Chuyên gia khuyến cáo: Chớ nuông chiều vị giác, hãy ăn uống lành mạnh để "xây tường thành" chống Covid-19
- Y học 360
- 21:15 - 10/04/2020
Trước khi COVID-19 xuất hiện và lây lan với tốc độ nhanh chóng gây ra nhiều hệ lụy cho nhiều quốc gia trên thế giới, không ít người cho phép bản thân "nuông chiều vị giác" mà xem nhẹ thói quen chăm sóc sức khỏe của bản thân, xây dựng cho mình một sức đề kháng tốt, miễn dịch với các loại virus, vi khuẩn và nhiều bệnh tật khác.
Bàn về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai, Hà Nội), BS. Trần Quốc Khánh (BV Việt Đức, Hà Nội) và BS. Đào Trường Giang (BS Nhi khoa, BV Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội) đã đưa ra các ý kiến nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn.
PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng: "Mọi "bức tường thành" đều cần thời gian để xây dựng, việc chăm chút cẩn trọng ở một thời điểm nhất định không thể đem lại hiệu quả tốt như mong muốn"
Cần phải hiểu rằng, sức đề kháng là khả năng phòng vệ của cơ thể, giúp cơ thể chống lại các tác nhân có hại xâm nhập vào bên trong. Các tác nhân gây bệnh thường là vi rút, vi khuẩn, nấm và nhiều yếu tố khác từ môi trường bên ngoài. Sức đề kháng trong cơ thể được tạo ra từ hệ thống miễn dịch.
Trong đó, hệ thống miễn dịch của con người gồm có 2 loại: miễn dịch tự nhiên và miễn dịch thu được.
Với miễn dịch tự nhiên, hay còn được gọi là miễn dịch bẩm sinh: là miễn dịch mà con người sinh ra đã được nhận từ mẹ qua máu, nhau thai và qua việc bé được bú sữa mẹ trong những ngày đầu tiên.
Còn miễn dịch thu được là trong quá trình sinh sống ở môi trường, sau đó không may mắc các bệnh: ho, cảm cúm, sốt,… Với những bệnh do virus rất nhẹ như vậy, cơ thể sẽ sản sinh ra các kháng thể miễn dịch để khi virus xâm nhập vào cơ thể một lần nữa sẽ không mắc bệnh hoặc nếu mắc cũng sẽ rất nhẹ. Hoặc theo một cách khác là tiêm phòng vắc xin để cơ thể sẽ sản sinh ra các kháng thể chống lại các bệnh nhiễm trùng.
Như vậy, sức đề kháng cũng như hệ miễn dịch có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa các tác nhân như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng,…xâm nhập vào cơ thể. Những người có sức đề kháng tốt sẽ giảm thiểu khả năng nhiễm bệnh, hoặc người đã nhiễm bệnh sẽ có thời gian hồi phục nhanh hơn. Cho nên, việc tăng cường sức đề kháng cho cơ thể là vô cùng quan trọng trong thời điểm này.
Để làm được điều này, chúng ta cần chú ý một số vấn đề như sau:
- Bổ sung vitamin trong các loại hoa quả tươi, không phải các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc trên thị trường.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày để cơ thể được thư giãn, đồng thời tăng hấp thu các chất từ chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao sức khỏe.
- Xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý, uống nhiều nước, ăn ngủ đúng giờ và giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ để nâng cao sức khỏe.
- Giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ và thông thoáng. Giữ cho tinh thần luôn thoải mái, tránh làm việc quá sức, tạo áp lực đè nặng lên thần kinh gây ra stress. Cố gắng thư giãn mỗi ngày.
- Tránh thức khuya, hút thuốc lá thường xuyên bởi vì hút thuốc lá làm viêm mạc đường hô hấp kém, tạo điều kiện cho virus tấn công.
Nói chung, nếu có chế độ ăn uống và cách sống khoa học, lành mạnh thì sẽ góp phần tăng sức đề kháng cho cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh.
BS. Trần Quốc Khánh: "Thực phẩm lành mạnh không bằng khẩu phần lành mạnh, khẩu phần lành mạnh cũng chỉ là một trong các bộ phận cấu thành của lối sống lành mạnh"
Trong giai đoạn này, chúng ta nên ưu tiên lựa chọn những thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng để giúp tăng cường sức khỏe, tránh viêm nhiễm cũng như các loại bệnh tật khác.
Để dễ hình dung hơn, chúng ta sẽ chia thực phẩm thành 4 nhóm, bao gồm: Gia vị; Thực phẩm; Đồ tráng miệng và các loại đồ uống.
Dưới đây là những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể mà mọi người nên nạp thường xuyên để nâng cao thể chất:
1. Gia vị: Tỏi, Gừng, Nghệ, Ớt chuông đỏ
Trên đây là 4 loại thực phẩm dễ tìm, thậm chí luôn xuất hiện trong gian bếp của mỗi gia đình Việt.
Nếu tỏi chứa hợp chất của lưu huỳnh chống nhiễm trùng rất mạnh, giúp kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa xơ vữa động mạch thì gừng lại là gia vị hữu ích giúp giảm quá trình viêm nhiễm rất mạnh, đặc biệt trong viêm họng hoặc viêm đường hô hấp nói chung. Ngoài ra nó cũng có thể giúp giảm buồn nôn, ấm người tránh cảm lạnh và ổn định đường ruột.
Đối với ớt chuông đỏ, đây là loại quả chứa gấp đôi vitamin C so với các loại trái cây có múi. Ngoài ra còn chứa thành phần beta carotene giúp quá trình oxy hóa, bảo vệ đôi mắt và làn da trở nên khỏe mạnh.
Và cuối cùng, nồng độ curcumin cao trong nghệ có thể giúp giảm tổn thương gân cơ do vận động thể thao, giúp ích cho những lần tập luyện nâng cao thể trạng trong mùa dịch. Với nghệ, các bạn có thể chế biến thành các món như cà-ri gà, cá kho, cà hồi nướng nghệ,…
2. Thực phẩm: Bông cải xanh, rau Bina, các loại gia cầm, cá tươi và động vật có vỏ
Các loại rau kể trên chứa nhiều vitamin, tốt cho sức khỏe con người còn động vật có vỏ (cua, sò, tôm, trại,…) lại chứa nhiều kẽm – yếu tố cần để các tế bào miễn dịch hoạt động. Do đó, bông cải xanh hay rau bina được khuyến khích nên sử dụng là bởi chứa nhiều vitamin A, C và E cũng như nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ khác.
Bên cạnh đó các loại gia cầm chứa nhiều vitamin B6, góp phần vào sự hình thành của các tế bào hồng cầu mới. Ngoài ra còn chứa nhiều chất dinh dưỡng khác hữu ích cho việc chữa bệnh và tăng cường miễn dịch đường ruột.
Lưu ý, chỉ hấp hoặc luộc sơ, tránh hầm hoặc nấu quá kỹ. Đồng thời, với các loại động vật có vỏ chỉ nên sử dụng với lượng vừa đủ, vì nạp vào cơ thể quá nhiều kẽm có thể dẫn tới ức chế chức năng hệ thống miễn dịch.
3. Trái cây và đồ ăn tráng miệng: Các loại trái cây có múi, Sữa chua và các loại hạt…
Nói về Vitamin C, đây được cho "chìa khóa" giúp tăng cường hệ miễn dịch nói chung để chống lại nhiễm trùng, đồng thời làm tăng sản xuất tế bào bạch cầu. Chúng có rất nhiều trong trái cây có múi nên nếu muốn tăng cường sức đề kháng thì việc nạp vitamin C trong các loại trái cây có múi vào cơ thể là giải pháp hữu hiệu.
4. Đồ uống: Trà xanh hoặc Rượu vang đỏ
Trà xanh có tính chất chống oxy hóa rất mạnh mẽ, giúp tăng cường chức năng miễn dịch. Đồng thời là nguồn axit amin L-theanine tốt, hỗ trợ sản xuất các hợp chất chống vi trùng trong các tế bào T của bạn nên chớ bỏ quên loại đồ uống này.
BS. Đào Trường Giang: "Mỗi chất dinh dưỡng đều có một giá trị nhất định, nên cần phải cân bằng tất cả"
Trẻ em hay người lớn đều cần có một chế độ ăn phù hợp cho từng lứa tuổi. Các chất dinh dưỡng cũng cần phải cân bằng, tránh việc bổ sung quá nhiều một số chất nào đó, kể cả các vitamin. Việc uống quá nhiều các loại vitamin, thuốc bổ… với mong muốn nâng cao sức đề kháng là sai lầm, có thể gây ra mất cân bằng dinh dưỡng và có thể gặp một số tác dụng phụ như nôn, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, dị ứng…
Riêng với trẻ em trong giai đoạn cách ly toàn xã hội, không được ra ngoài có thể bổ sung thêm vitamin D3 nếu chế độ ăn hàng ngày chưa đủ để đảm bảo. Nên cho trẻ ăn rau, củ, hoa quả và hạn chế đồ ăn nhanh như bim bim, bánh kẹo ngọt…
Nguồn: Lá chắn Virus Corona
Đừng để 14 ngày ở nhà của bạn trôi qua trong chán nản vô nghĩa, thử làm theo challenge này!
Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam đang ngày càng phức tạp, và trong thời gian tới đây, đất nước chúng ta sẽ bước vào giai đoạn thử thách thật sự. Thông điệp mà Chính phủ, Bộ Y Tế và các cơ quan chính quyền địa phương đưa ra, đó là: Người dân nếu không có nhiệm vụ gì, nếu thực sự không cần thiết thì nên ở nhà vì nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng đang rất cao.
Đứng yên thời điểm này - với tất cả chúng ta, đó là ở nhà. Tôi ở nhà! Tôi thực hiện nghiêm túc cách ly xã hội. Vì ở nhà lúc này là tự bảo vệ bản thân mình, bảo vệ người thân, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, và bớt đi gánh nặng trên vai Tổ quốc.
Các y bác sĩ trên toàn thế giới đang lan truyền thông điệp "Chúng tôi đi làm vì bạn, xin hãy ở nhà vì chúng tôi". Là một công dân có ý thức, đặt sự an toàn sức khoẻ lên hàng đầu, hãy cùng nhau lan toả lời kêu gọi #toionha để nhanh chóng đẩy lùi #CôVyĐiĐi các bạn nhé!