Chuyện “bao đồng” của người phụ nữ đơn thân vượt qua nghịch cảnh, dành thời gian xin gạo giúp người nghèo
- Bác sĩ
- 14:18 - 20/07/2020
Giữa buổi trưa hè nắng gắt, chị Trần Thị Loan (37 tuổi, trú thôn 14, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vẫn dong đuổi trên chiếc xe máy, gõ cửa từng nhà dân để "xin" tiền cứu giúp một hoàn cảnh khó khăn, vừa bị điện giật nguy kịch.
Mồ hôi ướt đẫm vạt áo nhưng chị vẫn nở nụ cười thật tươi đón nhận những đồng tiền người dân quyên góp, rối rít cảm ơn rồi xin phép ra về.
Tạt vào quán nước mía bên đường nghỉ ngơi, chị lấy số tiền vừa quyên góp được ra đếm đi đếm lại rồi tính toán, thở dài: "Trưa hôm tôi vừa xin được 4 triệu. Hi vọng từ giờ đến tối xin được thêm một chút để chuyển vào cho gia đình em ấy lo cứu chữa cho chồng. Khổ thân, mẹ chồng em ấy vừa mất. Bố chồng bị ung thư cũng yếu lắm rồi. Hôm trước, người chồng lại bị điện giật, bỏng rất nặng, đang nằm cấp cứu trong bệnh viện tuyến tỉnh. Con thì mới được một đứa còn thơ dại, không biết em ấy sẽ xoay xở thế nào?".
Uống ngụm nước, chị phân trần "Tôi cũng thuần nông nghèo khó, cũng từng trải qua biết bao giông bão của cuộc đời. Hơn ai hết, tôi hiểu được những khó khăn họ đang mang, chỉ hi vọng giúp được chút gì đó cho họ".
Nghị lực phi thường của người phụ nữ đơn thân
Chị kể, 12 năm trước, hoàn cảnh khó khăn, chị rời nhà vào Gia Lai hái cà phê thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Cũng chính nơi đây, chị đem lòng yêu thương người đàn ông đã qua một đời vợ và có hai người con riêng. Đám cưới không linh đình, chỉ vài ba mâm cỗ nội ngoại gặp mặt rồi hai người về chung sống với nhau.
Mang thai đứa con đầu lòng cũng là lúc chị nhận ra giữa mình và chồng không hợp nhau. Dù chị đã cố gắng rất nhiều nhưng giữa hai người vẫn không thể tìm được tiếng nói chung, chị quyết định chia tay, vác bụng bầu vượt mặt trở về quê hương, chấp nhận làm mẹ đơn thân. Ngày ấy, động lực duy nhất, niềm vui duy nhất của chị là đứa con đang lớn dần trong bụng.
"Sinh con trong cảnh khó khăn, không nhà cửa, không tiền bạc, tôi quyết định mượn đất rừng của người anh trai để ở, nhờ vay mượn hàng trăm triệu đồng để đầu tư mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng, kiếm kế sinh nhai cho hai mẹ con.
Trong rừng có căn nhà nhỏ, tôi và con trai cứ thế sống thui thủi bên nhau. Hàng ngày, tôi địu con sau lưng để nuôi gà vịt, chăn thả trâu, dê. Mẹ cứ miệt mài làm. Con ngủ gà ngủ gật trên lưng", chị Loan kể lại.
Gần đến ngày thu hoạch thì trúng đợt dịch gia cầm, chị trắng tay, vỡ nợ gần 200 triệu đồng. Rồi con trai ốm đau, nằm viện. Bố mẹ đều qua đời. Anh chị em ai cũng nghèo khó, tha phương kiếm sống. Có những lúc chị thấy mình đuối sức, tưởng chừng như gục ngã.
Nhưng rồi vì con, chị lại tiếp tục cố gắng, vay mượn tiếp để đầu tư. Ngoài chăn nuôi, chị kiếm thêm tiền bằng nghề buôn gia cầm. Nhờ cố gắng, chị dần dần trả hết nợ, tích góp tiền bạc dự định xây nhà.
2 năm trước, chị xây được hai gian nhà nhỏ trên đất của bố mẹ để lại. Sau 10 năm sống cô độc giữa núi rừng, hạnh phúc mỉm cười khi mẹ con chị Loan được ra ngoài sống đầm ấm, yên vui bên anh em họ hàng, bà con lối xóm.
Lấy "chuyện bao đồng" làm niềm vui sống
Dù cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng chị Loan được người dân biết đến, cảm phục bởi tấm lòng nhân ái. Chị luôn dành thời gian cho công tác từ thiện, xin gạo giúp dân nghèo.
Những lần rời rừng vào làng, chứng kiến cảnh nhiều người còn khó khăn, ốm đau, tai nạn. Có những người là phụ nữ đơn thân mắc bệnh hiểm nghèo, con nhỏ. Rồi những đứa trẻ đến trường không có quần áo mặc... chị nhận ra bản thân mình và con trai còn may mắn hơn rất nhiều người. Ít ra chị vẫn còn sức khỏe, vẫn còn đôi chân, đôi tay khỏe mạnh để bươn chải cuộc sống.
Và nhất là chị vẫn còn có con trai làm chỗ dựa tinh thần. Chị quyết định làm một điều gì đó giúp đỡ họ.
"Ban đầu là đăng tin về hoàn cảnh bất hạnh lên facebook nhờ giúp đỡ rồi đi từng nhà dân, vào từng khu chợ ngửa tay xin tiền giúp họ. Ai giúp đỡ tiền, gạo hay bộ quần áo...tôi đều ghi chép rõ ràng rồi công bố lên facebook.
Thời gian đầu nhiều người còn ái ngại, sợ tôi lợi dụng để trục lợi cá nhân. Người lại bảo tôi rảnh đi lo chuyện bao đồng, nhưng dần dần họ biết được việc ý nghĩa tôi đang làm nên trân trọng và hưởng ứng nhiệt tình", chị Loan vui vẻ chia sẻ.
Cũng từ đó, suốt 3 năm qua, một mình chị vừa chăm lo cuộc sống để nuôi con trai ăn học vừa miệt mài với những hoàn cảnh khó khăn. Không quản nắng mưa, đôi chân của chị tìm đến, trao gạo cho hàng trăm số phận bất hạnh.
Tìm đến các trường học trong và ngoài xã để kết nối, trao gửi yêu thương của các mạnh thường quân đến những học sinh nghèo ở các xã như: Quỳnh Tân, Quỳnh Văn, Quỳnh Hoa... Chị còn chung tay kêu gọi, hỗ trợ địa phương trong đợt dịch Covid-19, trao quà trung thu, áo ấm cho trẻ vùng cao...
Ngước nhìn con trai Quách Trần Minh Đức (11 tuổi) đang ngồi bên cạnh, chị Loan vui vẻ chia sẻ:
"Mẹ con tôi cứ khỏe mạnh, bình dị, con trai chăm ngoan, học giỏi và luôn cười tươi là được. Còn sống ở đời, giúp được ai cứ giúp, chia sẻ được cùng ai cứ sẻ chia. Cứ tối về nằm bên con thấy tâm an yên là hạnh phúc rồi".