“Chuyển mình” để tồn tại và phát triển
- Tây Y
- 20:11 - 21/06/2022
Những thách thức đến từ mạng xã hội
Nếu như trước đây, việc xuất bản tin tức là độc quyền của báo chí thì với sự ra đời của mạng xã hội, báo chí đã mất sự độc quyền này.
Với trang cá nhân, mỗi người đều là giám đốc, là tổng biên tập của “cơ quan truyền thông cá nhân”. Sự đa dạng thông tin, khả năng xuất bản nhanh, không bị giới hạn phạm vi của những trang cá nhân là một thực tế. Khi Facebook tích hợp tiện ích “tường thuật trực tiếp” thì địa hạt tưởng chừng là độc quyền của truyền hình cũng bị phá vỡ. Từng giây phút của cuộc sống, của các sự kiện “hot” đều được các Facebooker ghi lại, truyền tải, mang đến sự hứng khởi tức thì cho độc giả.
Nếu như ban đầu, mạng xã hội chỉ là một dịch vụ kết nối những người cùng sở thích, cùng mối quan tâm, thì sau đó được nâng tầm và lan tỏa dần dần. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội tích hợp những tiện ích cho người dùng thoải mái giao lưu, chia sẻ và dần dần hoàn thiện những đặc tính của một công dân mạng. Khi các tiện ích tỏ rõ những lợi thế ưu việt, công dân mạng tăng lên một cách chóng mặt. Đặc biệt, sau khi Facebook ra đời và cho đến nay đã chiếm vị trí rất cao trong lĩnh vực truyền thông thì không chỉ có cá nhân, mà các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là báo chí cũng đã phải lệ thuộc vào Facebook.
Bị mạng xã hội tranh mất bạn đọc, tranh mất quảng cáo, nhưng bù lại, mạng xã hội lại trở thành nguồn tin, thành đối tác hỗ trợ báo chí lan tỏa, là công cụ để đo đếm uy tín của báo chí đối với xã hội. Đối với báo điện tử, mạng xã hội là nhà phát hành phi lợi nhuận khi những tin bài được chia sẻ (share) trên các trang cá nhân.
Với nhà báo, Facebook cũng như các mạng khác hiện nay là nguồn đề tài phong phú. Những sự kiện trong đời sống xã hội đã xuất hiện kịp thời và Facebook là “tờ báo” đầu tiên đưa tin, hình ảnh và sau đó mới đến các báo “chính thống”. Sự lấn lướt của Facebook là một thực tế và nó làm thay đổi phương thức thông tin, xây dựng nguồn tin của các nhà báo. Những bình luận (comment) từ Facebook không chỉ là khen chê, mà còn là thước đo cho sự nhanh nhạy, trung thực của bất cứ nhà báo hay tờ báo nào. Hầu như không có tờ báo nào là không có Fanpage, và dù có những rắc rối xảy ra, thì không thể phủ nhận, Fanpage không chỉ là miền đất lan tỏa, mà còn là “mỏ vàng” đúng nghĩa đối với các báo mà quảng cáo trực tuyến trở thành một yếu tố duy trì sự tồn tại.
Thậm chí, mạng xã hội, đôi khi còn gây ra những cuộc khủng hoảng truyền thông lớn hơn cả báo chí và việc xử lý khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội đôi khi là vô phương. Xử lý khủng hoảng truyền thông với báo chí dường như đã có cách thức và đôi khi là những cách thức hành chính. Nhưng rõ ràng đối với mạng xã hội, những cách thức truyền thống không còn tác dụng mạnh. Điều đó thực tế đã chứng minh và ở một góc độ nào đó, một cuộc khủng hoảng truyền thông ở báo chí sẽ được tiếp lửa bởi mạng xã hội. Vụ Tân Hiệp Phát với chai nước có ruồi, vụ Vinastas với nước mắm có thạch tín vượt ngưỡng cho phép… là những ví dụ tiêu biểu. Cuộc khủng hoảng truyền thông đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của những cá nhân liên quan khi mạng xã hội lan tỏa.
Có thể thấy, mạng xã hội đã, đang và sẽ trở thành một “thế lực” rất mạnh và thực tế ấy vừa là lời đe dọa, vừa là động lực để báo chí phải “chuyển mình”.
Cuộc “chuyển mình” của báo chí thời đại 4.0
Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quá trình tác nghiệp là một trong những biện pháp để báo chí khẳng định vị thế tín nhiệm trước thách thức từ mạng xã hội.
Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng có nhiều ứng dụng rộng rãi, lĩnh vực báo chí đang nhanh chóng tận dụng để sản xuất tin bài, phân vùng xu hướng độc giả cũng như phân tích lượng dữ liệu khổng lồ nhằm lọc thông tin quan trọng. Các hệ thống phân tích, thống kê dữ liệu nhằm gợi ý đề tài giúp phóng viên, trong khi AI còn có thể tự động viết các bản tin tài chính, thể thao và kết quả bầu cử. Nghiên cứu của Công ty tư vấn quản lý McKinsey & Company (Mỹ) cho thấy công nghệ AI hiện tại có thể tự động hóa khoảng 15% công việc của phóng viên và 9% công việc của biên tập viên.
Tháng 11/2018, Tập đoàn truyền thông Tamedia (Thụy Sĩ) đã dùng AI để sản xuất gần 40.000 bản tin về kết quả bầu cử ở nước này chỉ trong vòng 5 phút. Tại Mỹ, tờ The Washington Post sử dụng chương trình tự động Heliograf để tường thuật nhiều sự kiện vận động tranh cử, thông tin thể thao và kinh tế. Hãng tin AP từ năm 2017 đã dùng AI để đặt chú thích cho hàng ngàn ảnh phải xử lý mỗi ngày. Hệ thống có thể xác định được người hoặc vật trong ảnh và đánh dấu các ảnh bạo lực nên biên tập viên sẽ có nhiều thời gian hơn để chọn các bức ảnh đẹp và ấn tượng để xuất bản. Tương tự, Reuters sử dụng công cụ Lynx Insight phân tích dữ liệu tự động để xác định xu hướng nhằm gợi ý đề tài cho phóng viên, còn khoảng 1/4 nội dung tin bài của Bloomberg có sự tham gia của hệ thống tự động hóa. Bên cạnh đó, khả năng phân tích khối lượng dữ liệu khổng lồ của AI còn giúp hỗ trợ những lĩnh vực khó khăn như điều tra…
Trước xu hướng trên, xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại AI có thể vượt tầm kiểm soát và cạnh tranh công việc của con người hoặc bị lợi dụng viết tin thất thiệt, thậm chí mạo danh nhà báo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nhà báo robot khó có thể cạnh tranh với con người trong các lĩnh vực như điều tra hay bình luận sâu về kinh tế, chính trị. Nhà báo hiện đại sẽ phối hợp làm việc với robot và phụ trách những công việc chúng không làm được, chẳng hạn đặt vấn đề hay tương tác với nhân vật được phỏng vấn. Vì thế, theo các chuyên gia, robot không thay thế mà đang thay đổi công việc của nhà báo hiện đại và nhà báo tương lai sẽ cần trang bị những kỹ năng thiết kế, cập nhật, điều chỉnh, giám sát và duy trì các hệ thống AI. Sự phối hợp giữa người và robot được kỳ vọng sẽ giúp báo chí phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhờ cải thiện đáng kể tốc độ, hiệu quả và chất lượng tin bài.
Tại Việt Nam, áp dụng AI trong làm báo cũng đã được một số tờ báo thực hiện. Đơn cử như thông tin diễn biến dịch bệnh cập nhật hàng ngày đã đòi hỏi nhiều cơ quan báo chí phải thay đổi cách sản xuất nội dung. Dữ liệu này mỗi ngày một dày thêm, gây khó khăn cho biên tập viên trong thống kê, xử lý. Báo điện tử VnExpress đã lập trình để tự động tạo nội dung từ số liệu của Bộ Y tế, đảm bảo chính xác, tốc độ, hỗ trợ đắc lực cho biên tập viên. Quá trình làm tin giảm một nửa thời gian so với phương thức truyền thống. Ban biên tập phân loại từng thể loại tin, bài có thể áp dụng thuật toán AI để trực quan hóa hình thức thể hiện, giúp độc giả dễ tiếp nhận, so sánh các thông tin. Đó là những tin, bài có nhiều số liệu, tần suất lặp lại cao như: Tin thống kê phân tích số liệu Covid-19 hằng ngày; dữ liệu biểu đồ trực quan về diễn biến của Covid-19 ở các địa phương trong nước và thế giới; thông tin liên quan đến giá cả, diễn biến thị trường vàng, xăng dầu, chứng khoán; kết quả thi đấu các giải thể thao... AI cũng có thể lọc bình luận của độc giả, giúp kiểm duyệt bình luận của độc giả theo các tiêu chí không vi phạm định hướng thông tin, quy định của pháp luật cũng như giá trị thuần phong mỹ tục.
Một đơn vị của Thông tấn xã Việt Nam là báo điện tử VietnamPlus cũng tung ra chatbot tự động tương tác với độc giả từ tháng 11/2018 và đã vạch ra chiến lược phát triển lâu dài, trong đó có công nghệ tự động chuyển từ văn bản sang giọng nói để tạo ra một bản tin âm thanh. Bên cạnh đó, báo VietnamPlus còn sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu về thói quen của người dùng, từ đó, hệ thống xuất bản sẽ tự động đề xuất nội dung theo sở thích của người đọc, giúp họ cá nhân hóa trang tin. AI cũng được sử dụng ở các sản phẩm đồ họa, bài viết longform (phóng sự chuyên sâu, sử dụng đồ hoạ, hình ảnh lớn, ấn tượng với hiệu ứng chuyển động) để tăng tương tác với bạn đọc…