Chúng ta đang sống những ngày thật khác: Covid-19 nhắc nhớ chúng ta về nhà, "còn có nơi để về đã là một điều may mắn giản dị"
- Bác sĩ
- 14:10 - 23/04/2020
Tất cả chúng ta đều đang sống qua những ngày thật khác. Covid-19 như một cú phanh gấp, đột ngột hơn bao giờ hết, gây thảng thốt, hốt hoảng cho mọi người trên chuyến xe Cuộc sống. Xe đang chạy càng nhanh, thì cú phanh gấp, lại càng gây shock.
Một thứ không khí buồn buồn đang lảng vảng khắp nơi, nhưng tôi cũng không bỏ lỡ cơ hội để được lặng ngắm đất nước mình, thành phố của mình trong những ngày thật khác và nghiền ngẫm nó như một đoạn trầm hiếm gặp của trường ca cuộc sống.
Chẳng biết một cách vô tình hay hữu ý, con virus như vô hình kia tấn công vào một thứ vô hình - miễn phí khác: hơi thở của mỗi chúng ta. Cũng vì là vô hình và miễn phí, đã có lúc chúng ta xem thường món quà vô giá từ thuở lọt lòng ấy: hơi thở.
Hơi thở là hiện thân của cuộc sống, dù bạn buồn hay vui, bạn vẫn phải thở và được thở. Thỉnh thoảng giữa cơn chán nản, có bao giờ bạn từng thốt lên trong vô thức "Ôi, tôi chán đời quá....". Thật không? Có chán thật không? Chưa chán đâu, cho đến lúc bạn phải trả tiền chỉ để được thở.
Sài Gòn mấy tuần nay thanh vắng, tĩnh lặng đến mức ta có thể nghe thấy hơi thở của chính mình. Tôi không kết tội Covid-19 làm "đảo lộn" cuộc sống. Không! Nó không làm đảo lộn cái gì hết, nó chỉ đang nhắc lại cuộc sống, nhưng theo một cách thô bạo và bất ngờ nên chúng ta thấy khó chịu. Nó nói, cuộc sống vốn dĩ rất đơn giản: ăn - ngủ - thở - thương yêu. Cứ bốn thứ đó, cứ hễ bị đụng đến, là chúng ta nháo nhào lên ngay cả thôi. Con virus nó đe doạ tấn công hơi thở, nó làm nhiều người đói cái bụng, nhiều người lo lắng đến mất ngủ.
Nhưng thương yêu thì nó không xâm phạm được vì người ta vẫn có thể thương yêu nhau ngay cả khi kề cận cái chết như câu chuyện một vị linh mục già tình nguyện nhường máy thở cho một bệnh nhân trẻ hơn ở Ý, hay Siêu thị Hạnh phúc 0 đồng - máy ATM gạo ở Việt Nam. Con Covid nó cũng nhắc chúng ta về Nhà (Home): ở nhà hay là chết, ở nhà để được bình an. Ngôi nhà của chúng ta, dù có là cái lều rách, thì vẫn là thành trì yên ấm yêu thương, để chở che bao bọc ta vô điều kiện. Còn có nơi để về, với tự thân ta, đã là một điều may mắn giản dị.
Con người vốn là những kẻ nghịch ngợm nhưng lại được giao nhiệm vụ làm kẻ chỉnh loa. Cứ sểnh ra một xíu, là lại tăng âm lượng lên thành ra cuộc sống ồn ào, chói tai hơn bản chất giản đơn của nó. Thế thỉnh thoảng lại có chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh.... định kỳ vài năm hay chục năm một lần, để tinh chỉnh lại sự quá tay của loài người, đưa cuộc sống về những thanh âm vừa phải, cân bằng.
Cuối tuần rồi, tôi thấy mệt đầu vì nhiều lo nghĩ lộn xộn quá, tôi lại tự chữa lành phần hồn của mình theo cái cách thỉnh thoảng vẫn làm - cách mà tôi thấy rất ổn suốt những năm đi học một mình xa nhà. Tắt hết điện thoại, Internet, các thiết bị hiện đại trong vòng 24 giờ, chọn một cuốn sách và đọc một cách liền mạch. Đang những ngày cách ly, nên tôi chọn cuốn Papilon - Người tù khổ sai, một cuốn tự truyện có thật của Bướm - một chàng thanh niên 13 năm bị "cách ly" khỏi xã hội ngoài đảo xa bởi 1 bản án oan sai, 8 lần vượt ngục... đánh đổi tất cả nguy hiểm, gian nan chỉ để cuối cùng được làm một người bình thường và lương thiện. Khép cuốn sách lại, tự dưng thấy lòng mình nhẹ bẫng, những lo toan lùi xa. Chúng ta được là người hơn khi gần gũi những điều cơ bản của cuộc sống. Nếu không chết ngay được, thì cứ bình tĩnh sống, quyết liệt sống và quan trọng là đừng bao giờ từ bỏ hy vọng.
Có những thứ, chúng ta dù gắng hết sức cũng không thể xoay chuyển được, nhưng chẳng thế lực nào có thể ngăn cấm ta hy vọng vào những điều tươi sáng hơn.
Đôi hôm nữa, lớn tiếng với con người xong xuôi thì Covid-19 cũng sẽ lùi đi, ít nhất là ở Việt Nam. Cuộc sống của chúng mình sẽ trở lại, đường phố sẽ lại đông, "tà tữa" sẽ lại mở, khoảng trời từ cái ban công nhỏ của tôi sẽ lại rợp những chuyến bay bay lên, hạ xuống - tấp nập và gấp gáp như hơi thở của chúng ta.
Và vài chục năm sau nữa, chúng ta có còn nhớ để kể lại với cháu con: "Năm 2020, đã có những ngày.... thật khác".