THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:10

Chuyển biến mạnh công tác chăm sóc người có công, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm

 - Ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm hỏi, động viên các thương binh nặng tới thăm trụ sở Quốc hội, nhân Hội nghị tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019.

 

Tập trung giải quyết dứt điểm hồ sơ người có công tồn đọng 

Công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của đất nước đạt được nhiều kết quả quan trọng; đặc biệt các cơ quan chức năng có cách làm sáng tạo, thiết thực, tạo phong trào đền ơn đáp nghĩa sâu rộng, xuyên suốt từ trung ương đến các làng bản, thôn xóm.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến tháng 5/2019, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã 3 lần tham gia trả lời chất vấn trực tiếp tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tại Hội trường các kỳ họp  Quốc hội khóa XIV; đã nhận và trả lời 52 phiếu ghi chất vấn với 74 chất vấn của Đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành. Ngay sau khi nhận được chất vấn từ các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiêm túc nghiên cứu các nội dung chất vấn, khẩn trương trả lời, đảm bảo tiến độ, qua đó cung cấp thêm thông tin và góp phần làm rõ những nội dung mà đại biểu Quốc hội, cử tri còn băn khoăn. Các nội dung trả lời của Bộ bảo đảm tính khả thi theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và đúng với chức năng, nhiệm vụ của Bộ.

Thực hiện Chỉ thị số 14- CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 607/TB-TTKQH ngày 08/5/2017 và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm tập trung giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị công nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định 408/QĐ - LĐTBXH ngày 20/3/2017 về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công - đây là một quyết định then chốt, làm cơ sở pháp lý để từng bước giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công.

Trong gần 3 năm triển khai, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội phối hợp với các cấp, ngành đã rà soát, xem xét và giải quyết trên 6.000 hồ sơ tồn đọng, qua đó đã xác nhận trên 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh, những hồ sơ không đủ điều kiện đã được kết luận và giải thích cho từng đối tượng. Đến nay, hồ sơ tồn đọng ở cấp huyện, cấp xã và trong nhân dân đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục xem xét, bao gồm 725 hồ sơ (323 liệt sĩ, 402 thương binh), dự kiến giải quyết xong trong năm 2019.

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, sau khi  phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát nhà ở người có công cần tu sửa, sửa chữa, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đồng ý bố trí nguồn vốn giải quyết nhà ở người có công bị xuống cấp, dột nát. Tại phiên họp Chính phủ ngày 4/7/2017, Chính phủ đã thống nhất bổ sung 8.140 tỷ đồng hỗ trợ 313.707 hộ (tổng cộng cả 2 đợt là trên 11.000 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 410.000 hộ). Sau hơn 2 năm triển khai, toàn quốc đã hoàn thành việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho gần 300 nghìn hộ gia đình chính sách người có công.

 

 - Ảnh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019.

 

Dịp cả nước kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2017),  toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều hoạt động trọng thể, thiết thực thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công cả nước, đầu tư tu bổ hàng trăm đền, đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ.Trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công, Bộ cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phát huy vai trò của cấp ủy, sự tham gia của các đoàn thể trong phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, trục lợi chính sách ưu đãi người có công.

Hiện, Bộ đang tập trung nghiên cứu, sửa đổi toàn diện dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, nhằm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước đồng thời tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất, đảm bảo công bằng, hợp lý, tạo sự đồng thuận cao của xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân của họ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành vào cuối năm 2019.

 - Ảnh 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, tặng quà gia đình bà Trần Thị Don là vợ liệt sĩ Phạm Ngọc Tuy, thành phố Lào Cai, tháng 7/2019 

 

 Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ vừa qua, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có đánh giá, ghi nhận Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội những năm vừa qua đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong phối hợp chặt chẽ với các bộ, các ngành, các địa phương triển khai các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh- Liệt sĩ. Qua các hoạt động kỷ niệm, đã khẳng định công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí bất khuất chống giặc ngoại xâm; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.

 - Ảnh 4Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đến thăm và động viên thầy và trò Trường Cao đẳng Nghề Dân tộc nội trú Bắc Kan trong công tác giảng dạy và học tập

Sắp xếp, đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN

Với mục tiêu "Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp", được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Đến nay, Bộ đã ban hành đầy đủ, đúng tiến độ 63 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Hoàn thành rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDNN để định hướng phát triển nguồn nhân lực cho giai đoạn tới theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các chất vấn của đại biểu Quốc hội là những vấn đề mà dư luận và xã hội quan tâm, liên quan đến quyền, lợi ích của người dân. Do đó, khi các chất vấn, kiến nghị được giải quyết, các chính sách được ban hành đã phát huy tác dụng, đi vào đời sống của người dân. Bên cạnh đó, các nội dung chất vấn, kiến nghị cũng góp phần giúp Bộ nghiên cứu, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.

Thực hiện việc rà soát, sắp xếp lại các cơ sở GDNN tại các bộ, ngành và địa phương toàn quốc, trong 02 năm 2018 - 2019 đã giảm được 100 trường công lập, đạt tỷ lệ 16%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW. Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong GDNN được triển khai quyết liệt; giao quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm cho các trường dựa trên năng lực đào tạo được đăng ký. Tuyển sinh GDNN đã chuyển biến rõ rệt, trong 2 năm 2017 - 2018 đều vượt kế hoạch đề ra.

Tính đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo cả nước đã tăng từ 53% năm 2016 lên 58,6% năm 2018 và dự kiến đến năm 2019 đạt 61,2%. Tỷ lệ thất nghiệp thiếu việc làm có xu hướng giảm dần qua các năm. Thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với Cục Việc làm, Viện Khoa học Lao động và Xã hội tăng cường công tác dự báo, kết nối thị trường lao động, nâng cao hiệu quả công tác phân luồng sau trung học cơ sở, trung học phổ thông; đẩy mạnh việc phát triển thị trường lao động trong nước, chú trọng đổi mới mô hình đào tạo nghề, hướng đến phát triển việc làm bền vững, thí điểm đào tạo nghề theo đơn đặt hàng và triển khai đào tạo theo các chương trình chuyển giao từ các nước tiên tiến như Đức, Úc… Quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, khuyến khích nâng cao hiệu quả kết nối giữa doanh nghiệp, người sử dụng lao động với cơ sở đào tạo và người lao động.

 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích cai nghiện tự nguyện; ban hành các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội tham gia công tác cai nghiện; đổi mới cách thức quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm việc tại các cơ sở cai nghiện; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan.

MINH HOÀNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh