THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:04

Chuyên gia cảnh báo: Thời gian vàng phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ chỉ khoảng 6 tháng

 

Sau đột quỵ não, bệnh nhân cần được can thiệp sớm, đúng cách, kiên trì và liên tục

 Đây là nguyên tắc mà bất cứ chuyên gia phục hồi chức năng (PHCN) nào cũng nắm vững và áp dụng cho các bệnh nhân của mình, trong đó có bệnh nhân bị đột quỵ não, PGS, TS Lương Tuấn Khanh cho biết.

PGS, TS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi Chức năng, BV Bạch Mai

 

PGS Khanh thông tin, tại Trung tâm Phục hồi Chức năng, BV Bạch Mai, hơn 50% bệnh nhân nội trú là  do đột quỵ não, có cháu bé chỉ 14 - 15 tuổi cũng đột quỵ  do vỡ phình mạch não. Hiện đột quỵ não đang có xu hướng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân mới ngoài 30 tuổi đã bị đột quỵ, di chứng để lại rất nặng nề.

 

50% số bệnh nhân điều trị nội trú tại TT Phục hồi chức năng BV Bạch Mai là do đột quỵ não


PGS Khanh cho biết, tại Trung tâm phục hồi chức năng, BV Bạch Mai, thông thường một bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu đúng,  đến viện điều trị  kịp thời, tập luyện sớm, đúng cách, sau 4 - 6 tuần tập luyện, có tới 70 - 80% bệnh nhân có thể tự đi lại với sự hỗ trợ của người khác hoặc dụng cụ hỗ trợ. “Mốc thời gian bệnh nhân tiến triển rõ rệt nhất là trong 3 tháng đầu sau đột quỵ, khả năng phục hồi sẽ chậm dần đến  tháng thứ 6 và gần như thành 1 đường thẳng ổn định sau 1 năm, lúc đó chúng tôi gọi là  di chứng sau đột quỵ”, PGS Khanh nói.

Cảnh báo người bị đột quỵ tập luyện sai dẫn đến hậu quả xấu

Chia sẻ với phóng viên, PGS Lương Tuấn Khanh cho biết, bác sĩ đã từng chứng kiến nhiều trường hợp phục hồi rất kỳ diệu. Lúc mới nhập viện, bệnh nhân gần như chỉ nằm trên giường, luôn cần người hỗ trợ, nhưng chỉ sau vài tháng tập luyện đúng cách, bệnh nhân đã đi lại được. Tại Trung tâm PHCN BV Bạch Mai, bệnh nhân được tập luyện bài bản, cá thể hóa trong từng bài tập tùy theo tổn thương, mức độ bệnh, thể trạng của bản thân mỗi người.

Đặc biệt việc phối hợp nhiều phương pháp trong tập luyện rất quan trọng. PGS Khanh ví dụ, như kết hợp vận động trị liệu, hoạt động trị liệu (chi trên hoặc nhận thức), phối hợp với ngôn ngữ trị liệu trong trường hợp bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ, rối loạn chức năng nuốt, tâm lý trị liệu, hoặc phối hợp với các chuyên gia chỉnh hình thiết kế các nẹp hỗ trợ bệnh nhân vận động… Cần can thiệp đa mô thức để PHCN cho người bệnh.

PGS Khanh nói: “Người bệnh và cả người nhà không nên hiểu đơn giản là tập luyện sẽ khỏi bệnh, đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Bản chất của PHCN là  can thiệp giúp bệnh nhân độc lập tối đa với mức tổn thương của họ, giúp họ bình thường nhất với tình trạng của mình”.

Hậu quả sau đột quỵ thường nặng nề, người bệnh nên được tập PHCN sớm và đúng cách


Có nhiều người bệnh đột quỵ khi được cho ra viện về nhà rất năng tập luyện, đi lại những mong sẽ hồi phục hoàn toàn như bình thường. Thực tế là nhiều người có tư thế đi sai, ví dụ như bàn chân kéo lê “như phạt cỏ”, dáng đi lệch vẹo…. nếu đi lại như vậy lâu dần sẽ thành thói quen sai, khiến bàn chân bị lệch, vẹo, thậm chí biến dạng. PGS Khanh cho rằng, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân đột quỵ cần tích cực đi lại, chủ động vận động, nhưng cũng cần được các chuyên gia y  tế đánh giá xem các hình thức vận động có đúng cách không, bởi nếu không còn có hại cho bệnh nhân hoặc dẫn tới những hậu quả không mong muốn.

PGS Khanh khuyên, người nhà nên trở thành một thành phần điều trị cho bệnh nhân, cả bệnh nhân và người nhà đều cần được hướng dẫn để tập luyện cho người bệnh đúng cách bởi nếu không có khi lại thành có hại cho bệnh nhân. Quá trình PHCN của bệnh nhân tại bệnh viện chỉ kéo dài khoảng từ 2 - 3 tháng, trong khi người bệnh phải tập luyện hàng năm sau đó.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh