Chương trình SWEEP tại Việt Nam: Thành công và Nhân rộng
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 19:40 - 08/10/2015
Dấu ấn hợp tác 20 năm Việt Nam - Hoa Kỳ
Từ năm 2012, Cơ quan Hỗ trợ Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trường ĐH bang San José (SJSU) đã ký thỏa thuận hợp tác thiết lập Chương trình SWEEP với sự tham gia của Trường ĐH bang San Jose SJSU (Mỹ), 8 trường đại học của Việt Nam, Tập đoàn Công nghệ mạng Cisco và các bên liên quan khác. Mục đích của SWEEP là nhằm hỗ trợ 8 trường ĐH của Việt Nam nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân CTXH. Dự án được tài trợ đến hết tháng 9/2015, còn giúp nâng cao việc quản trị các chương trình CTXH; năng lực giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên; chương trình đào tạo CTXH, và xây dựng mạng lưới truyền thông giữa các trường ĐH thông qua việc sử dụng các công nghệ hiện đại. Để đạt những mục tiêu đề ra, SWEEP đã tổ chức các khóa đào tạo giảng viên và các nhà quản trị với các ĐH đối tác, tiến hành tập huấn trực tuyến và cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật cần thiết.
Các đại biểu tham gia hội nghị.
Đánh giá hiệu quả của Chương trình SWEEP, bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Nghề CTXH Việt Nam, cho biết: Việt Nam hiện có khoảng 25% dân số thuộc đối tượng cần trợ giúp từ các nhân viên CTXH. Đề án Phát triển nghề CTXH đặt ra mục tiêu bồi dưỡng cho 60.000 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH đến năm 2020 là thách thức lớn đối với các cơ sở đào tạo của Việt Nam. Từ năm 2012, SWEEP đã giúp các trường sớm đi trước trong đổi mới căn bản việc đào tạo nghề CTXH. Thông qua các khóa tập huấn, đào tạo kỹ thuật, cán bộ quản lý và giảng viên của 8 trường ĐH tham gia, đã được tiếp cận các phương pháp giáo dục hiện đại, xây dựng chương trình đào tạo CTXH bậc cử nhân theo chuẩn đầu ra.
Với sự giúp đỡ từ Chương trình SWEEP, Hội các trường đào tạo CTXH đã xây dựng được bộ chuẩn đầu ra nghề CTXH khung với 9 tiêu chí về đạo đức, kiến thức và kỹ năng. Khoảng 50 cán bộ quản lý và giáo viên của 8 trường ĐH ở Việt Nam đã được tập huấn tại Trường ĐH San Jose State - trở thành đội ngũ hạt nhân trong hệ thống các trường đào tạo nghề CTXH ở Việt Nam, sắp tới sẽ được nhân rộng thêm nhiều trường.
Ghi nhận những kết quả của dự án, ông JoaKim Parker, Giám đốc USAID tại Việt Nam nhấn mạnh: “Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, chú trọng an sinh xã hội, trở thành điểm sáng của thế giới về xóa đói giảm nghèo. Thành công của SWEEP cũng gắn với tiến trình 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ...”.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chúc mừng GS Alice Hines nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp LĐ-TB&XH.
“4 đúng” của Chương trình
Là một trong 8 trường ĐH tham gia dự án, PGS, TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh), phấn khởi nhận xét: “Chương trình đạt được “4 đúng”: Đúng lúc, đúng chỗ, đúng lĩnh vực và đúng cách”. Phân tích về 4 đúng, PGS, TS Võ Văn Sen nói: “ Đúng lúc là Đảng vừa ra Nghị quyết Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; Đúng chỗ là các trường đang khó khăn tìm cách đổi mới, hiện đại hóa chương trình giảng dạy, thì được tham gia dự án, được tiếp cận các phương pháp nghiên cứu, quản lý và giảng dạy hiện đại; Đúng lĩnh vực, dự án đã chọn ra 8 trường đều là những cơ sở lớn có đào tạo CTXH, đại diện cho cả 3 miền Bắc- Trung-Nam. Đúng cách, dự án đã bắt đầu đào tạo công nghệ và quản lý ngay với người đứng đầu của 8 trường, tiếp đó là đào tạo nâng cao năng lực giảng viên, nâng cao trình độ, chất lượng giảng dạy và xây dựng chuẩn đầu vào”. PGS, TS Võ Văn Sen đề nghị Hiệp hội Dạy nghề và Nghề CTXH Việt Nam tiếp tục là đầu mối kết nối các trường tham gia dự án tiếp tục được trao đổi thường niên chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, đồng thời nhân rộng kết quả dự án sang các trường chưa được lựa chọn.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, GS, TS Nguyễn Văn Kim cho biết, một số giáo viên, giảng viên của trường sau đào tạo đã trở thành các giảng viên nguồn tham gia đào tạo trong nước, quốc tế. Sự kích hoạt của SWEEP đã giúp Trường ĐH KHXH&NV mở rộng quan hệ hợp tác với các trường ĐH danh tiếng của Nhật Bản, Thụy Sĩ, đồng thời tạo sự kết nối giữa trường với các chương trình dự án của các Bộ: LĐ-TB&XH, GD&ĐT
PGS, TS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng trường ĐH Đồng Tháp, ghi nhận: Chương trình do Hiệp hội Dạy nghề và Nghề CTXH kết nối đã tác động đến cơ quan quản lý nhà nước để ra đời Thông tư Liên tịch số 30/TT-LT-/LĐ-TB&XH-GD&ĐT qui định rõ chức danh, mã vạch, mã nghề của người làm CTXH. Bên cạnh đó Hiệp hội còn đi trước trong việc kết nối nhân rộng kết quả của dự án ra các trường ĐH, CĐ khác có đào tạo CTXH nhằm chia sẻ các tài liệu nghiên cứu mới, phương pháp giảng dạy mới giúp các trường đổi mới nâng cao năng lực đào tạo nghề CTXH theo hướng tiếp cập các phương pháp hiện đại.
Ghi nhận những đóng góp tích cực của Chương trình SWEEP, Bộ LĐ-TB&XH đã quyết định trao tặng GS Alice Hines Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp LĐ-TB&XH.
Tiếp cận chuẩn CTXH khu vực ASEAN: Hệ thống các trường đào tạo CTXH được tham gia dự án là đầu não đào tạo ra các nhân viên CTXH chuyên nghiệp.Trước mắt các phương pháp, sản phẩm và kinh nghiệm của 8 trường tham gia SWEEP sẽ được tập huấn nhân rộng ra các trường đào tạo CTXH khác. Đồng thời, tiếp tục kết nối và nghiên cứu các Tiêu chuẩn đạo đức CTXH, Tiêu chuẩn Kỹ năng CTXH ASEAN để bổ sung đưa vào giảng dạy giúp sinh viên CTXH ra trường có được các kỹ năng theo chuẩn quốc tế. |