THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:55

Chuyện gì xảy ra khi hầu hết người Việt không lấy hóa đơn khi mua xăng, dầu?

 

Việc dán tem lên đồng hồ tổng hiện là giải pháp tạm thời trước mắt để chống thất thu thuế trong giao dịch mua bán xăng dầu.


Chia sẻ tại phiên họp báo chuyên đề mới đây, lãnh đạo ngành thuế cho biết: Giải pháp dán tem niêm phong đồng hồ tổng đo đếm lượng xăng tiêu thụ tại từng cột xăng đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính gửi các địa phương đề nghị phối hợp chỉ đạo từ tháng 9/2016. Đến nay, đã có 46 tỉnh, thành phố thực hiện dán tem tại 10.000 điểm cửa hàng, tương ứng là khoảng hơn 30.000 trụ xăng.

Theo ông Nguyễn Văn Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), sản lượng tiêu thụ và số thuế bảo vệ môi trường tại các tỉnh này đã tăng bình quân khoảng 10-20% so với trước đó.

Ví dụ, tại Quảng Ninh, nơi đã hoàn thành việc dán tem từ cuối tháng 11/2016, sản lượng tiêu thụ và số thuế nộp ngân sách của tháng sau đó đã tăng khoảng 15% so với thời điểm trước khi dán tem. Đặc biệt, với Nghệ An, sản lượng tiêu thụ và số thuế nộp về tăng tới 20% so với trước.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành thuế cũng lưu ý rằng, cho dù việc dám tem niêm phong đồng hồ tổng là một giải pháp tốt để chống thất thu ngân sách, song sự chênh lệch trên có thể không hoàn toàn xuất phát từ giải pháp này. Một số yếu tố khác có thể gây biến động sản lượng tiêu thụ và số thu ngân sách như nhu cầu tiêu dùng, yếu tố dự trữ, tính chất mùa vụ...

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) bình luận, cần phải đặt câu hỏi vì sao ở nước ngoài người dân tự bơm xăng, trả tiền nhưng Nhà nước vẫn thu được thuế? Trong khi đó, ở ta, việc lấy hóa đơn khi mua xăng, dầu vẫn còn xảy ra gian lận.

Đại diện ngành thuế lý giải, sự thuận lợi ở các nước đó là có sự liên thông giữa các đơn vị kinh doanh, cơ quan thuế và người tiêu dùng. Ở Việt Nam, việc tự bơm xăng cũng đã được áp dụng, song người tiêu dùng vẫn phải đợi làm phiếu, viết hóa đơn khá mất thời gian.

"Tham vọng của ngành thuế là mỗi lần bơm xăng, vòi xăng sẽ tự động cập nhật vào phần mềm, bao nhiêu lít, bao nhiêu tiền và trên cơ sở đó, nó sẽ tích hợp vào phần mềm quản lý xăng dầu, chuyển tới bộ phận quản lý. Cái đó ta sẽ làm được nếu có phần mềm đồng bộ, quản lý bán hàng song song với phần mềm thuế", ông Phụng cho hay.

Tuy nhiên, hiện nay, với số tiền đầu tư cho thiết bị, hệ thống quản lý lớn nên mục tiêu này vẫn chưa thể đạt được. Ngay cả Petrolimex cũng mới chỉ thực hiện thí điểm và gặp khó vì đầu tư.

Do đó, giải pháp trước mắt vẫn là dán tem. "Ta có 23-24 đầu mối kinh doanh xăng dầu, tiềm lực khác nhau, không thể trang bị đồng bộ nên phải có giải pháp dán tem để đảm bảo phù hợp", ông Phụng cho biết.

Về câu chuyện lấy hóa đơn, theo ông Nguyễn Văn Phụng, hiện phần lớn người mua xăng, dầu ở Việt Nam đều không lấy hóa đơn. Lượng xăng, dầu này sẽ được dồn lại và chỉ cần trả vài chục nghìn đồng, những người có nhu cầu sẽ có thể mua hóa đơn cho lượng nhiên liệu thực tế họ không mua - đây chính là gian lận.

Chính vậy, đại diện ngành thuế cho rằng, cần có giải pháp để khuyến khích người dân lấy hóa đơn khi mua xăng. Ở Hàn Quốc, nước này khuyến khích người dân lấy hóa đơn bằng cách thưởng tiền cho người lấy hóa đơn, song với Việt Nam, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, đó mới chỉ là kinh nghiệm để "cân nhắc", còn áp dụng thực tế thì vẫn "hơi khó".

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn cho rằng, ngay từ bây giờ, cần thiết phải nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư hệ thống, thiết bị và chuẩn bị cơ sở pháp lý để áp dụng hóa đơn điện tử tới tất cả cửa hàng, chi nhánh, công ty kinh doanh xăng, dầu. Bên cạnh đó là kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế để đảm bảo chống thất thu thuế trong lĩnh vực xăng dầu được hiệu quả hơn.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh