Chuyện của người trồng cam
- Y học 360
- 18:05 - 14/01/2016
Nghe Bùi Quang Vinh, nguyên thượng tá quân đội nhân dân Việt Nam, Huyện đội trưởng huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) năm nay đã ngoại ngũ tuần, tự giới thiệu quê ở Cẩm Khê, tôi liền ứng khẩu: "Đâu đâu cũng Phú Thọ mình - Gặp nhau một cách thình lình ở đây".- "Đúng là con cháu Bút Tre!" - Vinh phụ họa theo và chúng tôi cùng cười vang lên trong bầu không khí thân mật một cách tự nhiên. Sau đó, anh vui vẻ dành hẳn một ngày đánh xe dẫn tôi đi thăm cơ ngơi 6 ha "cây ăn quả có múi" của mình. Trong câu chuyện lai rai với tôi, anh không giấu nổi niềm tự hào:
- Năm 2006, được nghỉ hưu, tôi liền mua một ha đất hoang và thử trồng cam...
- Vậy là anh đã khởi nghiệp từ cây cam ?
- Tôi nói "cây ăn quả có múi" là bao gồm cả cam, chanh, quýt, bưởi... Anh nhìn thì biết. Năm 2008, chúng tôi bắt đầu trồng hai loại cam. Cam lòng vàng, còn gọi là cam Vinh mà anh vừa hái đó. Loại thứ hai là cam đường Canh, quả to, trơn, muốn ăn thì phải dùng dao bổ.
Đưa “ngọt đến tay” mọi nhà, đó là mong muốn của những gia đình trồng cam ở Cao Phong. Đó là khẩu ngữ, không, là thành ngữ mới do những người làm nghề trồng cây ăn quả đúc rút nên, khiến tôi rất tâm đắc. Cam ở Cao Phong có vị ngọt thơm, không chua như ta vẫn gặp bày bán ở các chợ. Vị ngọt được chưng cất từ đất cằn, được chiết ra từ ý chí con người. Điều đó đồng nghĩa với việc mùa thu hoạch trái cây, mùa của những dư vị ngọt ngào dân dã, mùa của những kỳ vọng làm giàu từ cây đang đến gần với mọi nhà.
Câu chuyện giữa chủ và khách bị ngắt quãng bởi một tiếng nổ đinh tai, nhức óc làm rung chuyển cả trái núi mà hai chúng tôi đang đứng. Một luồng bụi trắng khổng lồ bốc lên cao, rồi lan rộng ra. Những tảng đá lớn theo nhau lao ầm ầm xuống dốc, bất chấp mọi lực cản. Đá nhỏ hơn thì bay tản mát khắp nơi, nghe rào rào như mưa, có điều không gây nguy hiểm cho con người. Không gian bỗng chốc như lắng xuống, chờ đợi. Cuộc sống thường ngày ở đây là như vậy. Máy nghiền đá, sàng đá bắt đầu hoạt động trở lại theo kế hoạch đã được hoạch định từ trước.
Những chiếc xe vận tải chạy như bay trong đám bụi đá dày đặc, tiếng bánh lốp xiết xuống mặt đường lồi lõm những ổ gà và vũng nước sâu hoắm sau mấy ngày mưa dầm dề. Cánh lái xe ai nấy đều tỏ ra chăm chú vào công việc, không dám chểnh mảng tay lái, phớt lờ cả mấy chiếc nón trắng bên lề đường đang vẫy theo rối rít.
Vinh vừa phóng tầm mắt về phía những dãy núi đá nhấp nhô chạy dài tưởng chừng vô tận, vừa nói thật to một câu gì đó nhắc nhở phải đề phòng rủi ro trong lúc làm việc trên địa hình hiểm trở. Anh nhìn tôi như muốn dốc bầu tâm sự:
- Trước khi đến với nhóm cây ăn quả có múi, tôi đã từng đánh đá, nổ mìn...
- Nghĩa là đã nếm trái đắng, trước khi biết trái ngọt?
- Ai cũng nghĩ là tôi đã tránh được một nghề dễ gặp nguy hiểm, Vinh nói như thanh minh. Hóa ra tôi là thằng ích kỷ! Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Giàu hay nghèo là ở đôi tay mình cả. Tôi chuyển nghề là vì sức khỏe.
- Anh là người luôn có ý hướng thiện. - Tôi nói lời động viên.
- Không dám! Cái trò đánh đá, nổ mìn cũng có ngọt ngào chứ.- Anh nói mạnh.
Nếu không, làm sao tôi có thể gắn bó với nghề này hàng chục năm liền? Còn bao nhiêu con người như tôi nữa? Ai mà nghĩ rằng, những ngọn núi đá lừng lững lượn sóng phía trước kia khoảng ba chục năm nữa sẽ bị bóc tách hết, nghĩa là sẽ trở nên... bình địa?
Chao ơi là núi! Thoạt nhìn dễ lầm tưởng là những cánh rừng cây cổ thụ bạt ngàn xanh, thực chất đó chỉ là cái vỏ bề mặt. Dưới những thảm xanh kia có đến trên chín mươi phần trăm là đá, là thạch lâm hẳn hoi. Những ngọn núi đá lô xô, kế tiếp nhau, dựa vào nhau mà tồn tại từ nhiều triệu năm nay, tạo nên một bức tường đá thâm u tưởng như bất khả xâm phạm. Những đám mù trắng đùn ra từ các hốc đá trên lưng chừng núi cứ bay vật vờ trong không trung, bất chấp nắng mưa, gió bão. Con ác điểu giang đôi cánh lực lưỡng lao vút về phía thảm xanh, rồi mất hút giữa đám mù đặc sệt, chỉ kịp ném lại phía sau một tiếng kêu ai oán khi cái kho tài nguyên đá khổng lồ vốn yên hàn của nó đã bị khuấy động. Đúng là một kho tài nguyên đá khổng lồ mà tạo hóa để lại cho con người! Bởi thế mới có tên gọi mỏ đá - mỏ đá Ngọc Thảo.
Như vậy, trước khi đến với nghề trồng cây ăn quả, Vinh đã là con người từng trải. Anh kể mình cất tiếng khóc chào đời ngay trên mảnh đất Cao Phong chẳng mấy ngọt ngào và càng không chấp nhận sự nhàn tản cũng như trông chờ vào may rủi. Số phận đã chèo lái anh không đi theo nghề làm bác sĩ chữa bệnh, cứu người như cha mình. Dường như anh sinh ra đã là người của cao nguyên, ăn cơm gạo cao nguyên và hít thở khí trời khắc nghiệt của một vùng hoang sơ đang khao khát dấu chân người. Đất cao nguyên đã gắn kết với đời anh cho đến tận bây giờ. Cái dáng người tầm tầm, da ngăm đen và gương mặt xương xương có phần khắc khổ của anh đã nói lên nhiều điều. Người nào đã tiếp xúc với anh, dù chỉ một lần, đều phải giữ thái độ nể trọng.
Ảnh minh họa.
Ai biết Cao Phong vốn là cao nguyên từng thưa vắng dấu chân người cả một thời kỳ dài? Trước năm 1945, người Pháp đã cất công lên đây khai phá, lập đồn điền, thuê nhân công trồng cây ăn quả. Đầu những năm sáu mươi, Cao Phong là cơ ngơi của một nông trường quân đội. Phương thức làm ăn tập thể đã không vực dậy được một địa danh bị bỏ quên. Vào thời đổi mới, sức lao động của con người mới có điều kiện để phát huy đến mức tối đa. Cao Phong dần dần biến thành một vùng đất trù phú, dân cư ngày một đông đúc dần lên. Và, một thị trấn đã hình thành - thị trấn Cao Phong nhộn nhịp những người và xe.
Tôi hào hứng tiếp tục câu chuyện:
- Hai loại cam trồng xen kẽ nhau như thế này liệu có ảnh hưởng đến năng suất của từng cây không?
- Hoàn toàn không! Quan trọng hơn là để tiết kiệm đất trồng!- Vinh đáp.
- Phải phấn đấu thành tỷ phú chứ?- Tôi nói có hàm cái ý khích lệ.
- Điều ấy thì... ai, chứ tôi chưa dám nghĩ đến.
Gió mùa đông bắc đổ về. Trời trở lạnh và lất phất mưa. Đường dẫn vào các khu rừng cam chẳng tốt hơn đường dân sinh là mấy, đã thế lại bị các loại xe có động cơ chà đi sát lại hàng ngày tạo nên hai cái rãnh sâu chỉ vừa lọt bốn bánh xe, ở giữa nổi lên cái gờ đất, mưa lớn hóa thành dòng chảy nhỏ. Những cành cam sai trĩu quả vươn cả ra mặt đường, ngồi trên xe có thể với tay hái được một cách dễ dàng.
Những gốc cam được rẫy sạch cỏ, không thấy bóng một con sâu, cái kiến, một minh chứng cho sự dày công chăm sóc của con người. Thi thoảng lại gặp những phân trâu chở lên từ Phú Thọ được phủ kín bởi những tấm ni lông và những chiếc bao tải gai màu trắng. Phân trâu phải cho ủ kỹ, chí ít cũng phải từ bốn đến năm tháng mới đủ tiêu chuẩn bón cho cây.
- Doanh thu mỗi ha cam hiện thời là bao nhiêu ?- Tôi ướm hỏi.
- Bình quân từ 25 đến 30 tấn/ha. Cũng có lúc gặp "hên" được 50 tấn/ha. Doanh thu cỡ 500 triệu đồng một năm là bình thường. Đột xuất, có năm thu trên 1 tỷ. Qủa thật, cam trồng bao nhiêu cũng không đủ.
Đang đà vui chuyện tự dưng Vinh dừng lại. Có lẽ anh không muốn tiếng nói của mình bị chìm đi giữa những tiếng còi xe đua nhau rộ lên xin đường. Ô tô tải từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ nghe tiếng cam Cao Phong đang hàng ngày ùn ùn kéo lên, chẳng đợi chào mời. Hối hả khác nào một công trường xây dựng.
- Thế mới biết sức tiêu thụ của dân mình thật đáng nể.- Vinh khẽ nói. Chúng tôi đang tìm cách tăng diện tích trồng cây ăn quả có múi. Cam vẫn là cây chủ lực. Bà con có đủ công ăn việc làm, không còn lo thất nghiệp nữa.
- Có thêm một múi quả, phải đổ bao mồ hôi, công sức.- Tôi nói thêm.
- Khó khăn mấy chúng tôi cũng vượt được, miễn sao "ngọt đến tay" mọi nhà.- Bùi Quang Vinh như muốn chốt lại câu chuyện.