THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:10

Người phụ nữ nghèo và thương hiệu bánh lọc Mệ Xuân nức tiếng Quảng Bình

 Tuổi thơ buồn của mệ...

Từ một cô bé mồ côi, rồi lớn lên là cô thanh niên xung phong nghèo khó, gánh nặng mưu sinh của người mẹ đông con có lúc tưởng chừng làm cho bà Hà Thị Xuân (SN 1951), phường Hải Thành, TP Đồng Hới (Quảng Bình) chịu đầu hàng trước số phận. Với quan niệm “mọi việc đều xuất phát từ tâm”, bà đã đưa gánh bánh lọc hàng rong trở thành thương hiệu “Bánh lọc Mệ Xuân” nức tiếng Quảng Bình như ngày hôm nay.

Đã nhiều lần tôi đến quán bánh lọc Mệ Xuân để thưởng thức món bánh đặc trưng của người Quảng Bình, bởi theo lời dặn của những người bạn, cứ phải đến đúng quán Mệ Xuân thì mới đúng vị. Quả thật, ăn bánh lọc đã nhiều nhưng phải đến ăn cái bánh lọc do chính bà Xuân trực tiếp mua nguyên liệu, hướng dẫn cách nấu, cách làm mới thấy được sự khác biệt. Sự khác biệt đó mà theo bà Xuân nói không có gì đặc biệt cả, chỉ là bà đã làm bằng tất cả “cái tâm” của mình cũng giống như bánh lọc có vị ngon là nằm ở nhân bánh.

Mệ Xuân (người ở giữa) với công việc gói bánh quen thuộc hàng ngày

Với dáng vẻ chất phác của người phụ nữ Quảng Bình nhưng đôi tai có phần nghễnh ngãng, bà Xuân cho biết, năm 1971, bà bị thương khi đi thanh niên xung phong nên bị di chứng, phải nói to lên thì mới nghe được. Khi được hỏi về cuộc đời mình, bà Xuân đã không kìm được nước mắt.Năm lên 2 tuổi thì mẹ mất, cô bé Xuân sống với mẹ kế đến năm 7 tuổi thì phải đi ở cho người ta để kiếm cơm qua ngày. Đến năm 14 tuổi, 5 người thân đều lần lượt qua đời, Xuân buộc phải sống nương nhờ vào một người chú họ. Nhưng vì gia đình chú cũng cảnh đông con và nghèo khổ nên không giúp được gì nhiều. Vì thế, Xuân lại tiếp tục bươn chải để tự nuôi sống bản thân mình.

Năm 17 tuổi, theo tiếng gọi của đất nước, cô gái trẻ đăng ký gia nhập vào lực lượng thanh niên chống Mỹ cứu nước. Và cũng tại đây, Xuân gặp gỡ và kết duyên với người chồng sau này của mình là ông Lê Công.Chiến tranh kết thúc, hai vợ chồng bà Xuân trở về Quảng Bình với cuộc sống mưu sinh thường nhật. Chín đứa con lần lượt ra đời nhưng cuộc sống ngày ấy quá khó khăn và thiếu thuốc men, tiền bạc, vất vả và cố gắng lắm, ông bà chỉ nuôi được 5 người.

Nhắc lại những chuỗi ngày khốn khó ấy, bà Xuân bật khóc: “Cuộc sống lúc đó vất vả, khó khăn cùng cực, tôi không được học hành nên chỉ biết làm công việc nội trợ và buôn bán thôi. Ông nhà thì đi biển nên cũng bấp bênh. Vì đông con và nghèo khó, tôi chỉ biết làm những món ăn đặc trưng của Quảng Bình mà trong những ngày tháng đi ở cho những nhà giàu học lỏm được, tôi làm bánh lọc, bánh nậm từ đó. Thế là ngày nào tôi cũng làm một đôi quang gánh đi khắp Đồng Hới để bán. Thời ấy do điều kiện sống của hầu hết người dân đều khổ, ít người ăn quà vặt nên phải đi xa nhiều nơi may ra mới bán được. Có ngày tôi phải đi bộ hơn 20 cây số, nếu bán hết thì may ra hôm đó con mới có cơm ăn”.

Kể về quán bánh lọc vì sao mang tên Mệ Xuân, bà cho hay: “Vào năm 2005, lúc đó tận dụng phường Hải Thành có mở trường một trường mầm non nên tôi quyết định ngồi một chỗ để bán, cũng như tận dụng thời gian rảnh của chồng, con cái ra phụ bán cùng. Vì ở Quảng Bình, bà cũng có nghĩa là "mệ" nên Mệ Xuân cũng là Bà Xuân, cái tên đó ra đời để ai đã quen ăn bánh của tôi thì dễ tìm đến”.

Gánh hàng rong trở thành thương hiệu lớn

Thế rồi, từ một quán nhỏ nhưng được nhiều người biết tiếng, quán bánh lọc, bánh nậm của bà lúc nào cũng chật kín khách. Nhiều hôm do thấy cả gia đình “hợp sức” cũng không kịp làm bánh để bán, bà Xuân bàn với chồng tìm thêm người để phụ giúp.

Vì cả hai ông bà đều ở trong Hội cựu chiến binh nên nhiều người trong Hội khi nghe tin đã xin bà được làm việc. Ban đầu chỉ là 8 người rồi lên 10, dần dần lên 15 rồi đến bây giờ là 20 người làm việc thường xuyên.Bà Xuân cười nói: “Thực ra lúc đầu tôi cũng buôn bán như nhiều người xung quanh thôi, mỗi ngày chỉ làm vài ba trăm cái bán ở quán nước. Nhưng sau này, khách đến ăn ngày một đông, số lượng bánh theo đó mà tăng dần. Hiện tại, mỗi ngày tôi tiêu thụ hơn 100kg bột sắn (30kg tôm biển, 8kg mộc nhĩ, 20kg thịt heo cùng nhiều phụ gia khác, tương đương với khoảng 20.000 chiếc bánh mỗi ngày. Chắc mình có cái duyên bán hàng nên mới được khách ủng hộ như vậy”.

Có lẽ, nhờ “cái duyên” và “cái tâm” như bà Xuân nói, nên quán bánh lọc Mệ Xuân trở thành một thương hiệu trong lòng thực khách từ Bắc chí Nam lúc nào không hay.   Năm 2008, bánh lọc của bà  được UBND phường Hải Thành, TP Đồng Hới chọn đi dự Hội chợ quê “Ẩm thực và đặc sản làng nghề” tổ chức tại Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng nhân kỷ niệm 05 năm Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Và may mắn, cũng tại đây, Sở Công thương Quảng Bình đã quyết định cấp Giấy chứng nhận thương hiệu cho “Bánh lọc Mệ Xuân Hải Thành” là thương hiệu đầu tiên và duy nhất của làng nghề sản xuất bánh lọc ở Quảng Bình hiện nay.

Không lâu sau đó, “Bánh lọc Mệ Xuân”  lại được Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật ẩm thực (thuộc Hội văn nghệ dân gian Việt Nam) tặng Kỷ niệm chương “Tinh hoa đặc sản 3 miền”.

 
Món bánh lộc Mệ Xuân được trao tặng danh hiệu tinh hoa đặc sản ba miềnTừ thương hiệu “Bánh lọc Mệ Xuân”, gia đình ông bà cũng trở thành gia đình tiêu biểu trong công tác từ thiện, nhân đạo, nghĩa tình với đồng đội. Không chỉ làm nên thương hiệu một đặc sản đã được tôn vinh, năm 2014, gia đình Cựu chiến binh Xuân - Hùng được Ban Liên lạc Cựu chiến binh 3 chiến dịch lịch sử Việt Nam tặng Bằng chứng nhận vì đã có những đóng góp cho nghĩa tình đồng đội.

UBND TP Đồng Hới cũng đã tôn vinh Mệ Xuân là một trong 10 công dân tiêu biểu của thành phố Đồng Hới nhân dịp thành phố được Nhà nước công nhận là Đô thị loại II và được UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen khác.

Một lao động ở xưởng sản xuất  Bánh lọc Mệ Xuân cho hay: “Tôi may mắn được bà Xuân tạo công ăn việc làm với mức lương 3 triệu đồng/tháng vì trước đây bản thân thường xuyên đau yếu và không có việc làm ổn định. Tôi rất biết ơn bà Xuân đã tạo điều kiện giúp đỡ cá nhân tôi và nhiều chị em khác có việc làm như hiện nay”.

Được biết, hiện, số lao động ở đây là 18 người, người có thu nhập thấp nhất là 3 triệu đồng/tháng, người cao hơn là 4 triệu đồng /tháng tùy theo từng vị trí công việc.

Số người làm việc thường xuyên ở xưởng sản xuất bánh lộc Mệ Xuân là khoảng 20 người

Nói về những đóng góp của bà Xuân với thương hiệu Bánh lọc Mệ Xuân, chị Hoàng Thị Hương Giang, cán bộ hội phụ nữ phường Hải Thành cho biết: “Trong thời gian vừa qua, thương hiệu Bánh lọc Mệ Xuân đã không chỉ giúp cho nhiều lao động có việc làm mà bà Hà Thị Xuân còn là người có đóng góp rất nhiều về vật chất cho các phong trào ở địa phương cũng như công tác từ thiện. Địa phương cũng rất lấy làm tự hào vì lần đầu tiên có một cơ sở sản xuất được tôn vinh là Tinh hoa đặc sản 3 miền”.

Bà Xuân vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, kinh doanhGiờ đây, cho dù cuộc sống đã có phần  đủ đầy, nhà cửa của ông bà cũng có phần khang trang hơn nhưng quan niệm về “cái tâm” và “cái duyên” của bà Xuân vẫn còn nguyên vẹn và luôn được chú tâm gìn giữ. Với ước mong sẽ có nhiều người hơn nữa biết đến món ăn truyền thống bánh lọc Quảng Bình cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, mệ Xuân hy vọng sẽ tiếp tục được làm, được mang nhiều sản phẩm đặc trưng của quê hương đến với mọi người để tinh hoa ẩm thực được gìn giữ và mở rộng.

Theo baophapluatdoisong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh