CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:05

Con dâu "nhà quê"

Ngày con trai đưa người yêu về ra mắt, bà Tâm thực sự cảm thấy ngỡ ngàng, bởi con dâu tương lai của bà vừa ít nói, mặt mũi trông cứ "khó đăm đăm", công ăn việc làm lại không ổn định. Hơn nữa, bà cũng không hiểu sao con trai mình cao ráo, đẹp trai, làm ở một ngân hàng lớn, con nhà khá giả lại lựa chọn một cô gái có vẻ "nhà quê" từ tên gọi, cho đến đầu tóc, quần áo cũng lỗi mốt, chẳng hợp thời. Bởi những ấn tượng không mấy tốt đẹp, nên bà Tâm nhiều lần phản đối, khuyên can con trai, nhưng Thành, con trai bà đều "cãi lý" rằng "gái quê chân chất" như thế giờ mới ngoan, mới hiếm, mới quý, mới hết lòng vì gia đình và khăng khăng đòi cưới cho bằng được. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, sau nhiều lần thuyết phục mà không xong, bà Tâm đành gật đầu đồng ý.

 

  (Ảnh minh họa).

Sau đám cưới, mặc dù những "ấn tượng xấu" ban đầu không hề thay đổi, nhưng bà Tâm tự nhủ, đã chấp nhận rồi thì sẽ cố gắng đối xử tốt với con dâu, để con trai mình được vui vẻ, cũng coi như để bù đắp cho quãng thời gian dài vợ chồng bà đi làm ăn xa khiến con trai thiếu thốn tình cảm của bố mẹ. Thế nhưng, ngược lại với tấm lòng của bà, cô con dâu ngày càng giữ khoảng cách, và không lúc nào thôi "hậm hực", lý do cũng chỉ vì cô biết, mẹ chồng từng chê mình "nhà quê".

Có nhà cao, cửa rộng, tiện nghi chẳng thiếu thứ gì, nhưng ở được với nhà chồng đúng 1 tuần, con dâu bà nằng nặc đòi ra ngoài thuê trọ ở riêng. Mặc cho bà tìm mọi cách giữ lại, con dâu vẫn khăng khăng không hề đổi ý, cũng không trả lời lý do tại sao. Mãi đến một hôm bà có việc đi ra ngoài, rồi về nhà mà hai con không biết, bà mới hiểu được sự tình qua lời con dâu nói với chồng: "Em nhà quê, không quen sống ở căn nhà hiện đại kiểu này, không thích nghi được với lối sống của nhà anh. Anh mà không đồng ý ra ngoài, em đi một mình". Thương con trai ở giữa đau đầu, khó xử, bà lại một lần nữa "xuống nước" chấp nhận, dù chỉ mới nghĩ đến việc con mình đang sống trong nhà cửa đàng hoàng, giờ lại phải chui ra chui vào một căn phòng trọ, bà đã không khỏi chạnh lòng, xót xa.

Con dâu thông báo có bầu, khỏi phải nói bà vui mừng thế nào vì nhìn bạn bè "lên chức" bà nội bà ngoại, bà cũng "thèm" được thế từ lâu lắm rồi. Chẳng cần suy nghĩ, bà ngay lập tức đi ra chợ, rồi tay xách nách mang nào chim bồ câu, nào trứng gà, nào trứng ngỗng mang đến cho con bồi bổ. Đến nơi, bà còn bảo con dâu cứ ngồi nghỉ ngơi, rồi tự tay vào bếp tần chim với thuốc bắc, hạt sen, xong thì vội vàng múc lên tận nơi để "con ăn cho nóng". Trái ngược với mong đợi của bà, cô con dâu mặt mũi dửng dưng: "Con nghén lắm, không ăn được thứ này", rồi quay mặt đi thẳng, lên giường nằm ngủ. Vài lần sau mang đồ ăn đến, con dâu bà vẫn "điệp khúc" cũ khiến bà không khỏi phật lòng, vừa mới "trách" được một câu: "Con không chịu ăn uống thế này, làm sao mẹ khỏe, con khoẻ được", đã bị "độp" lại ngay: "Ở nhà quê, có mấy người được bồi bổ như thành phố hả mẹ, họ vẫn khoẻ cả đấy có sao đâu?". Quá bực mình với kiểu thái độ của con dâu, nhưng thấy con trai nổi giận với vợ, bà cũng chỉ im lặng thở dài bỏ ra về, vì không muốn to tiếng, không muốn "thêm dầu vào lửa", bởi con cái bất hoà bà cũng đâu thể vui vẻ.

Những ngày con dâu "bụng to vượt mặt", mệt mỏi chờ sinh, hay lúc đau đớn vượt cạn, rồi thời gian ở cữ, lúc nào bà Tâm cũng có mặt để đỡ con, chăm cháu. Vậy mà con dâu lúc nào cũng tỏ vẻ “không cần”, “không khiến”, thậm chí còn mặt mũi còn xưng xỉa, tỏ ý không ưng những gì bà làm, nhiều lần còn vùng vằng làm lại. Bà Tâm giận lắm, nhưng vì con, vì cháu mình, bà lại tự nhủ thôi thì bỏ qua, cứ đối xử hết lòng, rồi có ngày con dâu cũng hiểu được lòng tốt của bà.

Biết con trai cũng buồn phiền nhiều vì thái độ, cách hành xử, rồi những mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là sự đỏng đảnh, hay gắt gỏng của vợ, và thường xuyên tâm sự rằng cảm thấy chán nản cuộc sống vợ chồng, bà nhiều lần lựa lời mềm mỏng khuyên con dâu nhưng vẫn chẳng khác nào “nước đổ lá khoai”. Thấy con trai ngày càng trẻ, đẹp, phơi phới, ngược lại, cô con dâu trước đây đã xuề xòa, sinh đẻ xong lại không chịu chăm sóc gì cho bản thân, lúc nào cũng đầu bù, tóc rối, ăn mặc luộm thuộm, bà thầm nghĩ, mình nhìn còn… phát ngán, nói gì đến đàn ông con trai. Lại nghĩ cho con cái, bà dành cả buổi chiều đi chọn được ba chiếc váy, sốt sắng mang về để con dâu thử. Đến nhà, vừa đưa tận tay con, bà vừa bảo: “Mẹ mua cho con ít đồ mới đây, dù bận rộn mấy thì cũng nên quan tâm một chút đến bản thân…”. Thế mà chưa để bà nói dứt câu, cô con dâu mặt hầm hầm, miệng thì bù lu bù loa: “Con biết con xấu, con quê từ lâu rồi, không hợp với mấy thứ này đâu”, tay thì hất luôn túi đồ xuống đất. Sửng sốt, ngỡ ngàng, bà Tâm cho con dâu một cái tát nảy lửa, còn con trai bà thì ngay lập tức thu dọn quần áo, đồ đạc cùng mẹ đi về, không quên để lại tờ đơn ly hôn đã được viết sẵn từ bao giờ.

Dường như “sực tỉnh”, lúc này con dâu bà mới cuống quýt khóc lóc xin lỗi mẹ chồng và níu tay xin chồng đừng đi, nhưng dường như tất cả đã quá muộn màng…

Theo Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh