trước khi vào nghề, anh em trung tâm phải nằm lòng hai điều: “Một, đừng mong làm giàu từ nghề, hai, phải có tâm với... cả người sống và người chết”. Và có những điều phải tự hiểu như là “luật bất thành văn”, chẳng hạn: Không bao giờ nhận quà cảm ơn, tuyệt đối không bao giờ được tắt điện thoại hay để điện thoại hết pin. Bởi bất cứ lúc nào, khi nhận lệnh chỉ trong vòng 15 phút là toàn bộ anh em thủy thủ phải có mặt để tàu xuất bến. Người ở bờ cũng như người ra biển đều tập trung cao nhất sức lực, trí tuệ và tâm huyết của bản thân cho công việc đang tính từng khoảnh khắc. Anh kể, đêm mùng 1 Tết năm 2012, vừa đưa Vợ con đi chợ hoa xuân thì được lệnh tập trung. Thế là cái Tết của anh và anh em được đón ngay tại cơ quan, chính xác là tại Phòng Phối hợp cứu nạn, bên cạnh những chiếc máy bộ đàm, căng thẳng với những con số và từng dòng tin từ biển gửi về. Ngày 8/3/2014, mới đây, lần đầu tiên Trung tâm tổ chức cho gia đình Vợ con anh em tới họp mặt, bánh kẹo vừa dọn ra chưa kịp tuyên bố lý do thì nhận lệnh đi tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia. Chị em và các cháu nhỏ đành “vui vẻ” gói ghém quà bánh mang về, nhường không gian cho công việc của chồng con mình.
Chuyện của các anh là thế. Việc lỗi hẹn với người thân, việc bỏ lại sau lưng mọi thú vui đủ đầy của cuộc sống trên bờ để lao vào sóng gió chỉ là chuyện thường. Chia tay các anh, những gương mặt sạm màu, ánh mắt ngời sáng trong buổi chiều Vũng Tàu đầy nắng, bất giác bước chân tôi nhẹ tênh. Người ở lại, người ra đi, niềm vui, nỗi buồn... đều là một phần của cuộc sống. Và cuộc sống sẽ ghi nhận những gì xứng đáng nhất. Đó là nơi tôi vừa đi qua, nơi mặn chát của mồ hôi, nước mắt, nụ cười và biển cả.
Thuyền trưởng Đinh Xuân Trường tâm sự: “Không có sự đoàn kết một lòng, không có sự hy sinh quên mình của thủy thủ đoàn thì anh khó hoàn thành được nhiệm vụ là người chỉ huy hiện trường, bảo vệ an toàn con tàu và tính mạng của từng người. Bởi ngoài biển mênh mông, khi tàu SAR lên đường là lúc thời tiết cực kỳ xấu, mạng sống mong manh như sợi tóc, mọi hiểm nguy tính bằng sự chính xác tuyệt đối, chỉ cần một sơ suất nhỏ, một khẩu lệnh hay một động tác bị hiểu sai có thể dẫn đến hậu quả khủng khiếp.Trên tàu, giữa biển, tình anh em, đồng đội quý hơn bất cứ giá trị vật chất nào”. |