THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:48

Chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu

TS. Nguyễn Thành Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương phát biểu tại Hội thảo

TS. Nguyễn Thành Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương phát biểu tại Hội thảo

Hệ thống hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ

Chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề quan trọng của tiến trình phát triển bền vững đô thị.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị những năm qua, hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đã được quan tâm đầu tư, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ.

Nhiều công trình đường cao tốc, quốc lộ, các tuyến vành đai tại các đô thị lớn, cảng hàng không, cảng biển quan trọng, quy mô lớn được xây dựng và nâng cấp đã góp phần làm tăng khả năng kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và giao thương quốc tế.

Giao thông công cộng được quan tâm phát triển, hệ thống giao thông công cộng vận tải khối lượng lớn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang dần được hình thành. Nhiều nhà máy cấp nước công suất lớn được đầu tư xây dựng.

Hầu hết các đô thị đã xây dựng kế hoạch và thực hiện nâng cấp, cải tạo, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Hạ tầng chiếu sáng, xây xanh được cải thiện. Hạ tầng xã hội bao gồm giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao du lịch, thương mại và dịch vụ... tại các đô thị được quan tâm đầu tư.

Hạ tầng số của Việt Nam cơ bản đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN, internet băng thông rộng phủ 100% các xã.

4

“Tuy nhiên, đánh giá khách quan cho thấy, cho đến nay hệ thống hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, liên kết yếu. Chưa hình thành được hệ thống hạ tầng khung thống nhất và đồng bộ liên kết giữa các vùng”, Phó Ban Kinh tế Trung ương thẳng thắn. Đồng thời cho biết hệ thống hạ tầng đô thị còn chưa đa dạng phương thức kết nối vùng và bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có dấu hiệu quá tải tại các đô thị lớn.

Tỉ lệ đất dành cho giao thông ở mức thấp, các tuyến đường sắt đô thị chậm tiến độ, chưa đưa vào sử dụng; hệ thống vận tải công cộng vận hành hiệu quả thấp, chỉ đạt khoảng 16-20% so với quy định Luật giao thông đường bộ. An ninh, an toàn về nguồn nước, chất lượng nước, tính liên tục trong cấp nước chưa được bảo đảm, nhiều nơi người dân đô thị còn thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô hạn, xâm nhập mặn;

Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị còn nhiều hạn chế, mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thoát nước đô thị, tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý tại đô thị chỉ đạt khoảng 13%, phần lớn các nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động dưới công suất 50% công suất thiết kế và xây dựng.

Đáng lưu ý, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra tình trạng ngập úng đô thị thường xuyên xảy ra, kể cả đối với đô thị miền núi. Xử lý chất thải rắn đa số vẫn bằng phương pháp chôn lấp, có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.

Hạ tầng chiếu sáng đô thị tại các đô thị trung bình và nhỏ chất lượng chưa cao. Tỷ lệ cây xanh đô thị Việt Nam chỉ bằng 1/5 trung bình thế giới, thấp hơn nhiều so với các nước có đô thị phát triển.

Chưa đa dạng phương thức kết nối vùng, chưa tận dụng tốt địa hình, địa lý để phát triển giao thông như đường thủy, nội địa, đường sắt, liên kết nội đô thị và liên kết vùng đô thị chủ yếu dựa trên hệ thống giao thông đường bộ; giao thông cá nhân chiếm tỉ trọng gần như tuyệt đối trong giao thông đô thị.

Hệ thống các công trình hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, công viên cây xanh, sân chơi cho người dân còn thiếu, chỉ tiêu thấp hơn so với quy chuẩn, tiêu chuẩn.

3

Đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị 

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao hiệu quả quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững của Việt Nam trong thời gian tới, Nghị quyết 06-NQ/TW đã đề ra mục tiêu “kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại”, đồng thời có riêng 1 nhóm nhiệm vụ về “phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu” với nhiều định hướng giải pháp cụ thể như: Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đến năm 2030. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và kỹ thuật diện rộng, hạ tầng.

Nghị quyết 06 cũng nhấn mạnh nhiệm vụ “đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh”.

Thực tiễn về chuyển đổi số hiện nay cho thấy, đã có 55/63 địa phương đã ban hành nghị quyết/chỉ thị/văn bản của tỉnh ủy/thành ủy về chuyển đổi số; 59/63 địa phương ban hành chương trình/kế hoạch/đề án về chuyển đổi số giai đoạn 05 năm. Chỉ số cấp tỉnh đánh giá mức độ chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đạt mức trung bình là 0,3 trên thang điểm tuyệt đối là 1,0.

Đơn cử như TP. Đà Nẵng đang chú trọng tới chuyển đổi số trong quản lý đô thị, TS Nguyễn Quang Thanh- Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông- TP. Đà Nẵng cho biết, đề án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã lồng ghép các giải pháp thành phố thông minh đồng bộ trong mô hình phát triển đô thị.

“Đề án đã xác định ứng dụng công nghệ thông tin trong hạng mục quy hoạch đô thị và phát triển hạ tầng kỹ thật đô thị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đo thị và cung cấp các dịch vụ, tiện ích thông tin cho người dân”- TS Nguyễn Quang Thanh bày tỏ.

Trong 3 trụ cột nêu trên, trụ cột chính quyền số có chỉ số trung bình cao hơn so với trụ cột kinh tế số và xã hội số, do kế thừa những kết quả của tiến trình phát triển Chính phủ điện tử. "Nghiên cứu và thực tiễn cho thấy, để phát triển và hình thành những đô thị thông minh trước hết phải thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng hàng đầu đến chuyển đổi số trong quản lý đô thị”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, các đại biểu được nghe 6 báo cáo chính từ các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong và ngoài nước xoay quanh những vấn đề về kinh nghiệm trong triển khai chuyển đổi số của địa phương gắn với yêu cầu xây dựng và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo;

Hạ tầng số cho đô thị tương lai; giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự đô thị; xây dựng xã hội carbon thấp và thông minh; định hướng xây dựng dự án phát triển đô thị bền vững, thông minh và đáng sống; phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh