Chuyên gia TQ: COVID-19 có thể hoành hành tại châu Âu tới 2 năm, thế giới muốn thắng nhanh phải "đánh" mạnh
- Tây Y
- 19:00 - 23/03/2020
Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc mới đây đã đưa ra lời khuyên rằng châu Âu nên từ bỏ suy nghĩ rằng đại dịch COVID-19 sẽ sớm kết thúc, và thay vào đó họ nên chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến có thể kéo dài tới 2 năm, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) đưa tin.
Châu Âu cần chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến dài hơi
Cụ thể, lời cảnh báo trên đã được chuyên gia Trương Văn Hồng (Zhang Wenhong) - người đứng đầu đội ngũ chuyên gia lâm sàng về COVID-19 của thành phố Thượng Hải - đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu như Italy, Tây Ban Nha và Đức đang phải đối mặt với tình trạng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tăng nhanh trong những ngày gần đây.
Được biết, trong vòng 5 ngày vừa qua, Trung Quốc chỉ ghi nhận duy nhất một ca nhiễm mới "nội địa", còn lại là các ca nhiễm mới "nhập khẩu". Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực hạn chế số ca nhiễm "nhập khẩu" để tránh tình trạng xảy ra làn sóng bùng phát dịch bệnh thứ 2 do nguồn lây lan từ nước ngoài.
"Chuyện virus xuất hiện và biến mất, hay hoành hành trong khoảng thời gian từ 1-2 năm là điều hoàn toàn bình thường", ông Trương phát biểu trong một hội nghị trực tuyến được tổ chức bởi lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Düsseldorf, Đức.
"Điều tôi có thể nói với quý vị vào thời điểm này, đó là các vị hãy từ bỏ suy nghĩ rằng đại dịch [COVID-19] ở châu Âu sẽ kết thúc trong tương lai gần" - ông Trương phát biểu trước đông đảo du học sinh Trung Quốc và Hoa kiều tại Đức.
Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh COVID-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu, và rất khó có thể dự đoán được dịch bệnh này sẽ kéo dài bao lâu, hay khi nào nó sẽ được kiểm soát. Ông Trương dự đoán rằng dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát trong mùa hè năm nay hoặc năm sau - tùy vào những nỗ lực phòng, chống và kiểm soát dịch trên toàn cầu.
"Nếu muốn xử lý dịch bệnh [COVID-19] trong thời gian ngắn, thì các biện pháp chống dịch phải cực kỳ quyết liệt", ông Trương nói. Theo lời chuyên gia này, sở dĩ Trung Quốc có thể áp dụng biện pháp phong tỏa các thành phố là nhờ thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh trùng với kỳ nghỉ Tết nguyên đán, khi các trường học, doanh nghiệp và nhà máy vốn dĩ đang đóng cửa.
Nguy cơ từ các ca nhiễm "nhập khẩu"
"Nếu cả thế giới có thể ngừng các hoạt động trong khoảng 4 tuần, thì đại dịch sẽ có khả năng được ngăn chặn", theo lời ông Trương. "Tuy nhiên, tôi không thể tưởng tượng được viễn cảnh đình chỉ hoạt động toàn cầu trở thành sự thật. Ở Đức nói riêng và châu Âu nói chung cũng vậy".
Hiện nay, tại một số khu vực bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề nhất như miền Bắc nước Ý, chính phủ đã ban bố một số biện pháp mạnh tay như phong tỏa, lệnh giới nghiêm và đóng cửa các trường học tại địa phương.
Tuy nhiên, nếu các quốc gia trên thế giới không phối hợp đồng thời các biện pháp phòng, chống dịch, thì những quốc gia đang áp dụng các biện pháp ứng phó - dù triệt để đến mấy - vẫn sẽ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm từ các nguồn "nhập khẩu", giống như Trung Quốc hiện nay, ông Trương phân tích.
Trước bối cảnh dịch bệnh lan rộng và số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu tiếp tục tăng mạnh, chính quyền các nước có thể sẽ thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh của họ, và áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt hơn nữa.
"Tôi có thể thấy một tín hiệu tốt là chính phủ các nước ngày càng trở nên tích cực hơn. Khi chiến lược chống dịch của tất cả các quốc gia trên thế giới trở nên triệt để, quyết liệt hơn, thì việc kiểm soát dịch hiệu quả sẽ chỉ còn là vấn đề sớm hay muộn", ông Trương kết luận.