CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:08

Chuyện đời, chuyện nghề của những nữ cascadeur

Công việc luôn phải đối mặt với hiểm nguy trong khi thu nhập lại bấp bênh, vậy điều gì đã khiến những “bóng hồng” này gắn đời mình với cái nghề tưởng như không dành cho phụ nữ?

 

NỮ NHI ĂN… GAN HÙM

Đến tận nơi tập luyện của CLB Cascadeur Quốc Thịnh, tôi mới cảm nhận được sự gian khổ và nguy hiểm của nghề cascadeur trong từng pha hành động. Cứ chiều tối, bắt đầu từ 18 giờ đến 21 giờ 30, hàng chục anh chị em trong CLB lại miệt mài trên sàn tập để bay, nhảy, té, nhào lộn, đánh đấm… Trong số họ, không ít người là nữ giới.

Những cô gái dấn thân vào nghề cascadeur phải trải qua quá trình tập luyện đầy cam go

Trái với suy nghĩ ban đầu của tôi, tưởng những nữ cascadeur chắc có hình thức đầy “nam tính”, ngược lại họ tỏ ra rất yểu điệu, thậm chí khá xinh đẹp. Mồ hôi ướt đẫm áo, nữ cascadeur Phi Ngọc Ánh, chia sẻ về cơ duyên đến với nghề: “Ánh tốt nghiệp trung cấp y, khoa răng hàm mặt của ĐH Y Dược TP.HCM. Nhưng một lần tình cờ đi casting cho phim “Sát thủ” (đạo diễn Vĩnh Khương), thì được “bầu sô” của CLB cascadeur Quốc Thịnh phát hiện và chiêu mộ. Từ nhỏ đã theo học võ thuật, thấy thú vị, thế là Ánh đồng ý  gia nhập “cuộc chơi”. Đến giờ thì “nghề” cascadeur đã trở thành niềm đam mê không thể bỏ được”.

Ánh bồi hồi nhớ lại: Ban đầu, khi thấy Ánh có ý định theo nghề cascadeur, gia đình phản đối dữ dội. Thậm chí mẹ còn ra tối hậu thư: “Sẽ từ mặt nếu không nghe lời!”. Phản ứng đó là dễ hiểu, bởi ít bậc cha mẹ nào lại muốn cho con mình theo cái nghề “quái dị” này, suốt ngày chỉ biết đấm đá, té ngã, đua xe, nhảy lầu, thậm chí có khi còn bị... đốt cháy.

Ánh đã phải trấn an mẹ và giải thích để cho gia đình hiểu đúng về công việc của mình. May thay, “mưa dầm thấm lâu”, đến giờ khi thấy Ánh vững vàng trong công việc, có chút thành công nên gia đình không còn phản đối nữa

Nói chuyện về những năm tháng làm cascadeur, ánh mắt Ngọc Ánh bỗng ngời lên niềm tự hào: “Thời gian đầu, không biết nói sao cho hết khó khăn. Sau mỗi buổi tập, cả người đau ê ẩm. Nhiều đêm không ngủ được, chỉ biết ngồi ôm gối mà khóc. Thậm chí đã nhiều lần mình đã phải “ăn đòn” của đối phương vì quên “bài”. Nhưng càng ngày mình diễn càng thuần thục hơn, nhờ các thầy giúp đỡ, và cũng nhờ tự rút kinh nghiệm sau mỗi cú đòn đau…”.

Khác với vẻ mạnh mẽ và lạnh lùng trong phim, ngoài đời cascadeur Phi Ngọc Ánh rất xinh đẹp và nữ tính

Theo Ánh, để trở thành một  cascadeur thì việc biết võ chỉ là điều cơ bản. Cái chính là sự gan dạ, tố chất nhanh nhẹn, và trên hết là sự đam mê mạo hiểm. Bởi trong một bộ phim, đôi khi sức lao động của cascadeur còn cực gấp nhiều lần diễn viên chính. Có những bộ phim Ánh đã phải quay cảnh đánh nhau suốt từ 10 giờ sáng đến hơn 1 giờ trưa giữa nắng nóng bỏng da trên nóc container. Hay như cảnh đua canô trên biển với tốc độ 70 hải lý/giờ, vừa chạy vừa bắn… “Những cảnh quay ấy nhìn trên tivi thì thấy có vẻ đơn giản, nhưng khi mình trực tiếp tham gia đóng thế thì vất vả và nguy hiểm lắm”, cô bộc bạch.

Nhiều năm theo nghề, thành tích của Ánh có thể đếm trên số vết sẹo của những lần bị ngã hay lãnh trọn những có ra đòn của các đồng nghiệp. “Tai nạn nghề nghiệp đối với một cascadeur là điều không tránh khỏi. Trên thân thể không biết bao nhiêu vết sẹo mà kể. Còn chuyện bầm dập, trầy xước, bong gân... thì quá bình thường. Thi thoảng trên truyền hình chiếu lại những bộ phim mình đóng thế, Ánh cảm thấy sung sướng, hạnh phúc lắm, dù chẳng ai biết mặt mình”, Ánh mỉm cười tâm sự.

Cùng niềm đam mê nghề cascadeur giống “sư tỉ” Ngọc Ánh, khi vừa tốt nghiệp trường CĐ Sân khấu Điện ảnh TP HCM, Kim Dung (1988) ngay lập tức nộp đơn vào CLB Quốc Thịnh. Những ngăn cản từ gia đình không thể dập tắt ước mơ được hóa thân thành các nhân vật khỏe khoắn, mạo hiểm của cô gái trẻ này. Hai tháng tập luyện vất vả, những nỗ lực của Kim Dung đã được đáp đền bằng bằng một cảnh quay đầu tiên trong phim “Cầu vồng đơn sắc”. Cái cảm giác của lần đầu tiên liều mình lao từ cầu xuống sông không có dây bảo hiểm khiến cô gái mới tuổi đôi mươi này nhớ mãi. “Đây là một cảnh quay khó, đòi hỏi sự tập trung cao độ và chút máu “liều”. Ban đầu em cảm thấy rất run, nhưng sự động viên của các thầy đã giúp em tự tin hơn rất nhiều. Khi đóng xong cảnh này, cả đoàn làm phim vỗ tay khen ngợi khiến em rơi nước mắt. Làm nghề này phải luôn đối mặt với nguy hiểm. Đôi khi cảnh quay chỉ vài giây ngắn ngủi nhưng đó là cả một quá trình luyện tập lâu dài và vất vả của tụi em”, Kim Dung chia sẻ.

 

NHỮNG NỖI NIỀM RIÊNG

Theo HLV Quốc Thịnh, Chủ nhiệm CLB cascadeur Quốc Thịnh thì hiện nay ở TP.HCM số lượng các nữ cascadeur chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi đây là nghề có tuổi thọ cực ngắn đối với nữ. Thông thường, chỉ khoảng 30 tuổi là đã bị xem là “về hưu” rồi. Còn khi lập gia đình thì rất khó có thể trở lại với nghề. Đã thế, với những cascadeur không có “nghề tay trái” thì cuộc sống khó khăn vô vàn, khác hẳn những khoảnh khắc hóa thân tuyệt vời trên màn ảnh. Hiện những nữ cascadeur ở CLB đều phải làm thêm những nghề khác để “nuôi” niềm đam mê cho mình như Thanh Hoa dạy võ; Ngọc Ánh vừa làm người mẫu, vừa đóng phim, Mỹ Trâm là huấn luyện viên thể dục nhào lộn, thể dục nhịp điệu ở các nhà văn hóa...

Mặc dù phải luyện tập khổ sở và chịu nhiều nguy hiểm, nhưng cát sẽ của các cô gái cascadeur hiện ở mức khá thấp

Thế thân trong những pha nguy hiểm cho các diễn viên, nhưng thu nhập của nghề cascadeur lại thấp. Mức cát-sê cơ bản hiện nay là: 400.000đ/ngày với phim truyền hình, 600.000đ/ngày cho phim điện ảnh hoặc ca nhạc, từ 800.000đ đến 1.000.000đ/ngày đối với phim quảng cáo. Khung giá này có thể thay đổi tùy theo mức độ và tính chất nguy hiểm của công việc, nhưng lâu lâu mới nhận được một vai, có khi chờ cả tháng không nhận được lời mời nào. “Gặp nhiều rủi ro, trong khi bảo hiểm thì không có, nên chỉ cần một lần gặp tai nạn nghề nghiệp nghiêm trọng thì dù có gom hết tiền thù lao kiếm được trong 3 năm làm việc cật lực cũng không đủ trang trải chi phí điều trị thương tật.”, Ánh tâm sự.

Trong các CLB ở TP.HCM còn mấy cô gái tuổi đôi mươi nữa cũng đang khao khát trở thành những cascadeur chuyên nghiệp. Nhìn các nữ cascadeur say mê tập luyện với những bài tập đòi hỏi sức chịu đựng cao, HLV Quốc Thịnh không khỏi trăn trở: “Đáng lẽ ra ở cái tuổi này, các em phải tìm cho mình một công việc tốt hơn, chứ suốt ngày có đấm đá, nhảy cầu rồi tông xe thế này tôi cảm thấy xót lắm”.

Cascadeur Lê Thảo dành thời gian rảnh rỗi để thư giãn

Rất trùng hợp là khi được hỏi về chuyện bạn trai, các nữ cascadeur đều lắc đầu tâm sự: “Con gái làm cascadeur ai mà thèm để ý! Người ngoài nhìn vào, ai cũng nghĩ, con gái mà làm nghề đóng thế này chắc dữ dằn lắm nên rất ít đàn ông để ý.

Rất nhiều nữ cascadeur đã bị người yêu cho sự lựa chọn “hoặc anh hoặc nghề”. Tính cách có mạnh mẽ đến đâu thì tụi em vẫn là phụ nữ, có những lúc yếu lòng và muốn được mềm yếu trong vòng tay mạnh mẽ khác”, Ngọc Ánh trải lòng.

Hầu hết những nữ cascadeur đeo đuổi nghề này chịu rất nhiều thiệt thòi. Nhưng ít ai biết và thấu hiểu được những nỗi niềm riêng của họ. Vậy nên, chỉ có sự đam mê mãnh liệt mới có thể giúp họ vượt qua được nhiều thử thách cam go để trụ vững với nghề.

TẠ MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh