CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:13

Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu để báo chí phát triển

Chuyển đổi số trong báo chí còn chậm

* Xin ông cho biết báo chí của chúng ta đang CĐS như thế nào và đã bắt nhịp được chưa?

- CĐS là xu hướng rất rõ nét trong mọi mặt xã hội và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy nhiên, trong lĩnh vực báo chí, cách hiểu về CĐS cũng chưa thật rõ ràng. Nhiều tòa soạn có được trang web, có đầy đủ máy móc, thiết bị hiện đại thế là yên tâm là đã CĐS xong, nhưng đó mới chỉ là thực hiện một phần số hóa mà thôi.

Ông Lê Quốc Minh

Ông Lê Quốc Minh

Theo định nghĩa về CĐS, một tòa soạn không chỉ sản xuất nội dung trên nền tảng số mà phải xây dựng được văn hóa mới, tạo ra được những sản phẩm mới, quy trình sản xuất mới, cách thức mới trong mọi hoạt động vận hành, quản lý của mình, kể cả hoạt động tài chính, kế toán… thì mới gọi là CĐS. Bên cạnh đó, CĐS không phải là quá trình xong rồi thì dừng lại mà là một quá trình liên tục, từ cấp độ thấp lên cấp độ cao hơn.

Tại Việt Nam, đã có những tòa soạn có bước đi đầu tiên trong quá trình CĐS và đã mang lại hiệu quả, tạo ra những dấu hiệu tích cực. Điều này không chỉ diễn ra ở những cơ quan báo chí lớn, một số cơ quan báo chí địa phương cũng đang chuyển mình rất mạnh mẽ, mạnh dạn đầu tư vào hệ thống quản trị nội dung CMS hiện đại nhằm tạo ra những sản phẩm mới lạ từ đồ họa, báo chí dữ liệu, những nội dung chuyên sâu, đa phương tiện… Đồng thời thúc đẩy thông tin lên rất nhiều nền tảng khác nhau, không chỉ trên Facebook, Zalo mà còn phát triển đa kênh: Twister, Youtube, Instagram, Tiktok… để tăng sức lan tỏa. Các video clip có thể đạt hàng chục, hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu lượt xem. Đó cũng là những cách thức CĐS.

Tuy nhiên, nhìn chung công tác CĐS của báo chí Việt Nam vẫn tương đối chậm chạp, vẫn trong chế độ chờ đợi, thăm dò xem các cơ quan khác làm như thế nào rồi mình mới làm, chưa dám mạnh dạn thử nghiệm những công nghệ mới, những sản phẩm mới.

* Theo ông, quá trình CĐS đang đặt ra những khó khăn, thách thức gì cho các cơ quan báo chí và hướng giải quyết ra sao?

- Thách thức đầu tiên của CĐS là phải tạo được nguồn thu từ độc giả. Các cơ quan báo chí nước ngoài khi nói đến CĐS họ rất quan tâm đến việc đa dạng hóa nguồn thu, trong đó có câu chuyện thu phí người dùng trên nền tảng digital hoặc xây dựng cơ chế thành viên (membership) để được hưởng ưu đãi, thậm chí có tòa soạn còn tổ chức cả thương mại điện tử. Một số cơ quan báo chí ở Việt Nam như: Vietnam Plus, Tạp chí Ngày nay, Vietnamnet… đã xây dựng những sản phẩm chất lượng cao (premium) để thu phí nhưng cũng chưa thực sự đầu tư mạnh mẽ để thu hút người dùng và tăng thêm nguồn thu. Có những cơ quan đã mạnh dạn đầu tư vào công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo để theo dõi, nắm bắt hành vi người dùng để có thể đẩy thông tin phù hợp đến từng đối tượng người xem hoặc làm các bản tin newsletter (bản tin email) để tự động gửi cho khách hàng… Đó cũng là các nỗ lực của quá trình CĐS nhưng hiện nay vẫn còn rất ít các cơ quan báo chí làm được như vậy.

Câu chuyện kinh phí đầu tư cũng là trở ngại rất lớn. Khi nói đến đầu tư công nghệ thì ai cũng nghĩ là tốn kém. Đối với các cơ quan báo chí lớn thì rõ ràng có thể đầu tư được công nghệ hiện đại, nhưng các tòa soạn nhỏ với nguồn ngân sách vừa phải nhưng nếu tìm được công nghệ phù hợp với quy mô, mục tiêu của mình thì vẫn có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, thách thức quan trọng nhất chính là yếu tố con người. Kinh phí chúng ta có thể thu xếp được, công nghệ có thể mua hoặc thuê nhưng khi đã có đầy đủ mà không biết triển khai, vận dụng một cách hiệu quả thì cũng không thành công. Ở đây, vai trò của người đứng đầu là vô cùng quan trọng. Biết được nhu cầu phải CĐS nhưng người lãnh đạo không quyết tâm, ngập ngừng, những người quản lý cấp trung cũng không được thấm nhuần tư tưởng về CĐS thì bộ máy sẽ ì ạch.

Do vậy, phải có quyết tâm, mong muốn thay đổi tư duy thì sẽ tìm ra cách chuyển đổi phù hợp, dù có thể có khó khăn về mặt nhân lực, công nghệ, tài chính... Khi chần chừ, e ngại, có thái độ chờ xem thì sẽ viện dẫn ra rất nhiều lý do để trì hoãn CĐS.

Quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy và cách làm

* Ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo ông, các cơ quan báo chí cần làm gì để thực hiện những mục tiêu đề ra trong chiến lược?

- Chiến lược của Chính phủ giống như một định hướng, mong muốn chúng ta đạt được mục tiêu trong tương lai nhưng thực hiện được hay không còn tùy thuộc vào từng cơ quan báo chí. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí hay Hội Nhà báo Việt Nam không thể cầm tay chỉ việc để các cơ quan báo chí thực hiện được điều đó. Chúng ta hiểu một logic rất đơn giản, nếu các cơ quan báo chí không thực hiện CĐS kịp với sự chuyển đổi của người dùng thì họ sẽ không thực hiện được sứ mệnh của mình, thậm chí bị đào thải.

Nhà nước muốn đặt ra mục tiêu dù là bất kỳ tờ báo nào cũng phải CĐS để phục vụ tốt nhất đối tượng độc giả, khán thính giả của mình. Còn từng cơ quan báo chí làm như thế nào còn phụ thuộc vào quyền chủ động của họ trong việc dành bao nhiêu nguồn lực để đầu tư vào công nghệ, để đào tạo con người hay đi sâu vào nội dung và tạo ra những sản phẩm mới... Nếu không làm được thì người dùng sẽ chuyển sang các nền tảng khác, lượng theo dõi, truy cập sẽ ngày càng ít trong khi ngân sách nhà nước ngày càng giảm, tất yếu sẽ dẫn đến bị đào thải.

Do vậy, điều quan trọng nhất của các cơ quan báo chí trong CĐS là phải thay đổi tư duy và cách làm, trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại để làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội, hướng tới phương thức sản xuất, cung cấp thông tin đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa nguồn thu.

* Ông có lời khuyên gì cho các cơ quan báo chí và những người làm báo để họ thích ứng kịp thời với bối cảnh CĐS hiện nay?

- CĐS nói chung và CĐS báo chí nói riêng là hoạt động mới và khó, thậm chí rất khó do lĩnh vực truyền thông luôn biến động không ngừng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, báo chí phải chủ động CĐS là xu thế tất yếu. Trong môi trường thông tin cạnh tranh, nội dung hay chưa đủ, mà các cơ quan báo chí cần không ngừng đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số.

Chuyển đổi số đòi hỏi các nhà báo thời hiện đại phải biết nhiều kỹ năng cũng như những kiến thức cơ bản về mặt lập trình, công nghệ.

Chuyển đổi số đòi hỏi các nhà báo thời hiện đại phải biết nhiều kỹ năng cũng như những kiến thức cơ bản về mặt lập trình, công nghệ.

Đối với các nhà báo thời hiện đại phải biết nhiều kỹ năng: Viết, chụp hình, quay video, đặc biệt phải biết kiến thức cơ bản về mặt lập trình, công nghệ. Một số trường đại học báo chí đã có những môn học mang tính chất đại cương về vấn đề thiết kế, lập trình nhưng từng cá nhân phóng viên cũng phải tự trau dồi, học hỏi để phục vụ tốt nhất cho công việc; phải tìm hiểu để tận dụng được tối đa công nghệ xung quanh mình, đặc biệt là việc sử dụng hiệu quả những công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, vũ trụ ảo… trong tương lai.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/4/2023 đặt mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Phấn đấu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

THÙY HƯƠNG (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh