Chuyên gia gợi ý 6 phương pháp luyện ngủ phổ biến đang được nhiều mẹ áp dụng cho bé
- Bác sĩ
- 04:25 - 29/05/2020
Với những ai lần đầu làm mẹ thì việc quan tâm, chăm sóc giấc ngủ cho con là một trong những việc chiếm nhiều thời gian cũng như công sức nhất. Mỗi giấc ngủ ngoan của con, mẹ thấy an tâm và có thêm chút thời gian để nghỉ ngơi. Dưới đây là 6 phương pháp luyện ngủ đã được các chuyên gia về giấc ngủ đưa ra và đánh giá cao, mẹ có thể tham khảo để xem phương pháp nào phù hợp để lựa chọn áp dụng với bé nhà mình.
1. Phương pháp 7 ngày giúp bé ngủ ngon của Ferber
Phương pháp luyện ngủ Ferber được phát minh bởi Tiến sĩ Richard Ferber để giải quyết vấn đề về giấc ngủ của trẻ sơ sinh. Nó liên quan đến huấn luyện sớm trẻ biết tự vỗ về bản thân bằng cách để trẻ khóc trong một khoảng thời gian nhất định trước khi nhận được sự vỗ về từ bố mẹ.
Đây là phương pháp rèn tự ngủ bằng cách vào kiểm tra bé theo một khoảng thời gian nhất định, nhưng sẽ không cho bé ăn và ru bé ngủ. Nều làm điều đó có nghĩa là bé sẽ không thể tự ngủ được.
Sau khi đặt bé vào trong nôi, cũi, bố mẹ sẽ trấn an bé bằng những câu như "mẹ yêu con" hoặc thể hiện bằng hành động xoa lưng, vỗ về bé rồi rời khỏi phòng trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn 5 phút. Sau 5 phút, mẹ sẽ quay vào phòng kiểm tra con nhưng không được bế bé lên. Lặp lại cách làm này cho đến khi bé tự ngủ. Kể cả bé có thức dậy giữa đêm cần ăn, mẹ cũng chỉ cho bé ăn chứ không bế bé rời khỏi cũi.
Ngày thứ 2, thứ 3, mẹ có thể đợi một khoảng thời gian dài hơn (10 phút, 15 phút) mới vào phòng kiểm tra. Mẹ có thể mất 1 tuần để rèn cho bé theo kỹ thuật này, nhưng sau một vài đêm mẹ sẽ bắt đầu thấy một số tiến bộ ở bé. Nhiều chuyên gia khuyên mẹ nên giữ nhật ký rèn ngủ của con để giúp trấn an và thấy rõ sự tiến bộ của con.
Theo các chuyên gia về giấc ngủ, nếu mẹ lựa chọn phương pháp Ferber thì không nên bế con lên mỗi khi kiểm tra hay trấn an bé. Phương pháp này phù hợp cho bé từ 7 tháng tuổi trở lên, các bé nhỏ hơn cần có sự hiện diện của bố mẹ để đảm bảo bé biết rằng mình không bị bỏ rơi khi rèn bé ngủ.
2. Phương pháp Cry-it-out (CIO) - để mặc con khóc
Ý tưởng đằng sau việc hãy để bé khóc là muốn dập tắt hành vi (khóc) bằng cách không phản ứng với nó. Đây là phương pháp mẹ sẽ để bé tự trấn an mình có thể thông qua tiếng khóc, tự vỗ về bản thân trước khi bố mẹ an ủi để đi vào giấc ngủ.
Với Phương pháp CIO, mẹ phải nắm được thói quen đi ngủ của bé và chuẩn bị cho bé một giấc ngủ an toàn và phù hợp với bé, sau đó đặt bé vào giường hay nôi, cũi, rồi hãy để cho bé tự ngủ. Bé có thể khóc to và khóc rất lâu nhưng mẹ không phản ứng và để bé tự chìm vào giấc ngủ.
Đây chắc chắn là phương pháp huấn luyện giấc ngủ gây nhiều tranh cãi nhất, và thậm chí cả các chuyên gia khác nhau đưa ra các lời khuyên khác nhau về những gì mẹ nên làm tiếp theo, tất cả đều phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của bé, tình huống nào thì mẹ có thể chấp nhận được. Ví dụ, theo phương pháp này đề nghị thì nên để bé ngủ cho đến sáng, trừ khi mẹ đã xác định trước rằng bé vẫn cần cho ăn vào ban đêm. Đêm đầu tiên thì cực kỳ khó khăn bởi tiếng khóc của con làm sốt ruột cha mẹ, và có khi khóc lên đến hàng giờ.
Cha mẹ có thể chờ ít nhất một hoặc hai lần thức dậy của bé trước khi trở lại phòng với bé. Sau đó, nếu bé thức dậy sau nửa đêm, mẹ cũng có thể quay vào và an ủi bé trong vài phút và sau đó lại rời đi. Chuyên gia cho rằng đêm đầu tiên có thể bé sẽ khóc nhiều, nhưng dần dần sẽ là tiếng khóc ngắn, và tình hình được cải thiện sau 3-4 đêm ngủ theo phương pháp CIO.
Chuyên gai khuyên mẹ nên kiên trì trong 1 tuần khi áp dụng CIO. Tuy nhiên, nhiều mẹ thường do dự hay bỏ cuộc khi áp dụng phương pháp này, vì không thể cầm lòng được tiếng khóc của con. Và cũng có nhiều ý kiến phản đối với phương pháp này vì cho rằng để bé một mình khóc là không an toàn và có khả năng tổn thương về tâm lý cho bé.
3. Phương pháp cái ghế
Đây là một phương pháp đào tạo giấc ngủ rất chậm và đòi hỏi mẹ phải có rất nhiều kỷ luật với con. Mẹ chuẩn bị cho bé ngủ, nhưng thay vì rời khỏi phòng, mẹ ngồi trên một chiếc ghế cạnh giường hoặc cũi của con. Khi bé ngủ, mẹ rời khỏi phòng, nhưng mỗi khi bé thức dậy, mẹ lại ngồi xuống ghế cho đến khi bé tự chìm vào giấc ngủ. Mỗi đêm, mẹ di chuyển ghế xa hơn và xa hơn cho đến khi ra khỏi phòng.
Bé sẽ khóc rất nhiều và có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý người mẹ, vì mẹ ngồi ngay đó nhìn con khóc và không cầm lòng nổi tiếng khóc của con. Một số chuyên gia giấc ngủ cũng khuyến cáo phương pháp này hiệu quả kém và có thể để lại hậu quả nặng nề hơn. Đó là vì mẹ ngồi ngay cạnh con nhưng hoàn toàn không tương tác với con, có thể khiến bé bị kích thích và khóc nhiều hơn đến nỗi bé không thể bình tĩnh được.
4. Bế lên - đặt xuống và vỗ về
Đối với bé dưới 7 tháng tuổi, các chuyên gia khuyên mẹ nên sử dụng phương pháp rèn ngủ mẹ ở cùng trong phòng nhưng để bé tự ngủ nhiều hơn là giúp bé. Mẹ có thể đứng bên nôi, cũi của con và hát ru, vỗ hoặc xoa lưng để trấn an bé.
Nếu bé chỉ khóc với mức độ nhỏ, vừa phải thì mẹ cứ để bé tự nín. Nhưng mẹ có thể bế bé lên vỗ về khi bé khóc nhiều, khóc gào không kiểm soát. Sau khi trấn an, xoa dịu bé, mẹ lại đặt bé xuống trước khi bé rơi vào giấc ngủ. Công việc của mẹ lúc đó là giúp bé bình tĩnh lại và công việc của bé là ngủ.
Vì thế, phương pháp này có thể hiệu quả cho bé nhỏ dưới 6 tháng. Với bé từ 7 tháng tuổi trở lên, sự hiện diện của mẹ có thể làm cho bé nhõng nhẽo và cáu kỉnh hơn, hành động bế lên rồi lại đặt xuống để dỗ bé có thể sẽ kích thích bé cáu hờn nhiều hơn.
5. Thiết lập quy trình ngủ
Với kỹ thuật này, mẹ có thể phối hợp bất kỳ phương pháp nào đang áp dụng để giúp bé ngủ như đung đưa, lắc lư, bế ru, nhưng dần dần sau đó mẹ sẽ giảm lượng thời gian xuống dần đều cho đến khi mẹ không cần phải làm những việc này nữa.
Đây là một kỹ thuật tuyệt vời nếu mẹ muốn con hạn chế khóc, cũng là cách được nhiều bố mẹ áp dụng hiện nay. Điều khó khăn của phương pháp này là bố mẹ phải rèn cho con một nề nếp sinh hoạt thuần thục rồi mới áp dụng luyện ngủ cho con. Chẳng hạn: Con sẽ được ăn no, được chơi, được tắm mát, được thư giãn và đến giờ đi ngủ. Khi đến giờ ngủ, mẹ sẽ quấn bé - bế vác lên vai - đặt bé xuống cũi khi bế buồn ngủ nhưng còn thức - cho bé ngậm ti giả và tự ngủ.
6. Thiết lập giờ ngủ cố định
Giờ đi ngủ của bé bao gồm việc đưa bé vào giường, cũi vào thời điểm bé bắt đầu ngáp, ngủ gật, tức là buồn ngủ theo giấc tự nhiên của bé. Mẹ xác định thời gian đi ngủ tự nhiên này duy trì trong một vài đêm. Sau khi bé đã quen và ổn định với thói quen giờ ngủ tự nhiên này thì mẹ đẩy giờ ngủ lên sớm hơn 15 phút và lại giữ ổn định, rồi lại tiếp tục di chuyển hay thay đổi cho đến giờ ngủ mong muốn. Để tìm ra khi nào bé tự nhiên rơi vào giấc ngủ, mẹ cần theo dõi bằng cuốn nhật ký ghi chép giấc ngủ của con.
Tựu chung lại, cho dù mẹ áp dụng phương pháp luyện ngủ nào cho con cũng đều đòi hỏi sự kiên trì, nhất quán của cha mẹ. Mục đích cuối cùng vẫn là tạo được giấc ngủ khoa học xuyên đêm cho bé, bé có giấc ngủ ngon và sâu hơn mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào mẹ.