CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:57

Chuyện ghi ở tâm dịch: Trước ngày "bình thường mới"...

Càng gần cuối tháng 9, những thành viên trong gia đình anh Phạm Hùng Cường (phường An Phú, TP. Thủ Đức) càng cảm thấy nôn nao. Đã hơn 4 tháng nay, anh chị cùng 2 con nhỏ đều thực hiện nghiêm yêu cầu của chính quyền “ai ở đâu ở yên đó”, “chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết”… nên cảm thấy hết sức tù túng; dù cuộc sống gia đình anh khá thoải mái trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách.

Empty

Gần tới "cột mốc" ngày 1/10, anh chị lên sẵn kế hoạch "tái hòa nhập cộng đồng": Anh sẽ đến công ty để gặp gỡ các cộng sự, bàn bạc trực tiếp về những công việc sắp tới. Chị sẽ đến công ty, dành vài ngày đầu tiên để rà soát lại các mối quan hệ, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của công ty và chuẩn bị các nội dung tư vấn cho ban lãnh đạo công ty để thúc đẩy tiến trình hồi phục từ nay đến cuối năm.

Empty

 "Sau thời gian dài ở nhà, việc quay trở lại làm việc chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, trắc trở. Không riêng mình mà hầu hết mọi người cũng đều trong trạng thái như vậy. Nên việc "tái khởi động" sẽ đòi hỏi khoảng thời gian không ít và phải tập làm quen trở lại với rất nhiều thứ mà trước đây vốn đã rất quen thuộc…", anh Cường chia sẻ.

Empty

Là hàng xóm của anh Cường, gia đình anh Minh Trí cũng có những trăn trở trước thềm "bình thường mới". Anh Trí là chuyên viên công nghệ thông tin, công việc hoàn toàn có thể làm ở nhà trong suốt những tháng "nghỉ dịch". Thế nhưng, "rất nhiều công việc vẫn không thể làm việc từ xa một cách hiệu quả, nhất là những giao dịch cần trao đổi trực tiếp với khách hàng. Vì vậy, việc đầu tiên tôi phải làm trong tuần đầu "tái mở cửa" là liên hệ lại với khách hàng để rà soát các đơn hàng, đàm phán, thương thảo để xúc tiến các hợp đồng mới", anh cho biết.

Trong khi đó, chị Nhi, vợ anh Trí là chuyên viên nhân sự của một doanh nghiệp nước ngoài. Sau hơn 4 tháng "nghỉ dịch", nhiều nhân sự không trụ lại được thành phố đã về quê, một số khác nghỉ việc. Công việc của chị những ngày tới hẳn khá nặng nề. "Trước hết, cần phải kết nối lại với những nhân sự đã nghỉ việc nhưng vẫn còn ở lại thành phố để mời họ đi làm lại. Với những nhân sự đã rời thành phố, nếu không mời họ quay lại làm việc trong thời gian sớm nhất thì phải có kế hoạch tìm kiếm nhân sự thay thế. Việc tìm nhân sự đạt yêu cầu của công ty vào lúc này là hết sức khó khăn. Đó là chưa nói tới chuyện thời gian tới, công ty sẽ phải tính toán lại chiến lược hoạt động, thay đổi một số phương thức vận hành để phù hợp với tình hình trong thời kỳ "bình thường mới". Điều này đòi hỏi mình phải vừa nắm bắt, thích ứng với điều kiện mới, vừa tìm cách lấp đầy các "khoảng trống" nhân sự theo yêu cầu mới, chắc hẳn sẽ rất khó khăn, căng thẳng", chị Nhi chia sẻ.

Empty

Ở phường An Khánh, TP. Thủ Đức, bà Tám làm nghề bán rau ở khu vực chợ Đo Đạc đã nhiều năm nay. Thời gian qua, chợ búa đóng cửa, bà nghỉ bán, gia đình không có thu nhập, cuộc sống hết sức khó khăn, chủ yếu phải trông chờ vào nguồn trợ cấp của chính quyền và hỗ trợ của các lực lượng thiện nguyện. "Nghe nói sau ngày 1/10, chính quyền cho mở lại chợ để buôn bán. Dù chưa biết chính xác là việc buôn bán sẽ được tổ chức ra sao nhưng tôi mừng lắm. Vì dù sao tôi cũng sẽ được đi bán lại, gia đình có thu nhập, ít nhiều cũng đỡ hơn mấy tháng qua", bà chia sẻ.

Đã trải qua những tháng ngày dịch bệnh kinh hoàng, người dân TP. Hồ Chí Minh đã mong đợi ngày "tái mở cửa" với biết bao hy vọng. Đó hẳn sẽ là một ngày đặc biệt...

VIỆT HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh